Trần Ngọc Phúc – Người Việt rạng danh trên đất Nhật

 Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tặng qua lưu niệm cho ông Trần Ngọc Phúc nhân dịp thăm công ty Metran tại Nhật Bản

Đam mê nghiên cứu vì sinh mạng con người

Năm 1968, người con trai xứ Huế Trần Ngọc Phúc sang Nhật theo học ngành hóa công nghiệp tại Đại học Tokai. Tốt nghiệp đại học năm 1974, ông thực tập cho công ty Senko Ika tại Nhật Bản chuyên phát minh và sản xuất thiết bị dụng cụ y tế. Ban đầu, dự định của ông là mang những kiến thức mình đã học hỏi được về áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm thực tập, ông khám phá ra bản thân có năng khiếu cũng như có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát minh sáng tạo. “Thời điểm đó, số lượng người nước ngoài du học tại Nhật Bản không phải là nhiều, với vị trí là một nghiên cứu sinh tôi coi mình như một “vị khách” sống tại Nhật Bản và lẽ tất nhiên người Nhật cũng đối xử với tôi như một “vị khách”. Nhưng khi quyết định ở lại, tôi buộc phải cố gắng, tranh đấu để có thể hòa nhập, tìm được chỗ đứng của bản thân trong xã hội Nhật Bản” – ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ.

Không phải ai cũng dễ dàng sống được ở một vùng đất mới. Để tạo được chỗ đứng trong xã hội Nhật thì con đường mà ông chọn là làm việc gì mà người Nhật không muốn làm hoặc chưa làm như nghiên cứu máy hỗ trợ hô hấp, máy van tim… - những dụng cụ y tế liên quan trực tiếp tới sinh mệnh con người. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, ông đã chọn nghiên cứu thiết bị hỗ trợ hô hấp. Những khó khăn ban đầu không ít. May mắn, Giám đốc của công ty Senko Ika đã tạo điều kiện cho ông đi học những kiến thức liên quan đến hô hấp ở một trường đại học Y trong khoảng 1 năm, sau đó là thực tập ở một số đại học Y khác. Ông cũng phải tự mày mò học thêm, tự nghiên cứu ngày đêm vì lúc bấy giờ ở Nhật chưa ai nghiên cứu về ngành này. Sau thời gian học tập, ông trở về công ty cũ làm việc ở bộ phận nghiên cứu gây mê và hô hấp. Ông dành 10 năm để cống hiến cho công ty đã có công đào tạo, giúp đỡ mình.

“Khi làm cho một hãng lớn như vậy, tôi bị những chi phối nhất định. Sự gò bó và phức tạp của công ty khiến tôi suy nghĩ nhiều bởi trong cuộc đời ngắn ngủi của con người, được làm theo niềm yêu thích, đam mê là điều hạnh phúc. Sau đó, tôi xin phép giám đốc của công ty cho tôi ra ngoài làm riêng và lẽ đương nhiên bởi mình mang ơn người ta nên tôi nói rằng, những sáng chế tương lai của tôi, công ty sẽ được ưu tiên sử dụng hoặc kinh doanh mua bán cho tôi. Trong trường hợp họ từ chối thì tôi mới đưa các sản phẩm đó cho những nơi khác”, ông Phúc kể. Và với suy nghĩ như vậy, năm 1982, ông Trần Ngọc Phúc đã thành lập Công ty Metran tại Bunkyo-ku, gần Đại học Tokyo và hiện nay Công ty đã chuyển về Thành phố Kawaguchi, Tỉnh Saitama (cách Thủ đô Tokyo khoảng 30 km).

Sau 33 năm thành lập và phát triển, Công ty Metran đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của Chính phủ và các địa phương ở Nhật Bản. Năm 2007, Metran được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chọn là một trong 300 công ty có tiềm năng phát triển mạnh nhất. Năm 2012, Metran đạt “Giải thưởng sáng tạo lớn” lần thứ 4 của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dành cho “Dụng cụ hô hấp nhân tạo bảo vệ sinh mệnh của trẻ siêu sinh non”.

