Đậm đà hương vị tương bần Hưng Yên

Người làm tương phải xem tương hàng ngày. Ảnh: Trịnh Văn Bộ 

Tương Bần - thứ nước chấm đã được xếp vào hạng “đặc sản” của đất Phố Hiến như câu ca xưa vẫn nhắc “Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần”. Những bí quyết và kinh nghiệm của nghề làm tương làng Bần (thị trấn Bần - Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Để làm được mẻ tương ngon, xem ra cũng lắm công đoạn. Gạo nếp cho vào đồ xôi, phơi trên nong, chờ lên mốc màu vàng hoa cải là được. Đỗ tương rang với lửa nhỏ để cho hạt chín đều từ ngoài vào trong, có màu vàng và mùi thơm lựng. Sau khi rang, cho đỗ tương vào ngâm nước, nếu không thì hạt sẽ bị chua (ít hơn 7 ngày) hoặc úng (nhiều hơn 7 ngày). Nước ngâm đỗ đó được đem ủ với mốc, bóp thật nhuyễn cho hai thứ quyện với nhau, gia vị bằng nước muối đun sôi lọc sạch rồi bỏ tất cả các nguyên liệu vào chum phơi nắng ít nhất hơn 5 tháng, đó là thời gian ngả tương. Trong khoảng thời gian phơi nắng, người làm tương phải lấy cây đánh tương mỗi buổi sáng, trời càng nắng nóng thì chất lượng tương càng ngon, càng có vị ngọt tự nhiên, vì thế từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là vụ làm tương chính. Những bí quyết này đã tạo nên sản phẩm tương Bần hấp dẫn.

 Các cửa hàng bày bán tương Bần nằm san sát trên quốc lộ 5A . Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Ngày nay, phần đông người dân thị trấn Bần đều mở cửa hàng bán tương dọc theo quốc lộ 5A. Tùy theo nguồn vốn, điều kiện nhà xưởng mà người dân mở cửa hàng to nhỏ khác nhau, nhưng trong xưởng bao giờ cũng có hàng nghìn chum đại sức chứa 50.000 lít. Tương Bần ngoài việc bán lẻ tại cửa hàng, còn được đưa vào siêu thị và xuất khẩu. Hầu như các hộ đều có cơ sở rộng rãi phơi tương, hộ nào ít thì vài trăm chum, hộ nào sản xuất lớn thì có 1.000 chum tương.

Về thị trấn Bần, thấy không khí buôn bán tấp nập tại các cửa hàng tương nếp, chúng tôi biết rằng, nghề làm tương Bần đã làm cho cuộc sống của người dân Bần đổi thay.

Lê Linh/ langvietonline.vn