Chuyến đi Hoa Kỳ và những ấn tượng khó quên

Sau một chuyến bay dài, chúng tôi đặt chân tới Hoa Kỳ. Thành phố San Francisco, California đón chúng tôi trong một buổi chiều nắng dịu. Tôi mừng khấp khởi vì không lạnh như tôi nghĩ. Vậy mà chỉ vài phút sau, vừa ra khỏi cửa sân bay, một cơn gió mạnh ào tới khiến chúng tôi gần như đóng băng, và tiện thể “mang một anh trong đoàn đi mất”. May sao, anh ấy chỉ bị lạc trong sân bay, và được tìm thấy chỉ sau vài phút. Điểm danh các thành viên trong đoàn thêm một lượt từ đầu tới cuối danh sách, và một lượt nữa từ cuối danh sách ngược trở lại để đảm bảo không “bỏ rơi” một ai, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi.

Những ngày làm việc hết công suất bắt đầu…

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam

NIỀM VUI THÀNH CÔNG DIỄN ĐÀN KHỞI NGHIỆP

Chuyến đi này của chúng tôi với mục đích chính là tổ chức Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam, diễn ra vào ngày 9/12/2017 với hai phiên làm việc sáng và chiều. Chúng tôi cố gắng làm việc năng suất, cẩn thận nhất có thể để Diễn đàn diễn ra được tốt nhất.

Trong chương trình làm việc buổi sáng, các đại biểu đã nghe tham luận của 7 diễn giả, qua đó có được cái nhìn tổng quan về lịch sử, không gian làm việc, văn hóa sáng tạo tại Silicon Valley, xu hướng đầu tư của startup tại Hoa Kỳ trong năm 2017 cũng như kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, kinh nghiệm hỗ trợ startups của Hoa Kỳ và những câu chuyện truyền cảm hứng của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã thành công tại Hoa Kỳ. Chúng tôi được nghe về vai trò của Nhà nước, Quỹ đầu tư mạo hiểm và vườn ươm khởi nghiệp, các trường đại học trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và cách các đơn vị của Hoa Kỳ tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Những kinh nghiệm của ông Sonny Vu - người đồng sáng lập Misfit, và hiện là CTO (Giám đốc công nghệ) của Fossil và ông Nguyễn Cao Hùng - CEO của Greenvity chia sẻ ở Diễn đàn hết sức thú vị. Đối với ông Sonny Vu, ba yếu tố không thể thiếu để thành công là tạo ra giá trị khác biệt, xây dựng đội ngũ cộng sự và biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đối với ông Nguyễn Cao Hùng, người làm startup là những người luôn nghĩ khác, làm khác, luôn giữ đam mê, không bao giờ bỏ cuộc, và đối với startup, thành công không chỉ là IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) hay là được mua lại, mà là cố gắng hết sức mình. Thành công của startup tại Silicon Valley cũng như vậy - đến từ cả các điều kiện về môi trường, hệ sinh thái và những nỗ lực, giá trị nội tại của các doanh nghiệp.

Phiên Diễn đàn buổi chiều bao gồm 3 phiên thảo luận chuyên đề, trong đó các diễn giả và đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư và phát triển sản phẩm; chiến lược phát triển tiếp theo cho startup; cơ hội và thách thức cho startup Việt nói riêng và phong trào startup tại Việt Nam nói chung. Thực sự, những nội dung được trao đổi và thảo luận trong Diễn đàn không chỉ mang tính kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, mà còn truyền cảm hứng, truyền tải những thông điệp liên quan tới lối suy nghĩ, thậm chí là lối sống khởi nghiệp từ những con người ở Silicon Valley tới những con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bên lề Diễn đàn, các đại biểu từ Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận và xây dựng quan hệ với một số quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp, cũng như xây dựng mạng lưới kết nối với các startup người Việt thành công tại Hoa Kỳ.

Diễn đàn chính của chúng tôi khép lại trong sự phấn khởi của các đại biểu vì ngày làm việc hiệu quả và sự mừng rỡ của Ban tổ chức vì sự kiện suôn sẻ, thành công.

 Đại biểu đi thăm một số công ty khởi nghiệp tại Hoa Kỳ

CHUYẾN ĐI THỰC TẾ BỔ ÍCH

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu và đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thăm và tìm hiểu hoạt động của một số quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp và các doanh nghiệp startup nổi bật tại Silicon Valley và tại New York như Google Launchpad, Motiv, Indiegogo, Flex Intovative Lab, JUST, NYCED, NYU Future Lab, Friends of Ebay, We Work, Bonbouton, Bloomberg, Columbia Lang và Farleigh Dickinson University… Mỗi một địa điểm đến thăm đều để lại cho tôi những ấn tượng và bài học quý giá.

