Cá lóc trên bờ

 Ảnh minh họa

Buổi sáng, trời còn mát mẻ nên người ta có cớ trùng trình. Lá hình như cũng rơi chậm, nấn níu cơn gió mát đang lùa ngang những tán me mọc dọc hai bên đường. Người đi chợ không vội, nhẩn nha ngó chỗ này một chút, hỏi giá cái kia một câu, làm như đi chợ là một thú vui. Chỉ có đám cá trong mâm là hối hả quẫy đuôi, có con giãy mạnh văng ra ngoài riết riết bườn đi kiếm chỗ có nước. Chắc vì tụi nó biết sớm muộn cũng sẽ phải theo chân ai đó, thành tộ cá kho hay tô canh chua nên mới gấp gáp như vậy.

Tranh thủ vắng khách, Niềng làm sẵn mấy con cá rô. Cá rô đồng nha, món này hút khách dữ lắm nên bao nhiêu cũng không đủ. Nhìn con cá rô mập ú bị róc hết vảy, cắt hết vây mà còn sung sức quẫy, Niềng nhớ tới thằng con. Nó kêu cô chừa cho nó một hai con kho ăn. Kho nhiều tiêu nhiều nước mắm thơm lừng. Biết con thèm, nhưng khách cũng thèm những thớ thịt chắc ngọt của đám cá đồng này, đành để bán. Chứ ăn cho sướng cái miệng, vài bữa tới tiền học cho con lấy gì mà đóng?

Niềng thấy mình thiệt tệ, cả con cá ngon cũng không để cho con ăn được. Mà phải vậy. Nó đâu cần ăn thôi, nó cần học nữa. Rồi nó sẽ lớn lên, hết cấp III thì cô sẽ ráng nuôi cho nó học đại học luôn. Nó sẽ giống như những cô cậu sinh viên đi chợ sớm mặt còn đọng cơn buồn ngủ kia kìa, lớ ngớ hỏi giá mớ rau mớ tép. Nghĩ tới cảnh con mình lớn, Niềng tự nhiên phì cười. Cười rồi thấy ai xát ớt rắc tiêu vô lòng, cay cay. Để tới được lúc đó, cô còn phải cực nhiều.

Có con cá lóc nhảy ra ngoài đang ráng sức bườn ra đường. Niềng nhanh chóng ngó lại mâm cá của mình đếm. Một, hai, ba, bốn. Hồi nãy bán cho bà già kia mở hàng nữa là năm, đủ rồi. Vậy không phải cá của Niềng. Chắc là cá của con Mum bán sát bên. Người gì ngộ, bán buôn không lo sáng sớm đi đâu mất biệt bỏ cá mắm lại cho hai bà bạn bán rau coi giùm. Hai bà đó, một lo cắm cúi ăn bún, một lo bấm bấm điện thoại. Có khách tới hỏi cá mà hai bả đâu có thèm bán (biết giá đâu mà bán). Một bà trả lời vô tâm “chủ đi đâu rồi chờ đi”, mặc kệ khách lóng ngóng đứng chờ không cần biết đã nghe hay chưa.

Dù bịt kín khẩu trang, Niềng vẫn nhìn được khách còn trẻ. Chắc là sinh viên, thấy kiểu đi chợ vụng vậy là biết. Có khách mà không biết giữ thì thôi để mình bán giùm. Ai đâu chê tiền. Nghĩ là làm, Niềng sấn qua khều khều người khách nhỏ tuổi:

- Mua cá điêu hồng hả em? Qua chị nè.

Chắc chỉ chờ có vậy, khách le te dẫn xe đạp qua chỗ Niềng. Tiện tay, Niềng hốt luôn con cá lóc bò ngang chân khách về bỏ vô mâm mình. Chứ để đó, lát nó lóc xuống cống mất tiêu cũng vậy hà.

Niềng bắt con cá điêu hồng nhỏ, hỏi khách ưng chưa. Khách lắc. Cô bắt con trọng trọng theo ý khách, bắt đầu làm sơ. Vừa làm Niềng vừa để suy nghĩ kéo dây trong đầu mình.

Không phải Niềng ham con cá lóc mà bắt của người ta. Ai ham ác nhơn vậy. Mà ghét. Người gì không biết điều. Con Mum đó, chuyên gia giành khách của Niềng. Bữa Niềng còn có mấy con cá tính bán rẻ đặng về sớm, vậy mà hễ thấy khách là nó đập mâm cho cá bên nó giãy lên (chứng tỏ cá nó tươi xanh) để kéo khách. Chưa đâu, Niềng bệnh nghỉ bán có một bữa, nó lợi dụng hốt hết khách mối của cô. Người gì kỳ quá sức kỳ.

Nó có biết từng con cá bán được là từng đồng tiền ki cóp Niềng để dành cho con đi học không? Nó có biết con cá lóc này mua được cái bóp viết, ký cá rô mua được cuốn tập, ba con cá điêu hồng mua được cái áo trắng không? Bạn hàng chung chợ, không thương thì thôi chớ. Đằng này, nó còn cố tình lấn lướt. Bữa con Niềng bệnh, cô ráng bán đủ tiền chích thuốc cho con thì về coi con sao. Mà đâu có đủ được. Vừa lưng lửng là bao nhiêu khách cũng bị nó giành hết. Trời trưa dần, cá hết tươi, chợ thì vắng, biết khi nào bán đủ. Bữa đó sốt ruột quá, Niềng đành ngưng ngang đi mượn tiền góp. Mượn chút đỉnh thôi, mà hai ba bữa mới trả xong hết lời hết vốn. Đó, nghĩ sao không ghét.

