Định hướng chiến lược phát triển kinh tế số trong khu vực ASEAN

Ảnh minh họa. 

Giám đốc ngân hàng HSBC tại Singapore Tony Cripps nhận định kế hoạch này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại tự do hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau của khu vực và thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh.

Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế số, cải thiện lưu thông hàng hóa, khuyến khích đầu tư dễ dàng và tăng cường mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Tích hợp tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra cho ASEAN thị trường tiêu thụ số phát triển nhanh chóng và thúc đẩy các dịch vụ phát triển.

Đông Nam Á là khu vực Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Trong vòng 5 năm tới, mỗi tháng khu vực này sẽ có khoảng 4 triệu người mới truy cập.

Theo Deloitte, số người truy cập Internet của khu vực sẽ đạt 480 triệu người vào năm 2020. Ngoài ra, còn có hơn 700 triệu kết nối di động đang hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.

Tốc độ phát triển của khu vực đang rất cao với lực lượng tham gia còn tương đối trẻ (70% dưới 40 tuổi) và khu vực ngày càng có nhiều tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, những người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện mới chỉ chi 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến. Các chuyên gia dự đoán rằng chi tiêu có thể tăng 6,5 lần hoặc 500% lên 200 tỷ USD vào năm 2025 do được thúc đẩy bởi mua sắm hàng điện tử, quần áo, hàng gia dụng và hàng tạp hóa cũng như sự gia tăng về du lịch trong khu vực.

Như vậy các nền kinh tế ASEAN được hưởng lợi từ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển này.

Nhằm tận dụng những tiềm năng to lớn này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã phác thảo tầm nhìn về một thị trường kỹ thuật số duy nhất mà có thể có các tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh không gian mạng và cho phép các giao dịch xuyên biên giới với tỷ lệ giao dịch hiệu quả hơn rất nhiều. Một hệ thống thanh toán tạo ra một cơ hội to lớn để tăng cường hoạt động thương mại và kinh doanh trong nội khối.

Khi hoạt động, một hệ thống thanh toán điện tử ASEAN hợp nhất sẽ cho phép một công ty Singapore có thể trả tiền cho nhà cung cấp của Indonesia bằng đồng Rupiah thông qua việc thực hiện thanh toán qua biên giới ngay lập tức.

Loại bỏ các rào cản về chi phí và hậu cần đối với thanh toán quốc tế cũng là một bước đi quan trọng để mở ra tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Nếu các tiêu chuẩn như ISO 2022 được thông qua để hỗ trợ mạng lưới này, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được kết nối toàn cầu, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khối cũng như với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Lợi ích thậm chí lớn hơn còn có thể đạt được nếu hội nhập khu vực được kết hợp với việc áp dụng các công nghệ mới của thế giới (Công nghiệp 4.0, công nghệ phân loại).

Để phù hợp với nền kinh tế số, Singapore đang đề xuất sự phát triển mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN cũng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài quan trọng bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Anh thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dân số trẻ của ASEAN và tầng lớp trung lưu đang phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. Nếu không đầu tư vào việc phát triển nền kinh tế số một cách hợp lý ASEAN sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Các thành phố thông minh không thể phát triển mà không bao gồm các công nghệ được sử dụng để xây dựng nền kinh tế số. Và nếu không có một nền kinh tế kỹ thuật số hội nhập sâu rộng thì AEC sẽ ít có cơ hội hơn cho các đối tác.

Do đó, thành lập các thành phố thông minh, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với bên ngoài, số hoá các quy trình thương mại, xây dựng các hệ thống tích hợp sẽ là những ưu tiên của Singapore trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay./.

(theo TTXVN)