Một mùa đông xa lạ

Minh họa: Thanh Hạnh 

Mẹ gọi điện qua một số điện thoại lạ, chắc là của một ai đó. Giọng mẹ thều thào, tôi nghe cả tiếng gió lay bên ngoài: “Con cố về nhé. Ba con bệnh nặng lắm.” Vậy là tôi ra đường, đón một chiếc xe lướt ngang để về. Chiếc xe dừng lại rất nhanh, anh lơ xe hỏi: “Cô đi đâu?” Tôi bảo: “Phú Yên”, thế là anh lấy thật nhanh cái túi xách của tôi và kéo tôi lên xe, như thể chuyến xe không dùng dằng cho một hoài niệm.

Tôi về, nhưng lòng tôi rỗng tuếch như một hồ nước mà trong lòng hồ không có một giọt nước. Tôi cũng không vội vã, cũng không đợi chờ một vòng tay êm ấm mở rộng, tôi cũng không mường tượng ra cảnh sum họp gia đình như mọi người hay tả trong các trang văn.

Tôi bỏ nhà đi năm 18 tuổi. Cái tuổi mà mọi người bảo rằng chỉ biết lo ăn học, vui đùa. Nhưng làm sao tôi có thể ăn học vui đùa trong một căn nhà giống như một thùng thuốc nổ, lúc nào cũng có thể bùng cháy. Tôi cũng không hiểu ở giữa hai người có vướng víu gì không trong cái gọi là tình yêu, để rồi hợp với nhau thành vợ chồng, mà cái kiểu tình yêu đầu nỗi giận dữ ấy có giúp gì? Tôi chỉ biết rằng cả hai đều là hai con người tha phương, từ một tỉnh miền Trung, về thành phố trong cuộc mưu sinh. Lúc ấy mẹ phụ bán cơm cho một hàng cơm bình dân ở ga xe lửa, còn ba thì chạy xe thồ. Hàng ngày ba vào quán cơm ăn, có ngày ba vắng khách ăn nợ, có khi ba được mẹ bỏ thêm vào đĩa cơm chút cá, chút thịt rồi nảy sinh tình cảm. Cái tình giữa hai con người xa quê ở miền đất lạ ấy quấn quýt lắm, níu lòng người lại để chân cùng bước rộn ràng trên phố, để đêm trùm chăn không thấy buồn khi cơn mưa mùa về cứ nỉ non làm cho lòng muốn khóc. Chắc chắn vào cái thời đó ba mẹ sống hạnh phúc, cái hạnh phúc vì được che chở nhau, dẫu ở trong căn nhà thuê nho nhỏ. Cái hạnh phúc lâu lâu nghỉ một buổi, ba lấy xe chở mẹ phóng thẳng xuống Vũng Tàu để chỉ tắm biển, ăn ốc ăn ghẹ rồi về. Rồi mẹ học được nghề nấu cơm, bà chủ quán không bán nữa, nhường lại cho mẹ, một tay mẹ gây dựng cơ ngơi, trở thành bà chủ và mua được căn nhà, dẫu căn nhà nhỏ nhưng là nhà của ba mẹ để khỏi phải lo ngày, lo đêm khi chủ đòi nhà lại. Mẹ bảo: “Khi có căn nhà, mẹ muốn khóc con ơi. Có nhà để mình đặt bàn thờ tổ tiên, được đóng tiền điện, tiền nước..” mơ ước của mẹ, hay nói đúng hơn là của những người con tha phương là thế. Mà mấy người thực hiện được mơ ước của mình. Mẹ, người đàn bà ít học ấy chỉ học mỗi nghề nấu cơm mà tạo cơ ngơi.

Mẹ nhớ quê, mà đâu phải riêng mẹ, ai cũng muốn trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, dẫu nơi đó chỉ là con đường đất đỏ bay mù bụi mỗi khi có một chuyến xe qua. Mẹ bảo ba bán ngôi nhà đã tạo dựng, trở về, ông bà ngoại có mình mẹ, đã già và mẹ chỉ dắt díu chồng con về kịp để nhìn ông bà lần cuối. Tôi hồn nhiên theo ba mẹ lên chuyến xe lửa cứ rú còi giục giã những biệt ly. Còn ba lại quá quen phố thị, ba mê đắm những ngã tư đường đèn xanh đỏ, ba thích gác chiếc xe thồ bên hè phố, bên hàng cây cổ thụ cao vời vợi mà đợi khách. Ba không thích về nhà vợ, nhưng ba phải theo. Lòng ba mang một nỗi buồn dằng dặc.

