Quyến rũ Pắc Tạ

 Du thuyền trên hồ

Tương truyền, xưa kia nơi đây là khu rừng rậm có rất nhiều loại động vật quý hiếm, trong đó có hàng trăm con voi sống thành bầy đàn. Voi to và khỏe nên nhân dân trong vùng thuần dưỡng chúng làm sức kéo chuyên trở hàng hóa và làm phương tiện đi lại. Năm ấy, vùng đất Na Hang có giặc ngoại xâm, nhân dân trong vùng đã tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến , trong đó có cả những đàn voi ra trận. Thế nhưng, trong đàn có một con voi đực hết sức hung dữ, không ai có thể thuần phục được, bao nhiêu tướng lĩnh giỏi cũng phải lắc đầu bó tay. Một người quản tượng ở xa tới xin đảm nhiệm công việc này.

Ngày đầu, ông cho dân bản chặn tất cả dòng suối xung quanh vùng voi sinh sống, vài ba ngày sau voi khát không có nước uống, ông cho đổ rượu vào các hốc đá, voi lần đến đấy uống để thay nước. Năm ngày, mười ngày lâu dần voi thành quen với rượu và người quản tượng. Ông có thể đặt bành lên lưng voi và điều khiển theo mệnh lệnh - từ đó dân bản đặt tên là “voi rượu”. Ngày xuất trận, “voi rượu" hùng dũng đi đầu xông trận giày xéo quân giặc chết như ngả rạ. Thắng trận, nhà vua phong cho “voi rượu” là voi quận công và mở tiệc linh đình thiết đãi các tướng sĩ. “Voi rượu” thỏa sức, uống hết nậm rượu này đến nâm rượu khác, cho đến khi say quá và tắt thở chết. Lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững oai phong như lúc xung trận. Đêm đó, trời đổ mưa to, sấm chớp, gió rít ào ào như sự tiếc thương của dân bản dành cho “voi rượu”. Sáng ra moi người ngỡ ngàng thấy cả voi và nậm rượu hóa đá như núi Pắc Tạ bây giờ.

Dưới chân núi Pắc Tạ còn có ngôi đền linh thiêng, xây dựng từ đời nhà Trần, càng làm cho núi Pắc Tạ thêm linh thiêng huyền bí , nên còn gọi là “Tạ sơn huyền sử".

Ngày nay, núi Pắc Tạ là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách, có thể du thuyền trên lòng hồ tham quan công trình thủy điện, vào đền thắp hương cầu nguyện hay trải nghiệm du lịch sinh thái nhiều ngày trong những cánh rừng nguyên sinh. Nhiều nhà thơ, nhà văn tới đây bằng cảm xúc đã sáng tác và đặt cho núi Pắc Tạ một tên gọi mới: “Bầu sữa mẹ”.

Nguyễn Chính (báo Du lịch)