Đối thoại chiến lược Việt-Nga lần thứ 10

Toàn cảnh cuộc Đối thoại - Ảnh: VOV 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng nước Nga đã đạt được các thành tựu trên con đường phát triển và nâng cao vai trò quốc tế của mình và thực hiện tốt vai trò chủ nhà World Cup 2018. Phía Nga đánh giá cao sự phát triển kinh tế và hội nhập năng động, vai trò quốc tế và khu vực ngày càng tăng của Việt Nam.

Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga trong thời gian qua; khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác song phương năng động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch…, nhất là triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á-Âu, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020, cũng như các nhiệm vụ và dự án hợp tác ưu tiên khác mà hai bên đã xác định, trong đó có hợp tác dầu khí.

Hai bên nhất trí tăng cường và phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới, tổ chức tốt Khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga trên cơ sở thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Trên tinh thần tin cậy, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đánh giá tình hình thế giới và khu vực đang có những biến chuyển nhanh và sâu sắc, cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực, phát huy vai trò của các cơ chế đa phương để ứng phó với những thách thức chung.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nga. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn Nga đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với ASEAN, tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

Vũ Phong (baodientuchinhphu)