Công dân toàn cầu phải biết yêu quê hương

Anh Chu Đình Tới (ngoài cùng, bên phải) cùng bạn bè quốc tế 

- Được biết, anh đang làm nhiều công việc khác nhau như giảng viên, nghiên cứu viên, viết sách, phóng viên tự do, chuyên gia tư vấn viên về dinh dưỡng, diễn giả về du học và học bổng... Từ những trải nghiệm của bản thân, anh có thể chia sẻ bài học quý giá gì cho các bạn trẻ muốn học tập và làm việc tại môi trường quốc tế?

Tôi đã có gần 10 năm sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó gần 2 năm sống ở Hàn Quốc, 4 năm ở Ba Lan và 3 năm ở Na Uy. Trong suốt thời gian đó, tôi nhận thấy để có thể thích nghi và phát triển được ở các quốc gia khác trên thế giới, các bạn trẻ cần chuẩn bị thật tốt 3 điều sau: Trình độ, kiến thức - gồm cả kiến thức chuyên môn và kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống của Việt Nam và thế giới; Ngoại ngữ - Là công cụ để sống, học tập và làm việc; Kinh nghiệm sống - Thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, khả năng hòa nhập, sự thích nghi, khả năng độc lập, kỹ năng mềm và sự linh hoạt trong cuộc sống cũng như học tập hoặc làm việc. Thiếu một trong ba điều đó, chúng ta sẽ rất khó thành công trong cuộc sống, học tập và làm việc như một công dân toàn cầu.

Theo tôi, người Việt Nam rất giỏi, tài năng không kém các dân tộc khác trên thế giới. Do đó, nếu có sự chuẩn bị tốt, với lòng quyết tâm và tính cần cù chịu khó, chắc chắn các “công dân toàn cầu” người Việt sẽ thành công khi sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Chu Đình Tới là 1 trong 25 người trên thế giới nhận được học bổng Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ Marie Curie của Liên minh châu Âu về Y học để làm việc tại những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về Y học ở Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và Bắc Âu trong đợt 1 của chương trình. Những thành tích của anh:

- Tiến sĩ Y học năm 2015 tại Đại học Y Bialystok và Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, Thạc sĩ Sinh Y năm 2011 tại Đại học Ulsan Hàn Quốc.

- Bác sĩ Thú y năm 2006 tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Thú y Quốc gia Việt Nam.

- Tác giả của một số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế và trong nước.

- Tác giả của 8 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có cuốn Cẩm nang học tập và làm việc ở nước ngoài xuất bản năm 2017, Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào? xuất bản năm 2016 và Hành trang du học xuất bản năm 2015.

- Thành viên Hội đồng biên tập và phản biện của 5 tạp chí Khoa học về Y học ở Mỹ và châu Âu.

- Là đồng tổ chức và diễn giả chính trong rất nhiều hội thảo và buổi nói chuyện về du học và học bổng ở Việt Nam và nước ngoài, người dạy trực tiếp các lớp Kỹ năng tìm kiếm và ứng cử học bổng online từ năm 2011.

- Ở Việt Nam, khái niệm “công dân toàn cầu” còn khá mới mẻ. Làm thế nào để đưa những giá trị chuẩn mực của một công dân toàn cầu thấm nhuần vào nhận thức mỗi người?

Cùng với nhiều thành tựu đạt được trong kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác trong cuộc sống, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc toàn cầu hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ và hiện hữu trong mọi góc cạnh của đời sống và xã hội. Mặc dù khái niệm công dân toàn cầu có vẻ còn mới mẻ, nhưng thực sự nó đã và đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta như một lẽ tất nhiên. Điều này được thể hiện bằng việc ngày càng nhiền bạn trẻ người Việt làm việc ở các công ty, tập đoàn, tổ chức đa quốc gia trên thế giới, ngược lại cũng có ngày một nhiều công dân toàn cầu khắp nơi trên thế giới chọn Việt Nam là nơi sinh sống và phát triển sự nghiệp.

Do vậy việc làm cho giới trẻ hiểu đúng những giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu và định hướng họ đi trên những con đường đúng nhất, nhanh nhất với sự chuẩn bị tốt nhất để trở thành những công dân toàn cầu đáp ứng được nhu cầu của thời đại rất quan trọng. Việc này sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nguồn lao động Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước cũng như sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn của nước ta.

