APEC Việt Nam 2017 qua cảm nhận nhà báo Việt hải ngoại

 Các nhà lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị Apec 2017.

Nhận được lời mời của Nhà nước Việt Nam qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ về đưa tin Hội nghị Cấp cao APEC 2017, lúc đầu, tôi có hơi lưỡng lự nên đi hay từ chối. Trước đó, hoạt động quảng bá cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đã diễn ra từ nhiều tháng trước và cao điểm là từ sau Tết Nguyên đán 2017. Tôi phân vân vì không cảm thấy hứng thú lắm và không phải lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức APEC nên với tôi, có lẽ không có gì hấp dẫn ngoài những bài diễn văn sâu sắc của các diễn giả.

Cho đến khi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNV) liên hệ qua Tham tán Nguyễn Hoài Nam ngỏ ý mời Kênh Báo chí Hải ngoại (KBCHN) tham dự chính thức. Khi đó, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có quyết định sẽ tham dự APEC 2017 và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN, nếu đi thì ông có thăm Việt Nam cấp Nhà nước hay không... Cuối cùng, sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định nhận lời tham dự, để thỏa mãn trì tò mò về việc Việt Nam sẽ tổ chức APEC ra sao.

KBCHN đã nhận được một khích lệ lớn khi Tổng Giám đốc Việt Nam Airlines (VNA) sẵn sàng hỗ trợ nhà báo một tấm vé khứ hồi từ Los Angeles về Việt Nam để hoàn thành việc tác nghiệp tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

NGẠC NHIÊN THÚ VỊ

Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi bắt đầu công việc móc nối với một số cơ quan báo chí tại quận Cam để thuyết phục cùng đi cho vui. Cuối cùng, phóng viên Đoàn Trọng, nhà báo Đỗ Dzũng và Đỗ Tài Thắng của báo Người Việt cũng quyết định nộp đơn vào ngày 25/10/2017. Cả đoàn đáp chuyến bay đến Hà Nội vào ngày 27/10/2017, tôi ngạc nhiên khi biết Jimmy Vũ (tức phóng viên Vũ Nhân) của Đài truyền hình Truyền thông Sài Gòn (SBTN) cũng tham dự. Như vậy, đoàn phóng viên kiều bào cũng có gần 10 người tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Với tôi, ngạc nhiên nhất có lẽ là khi nhận được tin về quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam. Theo đó, ông đã có lịch trình công du dài nhất trong các đời Tổng thống Mỹ khi xuất ngoại. Chuyến đi liên tục từ ngày 4/11 đến 14/11/2017 trải qua các điểm nóng Haiwaii, Honolulu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Lẽ dĩ nhiên, điểm nóng là APEC Việt Nam 2017 và kỷ niệm 50 năm thành lập khối Đông Nam Á.

DIỄN BIẾN

Dư luận báo chí trong nước và quốc tế còn quan tâm theo dõi sát sao hơn khi biết lịch trình có cuộc họp vào ngày 10 và 11/11 liên quan đến TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Tâm trạng tôi lúc này rất phấn khởi và thầm cảm ơn UBNV, suýt nữa tôi phải mang niềm hối tiếc vì đã quyết định sai lầm nếu không tác nghiệp tại nơi cơ hội ngàn năm có một này. Một Hội nghị lịch sử của quần hùng thế giới bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu mà trong đó đã có đến 3 thành viên chủ lực của Liên hợp quốc: Nga – Mỹ – Trung Quốc. Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị mang tầm vóc quốc tế cấp cao với các lãnh đạo chủ chốt như Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Justin Trudeau, Tổng thống Rodrigo Duterte, Thủ tướng Lý Hiển Long...

Nhưng quan trọng hơn hết đó là Tổng thống Donald Trump là một trong 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ đã đến Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Một cuộc giao lưu mang tính ngoại giao và thăm viếng chính thức chưa hề có của Hoa Kỳ đối với bất cứ quốc gia nào trong vòng 10 năm qua. Khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ sau khi bức tường Berlin bị san phẳng, vẫn có nhiều quốc gia Đông Âu chưa hề có vinh dự tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ dù là một lần. Trong khi đó, Việt Nam đã có 4 lãnh đạo hàng đầu, tạm gọi là tứ trụ từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã liên tiếp thăm viếng ngoại giao từ năm 2016 và đặt trọng tâm vào sự phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực từ ngành nông-công-kỹ nghệ đến việc tổ chức quy mô và hoàn hảo của Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2017.

Kết quả của Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2017 đạt được không chỉ được ghi nhận bằng các hoạt động ngoại giao bề ngoài mà còn phải phân tích sâu vào nội dung và thành quả đạt được trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương mà ít người biết hoặc lưu ý. Đó chính là dư luận của báo chí nước ngoài khi nói đến những "con rồng châu Á" mới nổi đang vươn mình trỗi dậy, mà Việt Nam đã có được vị thế quan trọng trong nhóm 10 quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải nói: “Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời”.