Người gì linh như miễu. Mới nhắc đã lò dò bước về. Ngó cái mâm cá lóc còn bốn con, Mum chống nạnh hỏi hai bà bạn “Nãy giờ có bán được con nào hông?”. Hai bà lắc, bà ăn bún vẫn ăn bún, bà bấm điện thoại vẫn ngó vô điện thoại. Mum giậm chân, giọng sang sảng làm cả Niềng và khách giật mình:

- Trời ơi, sáng còn năm con mà giờ còn bốn con, đâu mất một con? Chắc nó lóc ra đứa nào bắt rồi nè. Ai bắt? - Vừa nói Mum vừa liếc xéo qua Niềng.

Hai bà bạn lại lắc đầu. Biết có đứng đó cũng không làm gì được vì đâu bắt quả tang được Niềng, rồi làm như bận lắm, nó lại hớt hải bỏ đi đâu mất.

Cá Niềng làm xong, vừa tính tiền cho khách thì Mum quay về. Nghe một cái rầm, Niềng ngóc đầu lên coi thấy giữa đường có đụng xe. Người nhanh chóng bu đen bu đỏ. Mum và hai bà bạn thành mấy cây đinh sắt mà vụ tai nạn là cục nam châm, nhanh chóng bị hút về phía đám đông lố nhố.

Niềng không quan tâm vụ đụng xe. Ngoài đường thiếu gì tai nạn. Ngày nào cũng có, đường nhiều chỗ còn đỏ bầm dấu máu chưa khô. Thấy người ta gặp tai nạn mình tốt bụng nhào vô giúp, coi chừng mang họa à nha. Như ông Sáu chạy xe ôm nhà cặp vách Niềng, hôm bữa chở giùm người ta vô bệnh viện, bị người nhà người ta tưởng là người gây tai nạn đè đánh gãy hai cái răng.

Niềng khác đám đông, thứ cô quan tâm bây giờ là… con cá lóc. Nó mới vừa nhảy ra khỏi mâm lần nữa. Điệu này nó mà bò qua bên kia, con Mum quay vô bắt bỏ vô mâm liền cho coi. Đâu có được. Con cá lóc tới mấy chục ngàn đồng, bán nó rồi Niềng sẽ lấp vô tiền mấy con cá rô. Niềng sẽ để cá rô lại cho thằng con trời chưa hửng đã giả bộ ra vườn nhổ hành hái ớt chờ kho cá. Lát thấy Niềng xách cá về, chắc thằng nhỏ mừng dữ.

Hên là con Mum khoái lo chuyện bao đồng. Nó kệ người ta can, lách vô đám đông túm tụm. Chắc tính móc cái điện thoại cùi bắp giấu trong lưng quần ra gọi cấp cứu giùm. Kệ, nó làm gì thì làm, miễn Niềng có thời gian bắt con cá lóc về là được.

Thả con cá lóc vào mâm rồi, tay Niềng vẫn chưa hết cơn run. Chứ sao, lỡ đang cầm con cá Mum quay lại thấy thì nhục. Nó sẽ la làng cho cả cái chợ biết Niềng ăn cắp cá của nó. Giọng nó thì vang, mọi người thì đang tụ tập ở đây, kiểu gì cũng nghe không sót chữ nào. Nghĩ vậy, Niềng càng thấy run. Cô thấy mình y hệt cây khế chua trong sân mà mấy đứa nhỏ chơi ác lắc cho trái rụng lượm chấm muối.

Kìa, Mum quay lại. Mặt bặm trợn, hối hả. Mồ hôi nhểu ướt ngực áo, không biết vì tức hay vì chen vô đám đông mệt. Nó xấn thẳng tới chỗ Niềng. Niềng hoảng. Mà cô ráng trấn tĩnh, chắc gì nó thấy cô bắt cá. Nếu nó la thì mình chối. Ai đâu làm chứng.

Mum chụp tay Niềng. Tim Niềng tưởng văng ra ngoài rồi. Mùi cá từ cả hai cộng hưởng làm Niềng chóng mặt. Xây xẩm. Niềng căng mặt chờ nó nói một câu buộc tội.

Mum nói, câu khác, nhưng câu này xiên ngang dọc tim Niềng. Câu này nặng gấp mấy lần câu ăn cắp cá. Như thay vì đè con cá ra đập đầu, cạo vảy, cắt vây, người ta đè Niềng ra làm y như vậy.

- Con mày ra kiếm mày bị xe đụng kìa! Tao kêu cứu thương rồi. Lẹ, đi nè!

Tiếng nói trộn trong tiếng thở dốc nghe mờ mờ, mà Niềng tưởng như ai kê loa sát tai. Niềng đứng phắt dậy, va người vô những mâm cá còn nhiều. Những con cá bị động, dậy lên quẫy nước. Có mấy con nhảy ra ngoài. Niềng kệ, hơi sức đâu mà lượm. Niềng giờ như con cá, mà chỗ con nằm là nước.

Có bườn, bò gì cũng phải tới bằng được.

Phát Dương (baogialai)