Từ Silicon Valley – nơi mơ ước của những nhà khởi nghiệp…

Đầu tiên, chúng tôi đến thăm Google Launch Pad – chương trình có quy mô toàn cầu của Google giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng sản phẩm và mở rộng quy mô bằng cách cung cấp chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp này trong 6 tháng. Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp được sử dụng các nguồn lực từ Google như các cố vấn, network và công nghệ tiên tiến. Điểm đặc biệt của chương trình là Google giúp đỡ các doanh nghiệp nhưng không yêu cầu được sở hữu cổ phần của doanh nghiệp đó như các nhà đầu tư thông thường. Mặc dù họ có nhận lại những lợi ích (không trực tiếp) nhất định, điều đó vẫn làm chúng tôi “cảm động” về tinh thần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, và qua đó, hỗ trợ cộng đồng của “ông lớn” Google.

Đáng nhẽ, lúc sau chúng tôi phải rời tới trụ sở công ty Motiv, một công ty khởi nghiệp với sản phẩm nhẫn có thể đo nhịp tim và các chỉ số sức khoẻ khác, tuy nhiên, đại diện của Motiv lại tới gặp chúng tôi ở Google Launch Pad. Ông đã giới thiệu cho chúng tôi không chỉ chiếc nhẫn của Motiv và quá trình làm ra nó, mà còn gửi một thông điệp, đó là “sản phẩm tốt nhất là sản phẩm được tạo ra vì con người, giải quyết các nhu cầu của con người”. Nói tới đây, bỗng nhiên tôi thấy có một sợi dây kết nối vô hình giữa những người sáng tạo và bán sản phẩm với những người xây dựng chính sách, bởi, muốn có được những quyết sách mang tính thực tiễn cao, chẳng phải những người làm ra nó cũng cần nhìn từ góc nhìn và cảm nhận bằng trái tim của những người thụ hưởng chính sách đó sao? Những giá trị công ty khởi nghiệp này truyền tải sao mà nhân văn quá!

Tạm biệt Google Launch Pad và đại diện của Motiv, chúng tôi tới thăm Indiegogo, 1 trong 2 sàn gọi vốn cộng đồng (crowdfunding platform) lớn nhất ở Mỹ. Mặc dù đã có nghe qua về gọi vốn cộng đồng - là nơi startups giới thiệu ý tưởng hoặc hàng mẫu (prototype) của mình với cộng đồng công nghệ và kêu gọi đầu tư, đáp lại, khi sản phẩm ra đời, nhà đầu tư sẽ nhận được những sản phẩm này đầu tiên với mức giá rẻ hơn thị trường - tôi cũng chưa hiểu hết tính ưu việt của hình thức này. Được đại diện của Indiegogo giới thiệu, và đặc biệt, được nghe câu chuyện chị Christy Trang Lê và anh Sonny Vũ (nhà sáng lập công ty Misfit, công ty khởi nghiệp đầu tiên của người Việt được mua lại với giá 260 triệu USD bởi Fossil) đã tận dụng Indiegogo trong những ngày đầu tiên như thế nào, tôi mới hiểu, gọi vốn cộng đồng không những giúp doanh nghiệp có đủ chi phí sản xuất sản phẩm mà còn là hình thức thăm dò thị trường, để biết nhu cầu của thị trường về sản phẩm của mình, và nhu cầu đối với từng loại (hình thức, màu sắc, kiểu dáng…) của sản phẩm đó. Thật là một mũi tên trúng nhiều đích!

Rồi chúng tôi có chuyến thăm tới công ty JUST, một công ty sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là các loại sauce, kem, trứng và thịt được chứng nhận an toàn. Sản phẩm của Just rất đặc biệt: kem và trứng được làm từ đậu xanh nhưng có giá trị dinh dưỡng tương đương với sản phẩm kem và trứng thông thường; thịt được tạo ra nhờ công nghệ nhân bản tế bào, có nghĩa để tạo ra 1 miếng thịt, thay vì phải giết 1 con gà hay 1 con bò, ta chỉ cần dùng 1 vài tế bào thịt, cung cấp chất dinh dưỡng, tăng tốc quá trình nhân bản tế bào và có được miếng thịt sau 5 ngày. Ý tưởng sáng tạo công nghệ sản xuất của Just bắt nguồn từ những trải nghiệm của những người sáng lập công ty. Tuổi thơ vất vả khi cả gia đình sống nhờ trợ cấp xã hội và việc tận mắt chứng kiến những người chết vì đói ở châu Phi đã thôi thúc họ sáng tạo một cách sản xuất thực phẩm tiên tiến hơn để cắt giảm chi phí, dễ dàng lưu trữ và vận chuyển như hiện nay. Hy vọng, đây sẽ là cuộc cách mạng trong ngành sản xuất thực phẩm và trở thành giải pháp cung cấp thực phẩm bền vững trong tương lai.

