Gặp mặt Đoàn đại biểu kiều bào về tham dự Hội nghị VEAM 2018

Thay mặt Đoàn đại biểu kiều bào về tham dự hội nghị VEAM, ông Lê Văn Cường - Giáo sư, Giám đốc Nghiên cứu Danh dự Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), Trưởng Ban tổ chức VEAM - đã báo cáo kết quả hội nghị VEAM 2018 với Lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cho biết, Hội nghị VEAM 2018 lần này có hơn 100 bài báo cáo, với hơn 150 người tham gia, kết quả đã có 8 bài báo cáo được giải, trong đó có 3 giải nhất và 5 giải nhì, đa số các giải thưởng được trao cho các nhà nghiên cứu trẻ đang nhiệt huyết đóng góp cho quê hương, đất nước. Giáo sư chia sẻ, VEAM là nơi gặp gỡ giữa người nghiên cứu, giảng dạy trong nước và ngoài nước; các đề tài trong Hội nghị tập trung vào chính sách kinh tế vĩ mô Châu Á – Việt Nam, nhân tố tác động tăng trưởng, thuế, thương mại quốc tế, nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, biến đổi khí hậu…

Cũng tại buổi gặp gỡ, các đại biểu tham dự đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình học tập, làm việc tại nước sở tại và đưa ra những ý kiến tâm huyết nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tiến sỹ Phạm Song Hạnh - giảng viên, Tập đoàn nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại Anh Quốc - cho biết chị rất quan tâm đến cách tổ chức đánh giá độc lập, gắn kết trí tuệ, tập hợp sức mạnh để xây dựng một đất nước phát triển bền vững, cân bằng giàu nghèo, tăng trưởng ổn định…; đồng thời, mong muốn ta có chính sách dành nhiều thời gian nghiên cứu cho giảng viên ở trong nước để phát huy nội lực giáo dục của nước nhà.

Anh Lê Trung Dương - nghiên cứu sinh chương trình Tiến sỹ tại trường Đại học NewYork (Mỹ) - chia sẻ: Nghiên cứu kinh tế phát triển về Việt Nam khó khăn nhất là tiếp cận dữ liệu, cơ sở dữ liệu. Hội nghị VEAM đã nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ, mảng tài chính, thu thập dữ liệu, kết nối mạng lưới, giảng viên trong nước với ngoài nước, để cùng tham gia nghiên cứu, nâng cao trình độ, tạo sức lan tỏa cho mạng lưới chia sẻ nghiên cứu trong và ngoài nước.

Chị Trịnh Hường - Đại học kinh tế Tonlouse, Pháp, có bài báo cáo được nhận giải tại Hội nghị VEAM 2018 - cho biết sắp tới chị sẽ tham gia Hội thảo về thống kê trong kinh tế, trong đó có ứng dụng toán học của giáo sư Ngô Bảo Châu.

Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Ngô Sách Thực nhiệt liệt chúc mừng thành công của Hội nghị VEAM 2018 cũng như kết quả mà VEAM đã đạt được trong hơn 10 năm qua. Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008, đến nay, VEAM đã ngày càng khẳng định uy tín trong học thuật và tư vấn chính sách phát triển, góp phần thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới. Đây là cơ hội rất quý báu để các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, cả trong và ngoài nước chia sẻ, hoàn thiện ý tưởng và thành quả nghiên cứu của mình, đồng thời mang lại những khuyến nghị, đề xuất hiệu quả cho Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng, đầu tư…

Nhân buổi gặp mặt, từ những ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự buổi gặp mặt và những thành tựu của đất nước trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là cầu nối để xây dựng quê hương, đất nước, đưa những ứng dụng khoa học, công nghệ mới nhất về với Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại quê hương mình

Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp tâm huyết và bền bỉ của Giáo sư Lê Văn Cường. Đạt được rất nhiều thành công trong sự nghiệp ở châu Âu, nhưng Giáo sư Lê Văn Cường vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam, luôn đau đáu trăn trở và muốn cống hiến thật nhiều cho đất nước.

Ông Ngô Sách Thực cũng nhấn mạnh, với vai trò giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, và liên quan đến tri thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng; đồng thời tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chuyên gia, trí thức kiều bào, từ đó kịp thời kiến nghị với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo ông Ngô Sách Thực, trong thời gian tới, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối cho bà con kiều bào sinh sống xa Tổ quốc thêm gắn bó với quê hương và góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, 4,5 triệu kiều bào với kiến thức, kỹ năng quản lý, kinh nghiệm làm việc cùng với đội ngũ chuyên gia ở nước ngoài đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang hình thành thế hệ trí thức thứ ba, đây là những bạn trẻ đang giảng dạy và nghiên cứu tại các nước trên thế giới. Thế hệ này có đóng góp quan trọng cho đất nước và chính họ là những người kết nối với các nhà khoa học trên thế giới để nghiên cứu các ứng dụng khoa học - công nghệ vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Thay mặt Đoàn, ông Lương Thanh Nghị bày tỏ cảm ơn Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành thời gian tiếp Đoàn trong bầu không khí ấm áp. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, những tình cảm tốt đẹp mà Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dành cho Đoàn cũng như với toàn thể kiều bào ta ở nước ngoài. 

Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economists Annual Meeting - VEAM) là một sự kiện thường niên được tổ chức dành cho các nhà kinh tế học và các nhà nghiên cứu xã hội trên toàn thế giới chia sẻ các công trình nghiên cứu của mình.

Hội nghị VEAM được bắt đầu từ 2008, do GS Lê Văn Cường, Việt kiều tại Pháp, chủ xướng nhằm kết nối các nhà nghiên cứu kinh tế VN trong và ngoài nước cũng như với các nhà nghiên cứu quốc tế. 

GS. Lê Văn Cường (VK Pháp) sinh năm 1946 tại Thừa Thiên Huế,. Hiện nay, ông là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quản trị và Môi trường Việt Nam (VCREME). Ông là tác giả/đồng tác giả của trên 70 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí và nhiều đầu sách kinh tế. GS Lê Văn Cường là một trong những người đầu tiên tổ chức những chuyên đề và hội thảo khoa học về kinh tế học hiện đại tại Việt Nam, trong đó có Hội thảo Thường niên các Nhà Kinh tế học Việt Nam (VEAM). Từ năm 2010, thông qua VCREME, GS Lê Văn Cường cùng một số đồng nghiệp khác đã tổ chức khoá đào tạo dự bị thạc sĩ dành cho những sinh viên có mong muốn du học để tiếp cận những kiến thức cập nhật nhất trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Những sinh viên đạt kết quả tốt sẽ được GS Cường và đồng nghiệp giới thiệu để có thể theo học, và thậm chí nhận được những suất học bổng thạc sĩ và tiến sĩ, tại những cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới.

GS Cường đã tham gia nhiều sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Tại Hội nghị NVNONN lần thứ 3 tại TP.HCM (năm 2016), GS Cường tham gia điều hành và có tham luận chính tại Hội nghị chuyên đề 2 “Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh”...

Thủy Huế