Bố bé Nhật Linh mong muốn bị cáo Shibuya bị tuyên án tử hình

Anh Lê Anh Hào và luật sư họp báo sau khi kết thúc ngày xét xử đầu tiên. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+) 

Tại phiên tòa, đại diện cơ quan công tố Nhật Bản khẳng định có rất nhiều bằng chứng, như dấu vết ADN của bị cáo trên cơ thể nạn nhân, chứng tỏ bị cáo là thủ phạm. Đại diện cơ quan công tố khẳng định việc bị cáo bắt cóc nạn nhân khi nạn nhân đang trên đường đến trường, xâm hại nạn nhân, sau đó siết cổ và giết chết nạn nhân là điều rõ ràng.

Cơ quan công tố Nhật Bản tuyên bố đây là “hành động tội ác nhằm vào người yếu thế, vô lương tâm, tàn ác, gây hậu quả tàn khốc” vì vậy, đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo.

Trong khi đó, luật sư của bị cáo tiếp tục biện hộ rằng “bị cáo không phải là thủ phạm” và “các bằng chứng của cơ quan công tố chưa đủ để chứng minh bị cáo là thủ phạm.” Tại phiên tòa, bị cáo Shibuya tiếp tục tỏ ra bình tĩnh, không thay đổi sắc mặt khi nghe cơ quan công tố đề nghị án tử hình.

Trong những ngày trước đó của phiên tòa, lời khai của các nhân chứng, trong đó có cả vợ cũ của bị cáo (sống cùng tòa nhà với bị cáo), hiệu trưởng trường học nơi nạn nhân theo học và bị cáo làm hội trường phụ huynh, bác sĩ pháp y…. đều khẳng định sự vắng mặt của bị cáo trong ngày xảy ra vụ án. Bất chấp toàn bộ các bằng chứng và lời chứng bất lợi này, bị cáo tiếp tục cho rằng bản thân không liên quan đến vụ án.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, anh Lê Anh Hào, bố của bé Nhật Linh, cho biết sau khi nghe và xem các bằng chứng, nhân chứng xuất hiện tại tòa, anh tin rằng bị cáo chính là thủ phạm. Anh Hào mong muốn bị cáo sẽ bị tuyên mức án cao nhất, án tử hình, để loại bỏ một mối nguy hiểm cho xã hội.

Liên quan đến vấn đề bị cáo liệu có bị kết án tử hình trong phán quyết dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/7, cơ quan công tố thường đề nghị án tử hình đối với những vụ án có số nạn nhân từ hai người trở lên. Trong vụ án lần này, nạn nhân là một bé gái 9 tuổi và cơ quan công tố đã đề nghị mức án tử hình căn cứ vào mức độ tàn ác của hành vi phạm tội.

Trong vòng vài năm trở lại đây, Nhật Bản có hai vụ án giết người có một nạn nhân mà cơ quan công tố đã đề nghị án tử hình. Đó là vụ án năm 2015, một bé gái lớp 5 bị sát hại tại thành phố Buzen, tỉnh Fukuoka và vụ án năm 2011, một phụ nữ 27 tuổi bị sát hại tỉnh thành phố Okayama.

Tòa án đã ra phán quyết tử hình đối với thủ phạm vụ án sát hại người phụ nữ 27 tuổi tại thành phố Okayama trong khi lại phán quyết mức án tù vô thời hạn đối với thủ phạm vụ án sát hại bé gái lớp 5 tại Buzen.

Theo ông Akio Sagawa, luật sư của nạn nhân, các bằng chứng và nhân chứng do cơ quan công tố công bố có giá trị, bị cáo chắc chắn sẽ bị phán quyết có tội. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mức án mà bị cáo phải đối mặt là án tử hình hay tù chung thân.

Đề cập đến án tù chung thân, luật sư cho biết nếu bị cáo được đánh giá là cải tạo tốt, thì sau 15 năm, bị cáo sẽ được trả tự do. Đây là vấn đề mà gia đình anh Hào cùng với luật sự Akio đang quan ngại, vì cho rằng việc trả tự do bị cáo Shibuya Yasumasa sẽ là một mối nguy hiểm vô cùng lớn đối với xã hội.

Luật sư khẳng định vì vụ án bé Nhật Linh có nạn nhân là người nước ngoài sẽ càng thu hút sự chú ý của công luận nên các cơ quan chức năng của Nhật Bản càng làm việc rất cẩn thận để bảo đảm việc xử đúng người đúng tội.

Khoảng 100 điều tra viên của Nhật Bản đã làm việc vô cùng tích cực để lấy được các bằng chứng ADN có giá trị, trở thành cơ sở quan trọng hàng đầu để kết tội bị cáo.

Luật sư Akio khẳng định chắc chắn vụ án này sẽ lên tới phúc thẩm vì bị cáo sẽ kháng cáo nếu bị phán quyết có tội. Tiến trình này sẽ mất thêm tối thiểu một năm. Trong trường hợp bị cáo bị tuyên án tử hình, bị cáo sẽ tiếp tục kháng cáo và khả năng cao vụ án này sẽ kéo dài lên Tòa án Tối cao, như vậy tiến trình xét xử có thể sẽ kéo dài tối thiểu thêm một năm.

Luật sư Akio cho rằng việc xét xử bị cáo trong vụ án này sẽ còn kéo dài và vấn đề bây giờ không phải là bị cáo bị tuyên có tội hay vô tội mà là việc bị cáo sẽ bị tuyên mức án nào./.

(theo TTXVN)