Những cơn say của ba nhân lên theo ngày, theo tháng khi ba gặp một tai nạn lúc đi xe quá nhanh, bị một chiếc ô tô hất vào vệ đường. Còn mẹ lại mau chóng biến ngôi nhà buồn tênh của ông bà ngoại thành một quán bán ăn sáng, cà phê. Cuộc hành trình của những người khách bộ hành luôn chọn quán của mẹ dừng lại, bởi nơi này râm mát bóng cây xanh và có cả những chiếc võng cột đong đưa cho họ nghỉ ngơi. Mẹ ngày càng đẹp, dẫu đã có một mặt con. Còn ba thì trở thành một người không nghề nghiệp, rồi sau đó đi phụ việc cho một tiệm sửa xe, ngày làm ngày nghỉ. Tưởng cuộc sống bình yên, nhưng đêm nào ba cũng say, đêm nào căn nhà cũng trở thành những trận cãi vã. Mãi rồi gia đình gần như không có một bữa cơm nào trọn vẹn. Tôi cũng lạ là qua chừng ấy năm khổ cực, đùm bọc nhau ở quê người cho đến khi trở về quê, khi đã tạo được chút cơ ngơi thì ba và mẹ lại thành hai con người khác? Phải chăng khi buôn bán giao tiếp bên ngoài, gặp những người đàn ông ong bướm, lòng mẹ xốn xang, để nhìn lại ba giống như một thanh củi cũ, cứ chực bỏ vào lò lửa cho cháy rụi? Còn ba thì với đôi chân không trọn vẹn ấy, không thể tự mình gánh vác việc nhà, lại sinh ra mặc cảm, rồi mặc cảm ấy đổ vào trong những cơn say? Để những đêm dài của tôi gần như chỉ nghe tiếng la hét và tiếng khóc.

Tôi không chịu nỗi những trận cãi vã của ba mẹ nhẹ tênh. Tôi đi không ngoảnh lại, không vướng bận những hệ lụy. Lạ là thỉnh thoảng trong những cơn mưa mùa buồn, tôi lại nhớ ngôi nhà của mình. Dẫu trong căn nhà ấy không hề có những kỷ niệm đẹp, mà ký ức chất chồng của tôi chỉ là những tiếng gào thét, làm mâm cơm chưa kịp ăn đã chan nước mắt, và cả những lúc tôi bỏ nhà ra ngoài bơ vơ tìm chỗ trú vì không thể nào chịu nỗi những trận đòn say của ba. Trên cánh tay phải của tôi vẫn còn một vết sẹo dài khi tôi can ngăn ba đánh mẹ, ông đã dùng mảnh chai rạch vào. Vết thương đã lành, nhưng trái tim tôi hoảng hốt và lạnh tanh.

Thành phố vào mùa Đông không lạnh như ở phương Bắc. Những con chim sẻ vui vẻ cứ đậu trên những hàng cây cao mà ríu rít gọi bầy. Còn con phố thì cứ xôn xao như đã từng xôn xao. Thành phố bây giờ đã khác xưa, có cả một con đường biển mở rộng, nhiều khách sạn mọc lên và hàng dương liễu cao vút, tạo thành chỗ hẹn hò cho lứa đôi.

Ba đã khỏe hẳn sau một cơn bệnh tưởng chừng không qua khỏi. Mẹ tiều tụy hẳn ra sau những ngày lo bệnh cho ba. Những cơn gió từ đâu không biết cứ reo vui trên bước chân tôi. Ba bên cạnh tôi, mẹ bên cạnh tôi. Cả nhà chọn một nhà hàng ven biển, dường như đây là lần đầu tiên cả nhà có một bữa ăn như thế. Ba nói: “Ba bỏ rượu rồi, con kêu cho ba chai nước suối”.

Ba đưa tay xoa lên vết sẹo của tôi, ông thầm thì: “Ba xin lỗi con.” Còn mẹ: “Con đừng đi xa nữa.” Tôi gật đầu, bởi tôi biết mùa Đông rồi cũng sẽ qua, chỉ tiếc rằng sao nó qua lâu thế.

Khuê Việt Trường (baothainguyen)