Đánh thức vẻ đẹp Hoàng Su Phì

 Hoàng Sù Phì mùa lúa chín

Thiên đường ruộng bậc thang

Nằm trên tuyến vòng cung du lịch Bắc Hà - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng, Hoàng Su Phì sở hữu vẻ đẹp độc đáo bởi danh thắng ruộng bậc thang đẹp nhất tỉnh Hà Giang. Cùng với Mù Cang Chải và Sa Pa, đây cũng là một trong những thiên đường ruộng bậc thang của Việt Nam.

Đó là những thửa ruộng bậc thang trải đều khắp 25/25 xã, thị trấn của huyện, xen vào đó là những con suối nước trong vắt hiền hòa, những bản làng, những ngôi nhà được xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống, rừng chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hiện nay, toàn huyện Hoàng Su Phì có 1.380 ha ruộng bậc thang tại 11 xã gồm Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia. Đây là những khu ruộng đẹp nhất của huyện Hoàng Su Phì và từ lâu đã được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với một sự hấp dẫn đặc biệt.

Các thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì uốn lượn trùng điệp, chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi và xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ và những dòng sông, khe suối, tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, nhiều màu sắc. Cảnh quan ruộng bậc thang của huyện đẹp nhất là vào mùa cấy từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và mùa lúa chín từ tháng 8 đến giữa tháng 10 hàng năm.

Hàng năm, đến vụ mùa, nhất là vào mùa nước đổ hay thu hoạch, du khách trong nước và quốc tế đều háo hức đến với mảnh đất này. Hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, len lỏi trong những cánh rừng nguyên sinh, phóng tầm mắt theo những ruộng bậc thang, sông suối đầu nguồn sông Chảy uốn lượn hay thử thách bản thân với những cung đường leo núi lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400 m so với mực nước biển... là những trải nghiệm thú vị. Anh Triệu Văn Nguyện, người dân địa phương nhiệt tình giới thiệu cho du khách: “Những ngày đầu mùa đông, những thung lũng của huyện Hoàng Su Phì, nhất là tại khu vực các xã Túng Sán, Hồ Thầu, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Luốc chìm trong biển mây trắng bồng bềnh. Những ngọn núi cao cũng chỉ thấp thoáng trong biển mây, đợi nắng lên mới thấy những thửa ruộng bậc thang. Tại khu vực đỉnh Tây Côn Lĩnh, tháng 2 hàng năm là dịp những vạt rừng đỗ quyên nở hoa với các sắc màu vàng, hồng, trắng và đỏ rực rỡ”.

Phát triển du lịch cộng đồng

Với địa hình núi đất, các làng bản nằm khá gần và phong cảnh ruộng đồng, núi rừng nguyên sinh. Ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết, những năm qua, Hoàng Su Phì đã khai thác các thế mạnh để phát triển và gắn kết các thế mạnh sẵn có với các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Đây là nơi sinh sống của 12 dân tộc, trong đó dân tộc Nùng và dân tộc Dao chiếm đa số. Các thôn bản vùng đồng bào dân tộc sinh sống đều sau những tán rừng nguyên sinh, phía trước là những thửa ruộng bậc thang và những dòng sông, khe suối. Chị Hoàng Thị Mai, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Những nhà làm du lịch cộng đồng cũng không tách biệt giữa cuộc sống thường ngày và nghề dịch vụ, nên tôi thấy mình được hòa cùng cuộc sống hàng ngày với gia chủ, cùng ra đồng làm ruộng, xuống suối bắt cá, được sưởi ấm bằng bếp lửa trong những ngôi nhà sàn đặc trưng của miền núi”.

Hiện trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, được khách du lịch trong nước và quốc tế tìm kiếm, nhiều nơi nằm trong chương trình du lịch của các công ty lữ hành. Điểm du lịch thôn Suối Thầu (xã Bản Luốc) với thế mạnh là vùng danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang thôn Suối Thầu, di tích lịch sử văn hoá đền Suối Thầu và những ngôi nhà sàn cổ được xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống, trong đó có một số ngôi nhà đã được đầu tư nâng cấp để phục vụ khách du lịch. Đây là điểm du lịch thu hút khách lớn nhất hiện nay của huyện Hoàng Su Phì, nhất là vào dịp mùa cấy và mùa lúa chín.

Cùng khai thác thế mạnh là khu vực danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang, điểm du lịch thôn Na Léng (xã Bản Phùng) còn hấp dẫn có thể tìm hiểu thêm các di tích lịch sử văn hoá Khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng, di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tết Khu cù tê của dân tộc La Chí. Trong khi đó, thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên) lại chủ yếu đón dòng khách châu Âu và cung cấp các dịch vụ tham quan ngắm cảnh, trải nghiệm văn hóa thông qua việc thiết lập các tuyến du lịch ngắn khám phá các làng văn hóa du lịch cộng đồng xung quanh như Phìn Hồ, Nậm Hồng, Giàng Thượng. Trong khi đó, núi Chiêu Lầu Thi là đích đến của những bàn chân ham chinh phục, là nơi dân phượt thường rủ nhau ngắm biển mây.

Đặc biệt, người dân địa phương vẫn giữ gìn và bảo tồn những nghề truyền thống của dân tộc mình. Làng nghề chế biến chè xanh Phìn Hồ (xã Thông Nguyên) nổi tiếng với những búp trè shan tuyết núi cao thơm ngon nồng đậm. Làng nghề mây tre đan xã Thèn Chu Phìn, làng chạm khắc bạc xã Pờ Ly Ngài lại nổi tiếng với những đồ thủ công tinh tế. Những người phụ nữ làm nghề trồng bông dệt vải xã Bản Phùng, làng nghề thổ cẩm Đoàn Kết (xã Hồ Thầu) làm mê mẩn khách du lịch bởi những hoa văn tinh tế được thêu dệt trên những tấm vải thắm màu dân tộc. Mỗi sản phẩm của các làng nghề đều có những nét đặc trưng riêng như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, thể hiện sự tài hoa tinh tuý, trở thành món đồ lưu niệm được nhiều du khách ưa thích.

Bảo Lâm (Làng Việt Online)