Hiện tại, Công ty Metran tại Nhật Bản có khoảng 50 nhân viên. Công ty tuy nhỏ nhưng với ông, khi làm việc trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội và con người. Từ năm 2006, ông đã thành lập công ty tại Việt Nam, đồng thời tuyển dụng và đào tạo phát triển nhân sự người Việt tại Nhật Bản. Các thiết bị y tế nổi tiếng của Công ty là máy hô hấp cao tần trợ thở cho trẻ sơ sinh thiếu tháng và người bệnh cao tuổi, máy gây mê, máy tạo oxy… dùng trong bệnh viện và gia đình. Các loại máy móc và thiết bị do Metran nghiên cứu, chế tạo được áp dụng những công nghệ mới, hiện đại vào loại bậc nhất thế giới, hình thức nhỏ gọn và dễ sử dụng. Những thiết bị y tế của Metran đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho điều trị bệnh nhân tại vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Hiện nay, các sản phẩm y tế của công ty Metran đã chiếm lĩnh thị trường máy thở cao tần HFO tại Nhật Bản, có mặt tại 53 quốc gia trên thế giới và bắt đầu thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Trong số các thiết bị do ông Trần Ngọc Phúc nghiên cứu thì phải kể đến máy hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non. Với tâm niệm “làm những điều mà người khác không thích làm”, máy hô hấp thông thường dành cho 90% bệnh nhân thì có rất nhiều người đã chế tạo, ông dành thời gian nghiên cứu máy hỗ trợ cho những phần trăm còn lại cực khó cứu chữa. “Tôi coi trọng tính mạng của những trẻ sinh non mắc bệnh nghiêm trọng, nên muốn tập trung tạo ra những chiếc máy hỗ trợ đảm bảo sinh mạng cho các bé tốt nhất”, ông Phúc cho biết. Kết quả là 90% trung tâm y tế kỹ thuật cao như NICU (Trung tâm Chăm sóc Trẻ sơ sinh đặc biệt) tại Nhật Bản sử dụng máy hô hấp do ông tạo ra.

Đứa trẻ nhỏ nhất sinh ra tại Nhật Bản chỉ nặng 265 gram, có thể nằm trên bàn tay của người lớn. Những đứa trẻ đặc biệt như thế này, nếu dùng máy hỗ trợ hô hấp thông thường thì rất khó cứu sống và để lại nhiều di chứng. Nhưng sử dụng máy hỗ trợ hô hấp do ông nghiên cứu thì tỷ lệ các cháu sống sót mà không để lại di chứng rất cao. Ngày 25/11/2017, một đài truyền hình của Nhật Bản đã thực hiện chương trình mà thông qua đó, ông Trần Ngọc Phúc đã gặp được hai cháu bé sinh non nhờ có thiết bị của ông mà được cứu sống và giờ đây đã lớn khôn, khỏe mạnh. Gia đình của hai bé coi ông như ân nhân. Cuộc gặp gỡ đầy niềm hạnh phúc vui sướng cho cả ông và gia đình hai bé. Các cháu biểu diễn kiếm đạo cho ông xem, chia sẻ ước mơ của chúng cho ông nghe. Sản phẩm nghiên cứu của mình đã cứu được những đứa trẻ như vậy, có lẽ đó là một trong những món quà tuyệt nhất đối với ông.