-Theo anh, những phẩm chất quan trọng nào để trở thành công dân toàn cầu?

Công dân toàn cầu là những người có khả năng làm việc, sống và cống hiến tại những môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, văn hóa và sắc tộc. Do đó, để trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa, trước mắt, phải hoàn thiện về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và chuyên môn của bản thân để có thể đáp ứng được những yêu cầu công việc như thế.

Ngoài ra, ngoại ngữ là công cụ quan trọng đến sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là những môi trường đa ngôn ngữ, do đó ít nhất phải thành thạo tiếng Anh. Biết dùng thêm nhiều ngôn ngữ nữa sẽ là lợi thế.

Để sống, hòa nhập, và phát triển được bản thân trong môi trường toàn cầu, kinh nghiệm sống, kỹ năng mềm, khả năng làm việc độc lập và theo nhóm, sự thích nghi với các môi trường sống mới, với văn hóa, ẩm thực, lối sống, tôn giáo mới.... là những yêu cầu quan trọng nữa của một công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, công dân toàn cầu cũng cần phải yêu quê hương, dân tộc và đất nước mình, không chỉ yêu nơi mình đang sinh sống mà còn phải yêu thiết tha cả nơi mình sinh ra. Là những công dân toàn cầu người Việt thì phải yêu tổ quốc Việt Nam, dùng những kiến thức, kỹ năng mình đang có để góp phần xây dựng đất nước, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước mình với bạn bè quốc tế.

- Một trong những khó khăn thường thấy với những người sống và làm việc tại nhiều quốc gia là những “cú sốc” về văn hóa. Theo anh, những công dân toàn cầu phải làm gì để không đánh mất mình?

Khi đã trở thành một công dân toàn cầu, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống, nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cám dỗ. Nếu không được định hướng và chuẩn bị tốt họ dễ bị đánh mất mình. Một trong những biểu hiện đó là, rất nhiều người khi ra được nước ngoài và có cuộc sống tốt ở nước sở tại, họ quay sang ý kiến này nọ về quê hương, đất nước, về nơi cha sinh, mẹ đẻ của họ. Thực ra, những người này không biết rằng việc làm đó sẽ bị bạn bè quốc tế coi thường và không tôn trọng. Do đó, trên con đường học tập phấn đấu để trở thành một công dân toàn cầu, các bạn trẻ cần ghi nhớ là “bạn sẽ chỉ được coi trọng là một công dân toàn cầu đúng nghĩa nếu như bạn biết trân trọng và yêu thương quê hương mình”.

- Anh có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút và tận dụng nguồn lực “công dân toàn cầu” vào phát triển đất nước hiện nay?

Hiện tại người Việt Nam đang sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có rất nhiều người là những nhà khoa học, những trí thức trình độ cao. Việc thu hút và tận dụng hiệu quả được nguồn nhân lực này sẽ là một lợi thế về đòn bẩy bền vững cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Cái này nhiều nước đã làm tốt và rất tốt rồi, trở thành những đầu tàu kinh tế trong khu vực và thế giới như Hàn Quốc và Nhật Bản. Nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, và đang cùng thế giới tiến hành cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, do vậy việc tận dụng nguồn nhân lực trí thức cao, ở trình độ quốc tế là điều rất cần thiết.

-Bản thân anh có dự định gì khi nghĩ về quê hương?

Hiện tại, tôi thấy mình cần phải làm thật tốt công việc nghiên cứu khoa học để góp phần nhỏ vào nền tri thức y học nhân loại, trong đó có cả ở nước ta. Tích cực tham gia hoạt động giao lưu hợp tác với các nhà khoa học về Y học trong nước để có thể làm cầu nối giữa trong nước với quốc tế, đẩy mạnh việc viết báo, viết sách kỹ năng, sửa hồ sơ du học... để giúp ngày càng có nhiều bạn trẻ người Việt ra nước ngoài du học, tiếp thu tích lũy những kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến để góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp.

- Xin cám ơn anh!

Trọng Vũ/ Báo Thế giới & Việt Nam