Lân sư rồng trong sắc màu dân gian truyền thống Việt

 Rộn ràng tích múa sư tử

Múa rồng - vũ hội trời mây non nước thăng hoa

Múa rồng lân sư tổ chức nhiều vào dịp Tết Nguyên đán, hội làng khai hạ, xuống đồng, tết cơm mới, rằm trung thu, lễ khánh thành, khởi công các công trình, các sự kiện quan trọng… Rất nhiều nước ở châu Á có hình thức múa rồng lân sư, nhưng ở Việt Nam vẫn nổi trội về mức độ phong phú, sự giản dị gần với đời sống và thu hút cộng đồng hơn cả.

Rồng lân sư là những con vật linh thiêng theo tín ngưỡng người Việt. Rồng được chạm khắc tinh xảo trên các công trình kiến trúc, trong nghệ thuật điêu khắc hội họa cung đình, đền miếu, chùa tháp. Rồng được tôn vinh thờ phụng, ngưỡng mộ trong đời sống tín ngưỡng tâm linh văn minh làng xã.

Người Việt tự nhận mình là con rồng cháu tiên, đưa rồng vào câu hát đồng dao rồng rắn lên mây. Múa rồng đi vào cuộc sống cộng đồng như một lẽ thường tình và chứa ẩn những điều thiêng liêng huyền bí. Khát vọng rồng phun nước trong sản xuất, rồng phun lửa trong đánh giặc, rồng phun châu nhả ngọc để sang giàu là hiện thân của những ước mơ của công dân lúa nước trong hành trình xây dựng và bảo vệ làng nước. Múa rồng có tới trên 30 vũ điệu khác nhau với sự tham gia của một tốp người mang đầu rồng và các khúc thân rồng, đuôi rồng. Đội rồng ít nhất khoảng 6 người, đông nhất có thể tới 20 - 30 người để vận hành uyển chuyển đầy uy lực của một vũ hội rồng kỳ diệu. Để thể hiện nhuần nhị vũ điệu múa rồng đòi hỏi luyện tập công phu phối hợp nhuần nhuyễn của tập thể. Tiết tấu uốn khúc, nhào lộn, lao tới, đảo mình, lộn lại đòi hỏi các yếu tố võ nghệ tài khéo của người tham gia múa rồng.

 Nghệ thuật trang trí trên đầu lân

Lân sư điệu nhảy chúa tể rừng xanh ở làng ở phố

Múa lân còn gọi là múa kỳ lân. Con lân trong vũ điệu này là sự tôn vinh, thờ phụng và cách điệu của mãnh hổ chúa tể núi rừng. Đầu lân được chế tạo công phu tỉ mỉ vừa có vẻ dữ dằn lại có vẻ mềm mại uyển chuyển bắt mắt. Trên đầu và trên mình lân có những đường vải viền, đường thêu rất khéo léo đẹp mắt bởi sự rực rỡ sắc màu.

Người múa đội đầu lân diễn tả những điệu bộ của con vật chúa tể muôn loài theo nhịp trống và thanh la não bạt. Đặc biệt, các màn múa phô diễn sự tài khéo thi thố trong đám hội. Các điệu múa lân thường gặp trong dân gian là độc chiếm ngao đầu, song hỷ, tam tính - tam anh, tứ quý hưng long... Đây là những điệu múa lân đơn, lân đôi, lân ba, lân bốn rất điệu nghệ.


Múa sư tử giản dị hơn múa rồng, múa lân. Thường thì có 2 người múa đội đầu và khóa đuôi. Một người cầm quả chùy để thống trị, chế ngự sư tử dẫn nhịp múa. Một người đánh trống thúc giục rộn ràng. Có khi còn thêm người khua thanh la não bạt.

Đầu sư tử được bồi bằng giấy trên khung nan rồi phết sơn đỏ đen, vàng trắng, tím xanh rất kỳ quái. Đặc biệt cái mắt, cái mũ, cái mồm, cái lưỡi, cái sừng của linh vật đạo cụ múa rất sinh động hút hồn. Đầu sư tử được nối với dải vải thể hiện mẫu tử, phụ tử. Khi múa có thêm người đeo mặt nạ khỉ, chú tiểu. Múa sư tử có sự trình diễn của bộ nhạc cụ gõ trống, chiêng, chũm choẹ, thanh la và bộ võ gậy, đoản đao, kiếm, đinh ba... Đồng bào Tày, Nùng có vũ điệu sư tử mèo nhỏ con rất sinh động, rất độc đáo.

Trò diễn gắn với trò chơi, nghệ thuật gắn với thể thao dân tộc

Lân sư rồng có thể múa riêng từng thể loại nhưng cũng có thể phối hợp cả ba thể loại này với nhau để tạo ra sự hoạt náo hoành tráng cho hội lễ. Rồng lân sư là hình thức vũ hội vật hóa, thiên biến vạn hóa để phù hợp với mọi hoàn cảnh và điều kiện của vũ hội và cuộc chơi. Nhưng có thể gói gọn vào các hình thức múa: đón bạn, đi đường, chào khách, xông đất, trông trăng, trò vui, đẻ con, khuất phục, thế võ, chồng người, vòng chào khán giả, chào thần thánh… Trò chơi, trò diễn lân sư rồng thường kết thúc trong sự cảm phục, mến mộ và sảng khoái đến mê đắm lòng của người xem, người diễn.

Ngày nay nhiều nơi đã hình thành và phát triển những vũ đoàn lân sư rồng bảo tồn phát huy rất tốt hình thức nghệ thuật - thể thao dân gian truyền thống này. Các cuộc liên hoan nghệ thuật lân sư rồng trong nước và quốc tế diễn ra hàng năm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Hoạt động này trở thành nét đẹp của nghệ thuật - thể thao truyền thống sống động trong đời sống đương đại. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hàng năm cũng là điểm đến hội tụ các vũ điệu lân sư rồng truyền thống đậm đà bản sắc Việt.

Nhà văn Ngô Quang Hưng/ langvietonline.vn