 Trao đổi với đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hoa Kỳ

… Đến New York – Thành phố toàn cầu

Chuyến bay của chúng tôi hạ cánh tại New York lúc 1 giờ sáng. Chúng tôi có 6 tiếng để di chuyển về khách sạn và nghỉ ngơi trước khi tiếp tục chuyến hành trình. Có tới 10 địa điểm làm việc đang chờ đón chúng tôi: Friends of eBay, UNDP, NYC Future Lab, Wework… Trong số đó, có hai công ty để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất, đó là NYCEDC (New York City Economic Development Corporation) và Bonbouton.

NYCEDC là một công ty phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp 5 quận của thành phố New York, chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản của Thành phố để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, NYCEDC cũng tư vấn về kinh doanh, kinh tế và chính sách cho thành phố, các công ty phi lợi nhuận và vì lợi nhuận; nghiên cứu, thu thập ý kiến từ các bên liên quan và đưa ra các sáng kiến, đầu tư vào các ngành mới nổi, tạo điều kiện để các ngành công nghiệp truyền thống thích ứng với sự thay đổi toàn cầu. Đối với tôi, đây là một mô hình hoạt động rất mới mẻ khi có một công ty quản lý và tận dụng tài sản của thành phố, bao gồm các trung tâm sản xuất và phân phối cũng như các cơ sở hạ tầng khác, phát triển các bất động sản đó; kết nối hợp tác giữa khu vực công và tư.

Bonbouton là một startup của người Việt tại New York (TS. Lê Tùng Linh), đang phát triển một loại sensor (máy cảm biến) kết hợp với công nghệ nano đặt trong miếng lót giầy của người bị bệnh tiểu đường để đo các chỉ số và dự báo diễn biến của bệnh. Tuy chưa ra mắt sản phẩm cuối cùng, ý tưởng này được đánh giá là có tính ứng dụng cao, đặc biệt khi số lượng người mắc bệnh tiểu đường đang không ngừng gia tăng. Từ khi ý tưởng về loại sensor đặc biệt này ra đời, Bonbouton đã nhận được sự hỗ trợ về vốn của nhiều nhà tài trợ, trong đó có chính quyền Thành phố New York, với tổng số tiền lên tới gần 1 triệu USD. Hy vọng, trong thời gian tới, Bonbouton có thể hoàn thiện sản phẩm của mình và giới thiệu ra thị trường.

Kết thúc chuyến đi tại Hoa Kỳ, anh Phan Đức Quang - Tổng Giám đốc Công ty phần mềm Proview, một đại diện doanh nghiệp từ Việt Nam - chia sẻ: Thông qua Diễn đàn và những chuyến tham quan thực tế, tôi đã rút ra được những bài học vô cùng quý giá. Thứ nhất, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần mạnh dạn phát triển những ý tưởng trở thành các sản phẩm có thể thương mại hóa. Thứ hai, ngay từ giai đoạn đầu phát triển sản phẩm, không nên chỉ tập trung vào thị trường trong nước, mà cần đặt mục tiêu đưa ra những giải pháp mang tính toàn cầu, phải dám nghĩ lớn từ những ngày đầu tiên. Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức các sự kiện liên quan tới khởi nghiệp như Diễn đàn này thường niên, hợp tác với vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp (accelerators) hoạt động hiệu quả tại Silicon Valley và tại các trung tâm khởi nghiệp và công nghệ lớn trên thế giới. Thứ tư, cần giảm bớt thời gian xử lý thủ tục hành chính, xây dựng chính sách thuận lợi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam gọi vốn từ các nguồn khác nhau, đặc biệt nguồn vốn từ nước ngoài.

*

Sau sự kiện “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam”, Ban tổ chức chúng tôi rất tự hào vì đã không chỉ kết nối thành công các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt cách nhau nửa vòng Trái Đất, mà còn tạo điều kiện để các đại biểu đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam cũng như thúc đẩy những hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp tham dự. Để tiếp nối thành công và phát huy kết quả đạt được của Diễn đàn tại Hoa Kỳ, trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kết nối khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng, với những nỗ lực của Bộ Ngoại giao nói riêng và các cơ quan liên quan nói chung, những người Việt khắp năm châu bốn bể có thể phát huy hết tiềm lực của mình và tùy thuộc vào khả năng để đóng góp về trong nước.

Huyền Trang