Mùa hè của con tôi...

Minh họa: Trà My 

Tôi băn khoăn: “Bắt thằng nhỏ học vậy liệu có nhiều quá? Hè mà”… Vợ tôi la: “Nhiều gì mà nhiều! Phụ huynh cả nước cho con đi học hè, học trước chương trình, con mình không học vô niên khóa sao theo kịp bạn? Con mình học vậy là ít, mấy đứa nhỏ con của bạn em còn học thêm luôn cả buổi tối…”. Tôi nghe thở dài, im.

Thằng con tôi có hè cũng như không - ngày nào cũng bị mẹ “điệu” tới nhà thầy, về nhà còn phải loay hoay bài vở y như học chính khóa - xem chừng ngán tới cổ. Cu cậu bắt đầu sinh chứng nói dối: hôm nay bảo thầy cho về sớm, mai bảo thầy bận việc cho nghỉ, mốt lại kêu con đau bụng, nhức đầu xin được ở nhà…

Dối mãi rồi cũng tới ngày lòi đuôi. Vợ tôi phát hiện, nổi cơn lôi đình lôi con trai ra vụt cho mấy roi, quắn đít! Chưa đã, nàng còn cho con trai nghe thêm một bài giảng đạo đức về chuyện cha mẹ đã vất vả lo toan cơm áo gạo tiền ra sao, nghĩa vụ làm con là phải ráng học hành tử tế để trở thành con ngoan, trò giỏi thế nào “… chứ không phải thấy học là sợ như sợ… ma, trốn xuôi trốn ngược nghe chưa! Con phải biết: mẹ lúc nhỏ bằng con đã phải buổi đi học, buổi về đi chăn bò đầu khét nắng mình đen như củ súng…”. Con trai tôi sáng mắt: vậy đến hè mẹ làm gì, cũng đi… chăn bò hở mẹ? Chớ còn làm gì nữa? Cả ngày nón cời áo vá theo đuôi bò, lội ruộng, lội sông, cực muốn chết đó con! Cực gì mà cực, thằng nhỏ reo lên, mẹ ơi, thời mẹ sướng thiệt. Phải chi hè con cũng được đi chăn bò, lội sông… Vợ tôi ngớ người, cứng lưỡi không biết nói gì thêm. Còn tôi cũng tá hỏa trước câu nói của con, dở khóc dở cười…

Ngẫm lại, lâu nay chúng ta cứ hay đem chuyện tuổi thơ của thế hệ chúng ta sống trong thiếu thốn khó khăn, phải giúp đỡ gia đình công việc chân tay, ít có thời gian học hành để so sánh rồi kết luận: tuổi thơ ngày nay sống đầy đủ, sung sướng hơn xưa! Chuyện “đầy đủ hơn” thì chắc đúng; nhưng “sung sướng” hơn hay không hơn có lẽ cần phải xem lại. Trẻ em ngày nay quả có đầy đủ hơn về vật chất; nhưng cái áp lực tinh thần, đặc biệt trong chuyện học hành, thi cử quả là khủng khiếp. Mùa hè đúng nghĩa của các em đã gần như bị “co lại” bởi những khát vọng (thậm chí biến thành tham vọng) nhiều khi không phải là không quá đáng của các bậc phụ huynh. Xã hội chịu trách nhiệm một phần; nhưng về phía các bậc phụ huynh liệu có nên không khi ta cứ “thấy người ăn khoai vác mai đi đào” một cách máy móc, thiếu kiềm chế khiến con cái phải chịu nỗi khổ è lưng gánh gồng những khát khao quá sức?

Y Nguyên (baodaklak)