Rất nhiều lời khen từ 21 thành viên APEC đã dành cho Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Cho đến tận sau một tháng kết thúc sự kiện, dư âm và tiếng vang về Hội nghị vẫn được giới phóng viên và báo chí bàn tán sôi nổi.

Theo tờ báo Viettimes.vn trích lời dẫn của tờ Nanyangpost Singapore ngày 28/11/2017 cho rằng, gần đây có 3 sự kiện lớn liên quan đến Việt Nam: Đó là Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Kỷ niệm tròn 100 năm cách mạng tháng 10 Nga và tròn 30 năm cải cách kinh tế. Theo tiêu chuẩn "có ý nghĩa vạch thời đại", 3 sự kiện này có cấp độ ý nghĩa quan trọng ngang nhau, nhưng Việt Nam đã gặt hái được những thành quả quan trọng sau 30 năm cải cách kinh tế và ai cũng phải công nhận. Công cuộc đổi mới đã được mở cửa từ Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam và cải cách được bắt đầu từ năm 1986.
Thành quả của cải cách đã mang lại những thành quả nổi bật. 30 năm trước, người Việt Nam còn rất nghèo và lạc hậu, nhưng đến nay theo số liệu của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có triển vọng nhất.

Đáng chú ý là, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Việt Nam là "quốc gia đẹp nhất" mà ông từng thấy trong đời, đồng thời cho biết ở Đà Nẵng không ai không đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC.

Khi đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ đã xác nhận phương châm tiếp tục phát triển quan hệ Mỹ - Việt. Hai bên đã ký kết các thỏa thuận có tổng trị giá lên tới 12 tỷ USD. Trong đó, có thỏa thuận bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; thỏa thuận về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD…

Nhưng ấn tượng nhất về Tổng thống Donald Trump, ông đã không né tránh khi nói về Đà Nẵng, nơi mà năm 1965 quân đội Hoa Kỳ đã đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp và thành lập bộ chỉ huy tiền phương tại đây, khởi đầu cuộc trực tiếp tham chiến với quân đội Bắc Việt. Ông nhắc đến những mất mát của binh sĩ hai bên, nhưng không bằng thái độ thù hằn, mà bằng một thái độ đầy nhân văn, nếu không muốn nói đó chính là lời xin lỗi khéo léo mà người Mỹ dành cho Việt Nam khi nhắc đến sai lầm trong quá khứ với cuộc chiến đã để những thương đau.

Về chuyện bên lề của Hội nghị Cấp cao APEC 2017, không thể không nói đến lực lượng an ninh Việt Nam. Những nhân viên an ninh túc trực 24/24 và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong suốt thời gian APEC được tổ chức. Phải nói là ngoài sự tiên đoán của mọi người, làm sao có thể hoàn thành tốt đẹp một Hội nghị với 21 phái đoàn với số lượng gần 10 ngàn người. Các sân bay Hà Nội, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất liên tục bận rộn lịch trình đón tiếp các phái đoàn và nguyên thủ quốc gia đến dồn dập, đảm bảo không được phép xảy ra sự cố đáng tiếc nào cho dù là nhỏ nhất.

Trong khi đó, thời tiết tại Đà Nẵng và Hội An bị ảnh hưởng lớn bởi trận bão số 14, xảy ra lụt lội trong thành phố và một số nơi, nhưng lại không bị tổn thất nhiều. Hội nghị vẫn diễn ra thông suốt và thuận lợi theo đúng kịch bản. Việt Nam đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin hỗ trợ ngay 5 triệu USD và Tổng thống Donald Trump viện trợ 1 triệu USD.

THAY LỜI KẾT

Với 42 năm lăn lộn sống và làm việc tại Hoa Kỳ qua ngành báo chí và hoạt động trong ngành tài chính của nước Mỹ, tôi đánh giá bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là bài diễn văn đối ngoại xuất sắc nhất so với 4 Tổng thống Hoa Kỳ đã đến Việt Nam từ trước đến nay, nếu không muốn nói hay hơn bất kỳ một bài diễn văn của bất cứ nhà lãnh đạo nào sau đệ nhị thế chiến.

Một khúc quanh mới tại Việt Nam bắt đầu cho một vận hội mới mà tuổi trẻ Việt Nam hãy đón nhận, qua lời nguyên Phó Thủ tướng Đức Phillips Rosler “tin tưởng vào tài năng tuổi trẻ Việt Nam” và xin mượn lời Tổng thống Donald Trump để kết thúc bài viết này: “Sinh viên Việt Nam thông minh nhất”.

Nguyễn Phương Hùng (Hoa Kỳ)