 Ông Trần Ngọc Phúc thực nghiệm máy hỗ trợ hô hấp
do ông nghiên cứu

Tâm huyết dành cho quê hương và người Việt tại Nhật Bản

Ngoài đam mê khoa học, ông Trần Ngọc Phúc cũng đã có nhiều năm làm việc thiện nguyện tại Việt Nam. Năm 1988, khi tham gia hỗ trợ cho cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh Việt – Đức, ông có nhân duyên gặp gỡ với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viên Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Qua những cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Phượng, ông biết rõ hơn về tình hình đất nước ta sau giải phóng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, nhiều lĩnh vực đang gặp khó khan, trong đó có y tế. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Phượng, ông đã trở lại thăm quê hương. Ông đi thăm nhiều bệnh viện ở vùng kinh tế mới, gần biên giới của Việt Nam. Trực tiếp chứng kiến những khó khăn thách thức mà Y tế Việt Nam phải đối đầu, ngay sau đó, ông đã liên hệ với những người bạn là các bác sỹ trên toàn nước Nhật, xin cung cấp các thiết bị y tế cần thiết để hỗ trợ cho các bệnh viện của Việt Nam. Ông sử dụng sản phẩm do mình nghiên cứu để giúp đỡ những đứa trẻ sinh thiếu tháng tại Việt Nam, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời, ông nhờ sự hỗ trợ của những bác sĩ tại Nhật và Mỹ, khi có thời gian cùng ông về Việt Nam. Trước hết, ông tổ chức các buổi giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho những bác sĩ trẻ, sau đó là các hội thảo để các bác sĩ Việt Nam hiểu được các cách chữa trị mới trên thế giới. Chỉ sau này, khi Y tế Việt Nam đã từng bước phát triển rõ rệt và có sự hỗ trợ của rất nhiều giáo sư ngoài nước, vì sức khỏe có hạn cũng như muốn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, ông Trần Ngọc Phúc mới dừng tổ chức các hội thảo sau 13 năm thực hiện.

Hiện tại trên cương vị là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Trần Ngọc Phúc mong muốn Hội có thể đưa ra những giải pháp giúp đỡ cộng đồng người Việt có cuộc sống tốt hơn, hỗ trợ cho người Việt trong những tình huống khó khăn… Trước hết, Hội sẽ cố gắng để có tư cách pháp nhân tại Nhật Bản. Hội sẽ xây dựng một trang web riêng, ngoài các thông tin của cộng đồng, các hoạt động của Hội sẽ được thể hiện công khai, rõ ràng. Ông cũng đưa ra ý tưởng kết nối các hội người Việt khác tại Nhật Bản thành Liên hiệp hội. Hiện nay, các hội người Việt ở các vùng tại Nhật Bản có quy nhỏ nhưng hoạt động tích cực. Tuy nhiên, điều đó có hạn chế khi các hội sẽ khó phát huy hết tiềm năng, tiếng nói, vị trí sẽ thiếu ảnh hưởng trên xã hội Nhật. Việc kết nối thành Liên hiệp hội tạo nên một khối cộng đồng vững mạnh hơn, tạo vị thế cao hơn cho các hội người Việt tại Nhật.

Ông Trần Ngọc Phúc cũng đang ấp ủ ước mơ xây dựng một kênh truyền hình dạy tiếng Việt tại Nhật. Theo ông, người Việt tại Nhật sống rải rác nên nếu mở trường dạy học sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu mong muốn dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2, thứ 3. Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ cốt lõi bản sắc văn hóa Việt, bởi vậy nhiệm vụ này luôn được ông và Hội người Việt tại Nhật chú trọng.

Mấy chục năm sống trên đất Nhật, ông Trần Ngọc Phúc vẫn đang thực hiện hoài bão truyền kinh nghiệm, những cảm hứng, say mê nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ để cống hiến cho ngành y tế của đất nước. Và hơn hết, ông vẫn đang miệt mài nghiên cứu vì quê hương: “Bước đến tuổi 70, tôi muốn dành thời gian cho gia đình nhỏ bé của mình, cống hiến cho cộng đồng, nhưng đam mê nghiên cứu vẫn chưa bao giờ ngừng lại trong tôi. Tôi đang nghiên cứu các thiết bị giúp đỡ cho bệnh nhân tại Việt Nam. Các ý tưởng của tôi luôn muốn phụng sự cho Tổ quốc mình”.

Nguyên Thủy