Rượu Bàu Đá nồng nàn vang xa

Bước thăng trầm…

Chúng tôi tìm đến Làng nghề rượu Bàu Đá thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn (Bình Định) vào một buổi sáng đầu đông. Hương nồng cay cay của những vò rượu mới nấu quyện vào gió thoảng đưa khiến lòng người đắm say… 

Đi khắp làng Cù Lâm, vào nhà nào cũng thấy những can, những bình đựng đầy rượu sủi tăm chờ mời khách. Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Tạ Chí Nhơn, Trưởng Ban tự quản Làng nghề rượu Bàu Đá, cho hay: “Gia đình tôi gắn với nghề nấu rượu đã từ bao đời nay. Sinh ra và lớn lên từ Làng, tôi yêu da diết cái nghề truyền thống của cha ông và muốn giữ gìn đến thế hệ mai sau. Làng Cù Lâm quê tôi, 10 nhà thì có đến 7 nhà biết nấu rượu. Nét đặc trưng của rượu Bàu Đá là rượu uống vào càng ngấm càng ngọt ngào, càng đậm đà, say nhưng không choáng và gây mệt mỏi, nhức đầu như một số loại rượu khác. Có lẽ nhờ nguồn nước mát ngọt của Bàu Đá và phương thức nấu rượu công kỷ đã góp phần làm nên thương hiệu rượu Bàu Đá…”.
 

Đường vào Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp

Ngày Giỗ Tổ nghề thường được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Đây là dịp tụ hội, gặp gỡ, giao lưu giữa những nghệ nhân nấu rượu, những người sinh ra từ “làng” và biết đến Làng nghề rượu Bàu Đá nức tiếng gần xa. Điều đặc biệt ở đây là người dân chỉ dùng rượu Bàu Đá do mình nấu để mời khách chứ không dùng bia. Đó cũng là biểu hiện của lòng tự hào về nghề và tình yêu quê hương của bao người con xứ sở. 

Những người theo “nghiệp rượu” ở đây cho biết, ông Hương Nghè Điếc là Tổ nghề rượu Bàu Đá vốn quê gốc ở huyện Tây Sơn (Bình Định). Thời kỳ 9 năm Việt Minh chống Pháp thuộc, ban đầu nấu rượu Si-ka cho Pháp, dần dà nấu rượu thuê từ nhà này đến nhà khác ở Làng. Nhờ sử dụng nguồn nước trong veo, mát ngọt Bàu Đá ở làng Cù Lâm và đúc kết, học hỏi, chắt lọc nhiều kinh nghiệm, ông đã cho “ra lò” rượu Bàu Đá; sau đó, lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đi khắp ngõ xóm cùng thôn. 
 

 Từ khi nhãn hiệu tập thể Rượu Bàu Đá được bảo hộ giúp cho thương hiệu Rượu Bàu Đá không ngừng vươn xa

 Các công đoạn nấu rượu lúc bấy giờ còn khá thô sơ, gồm: Xay lúa, bóc vỏ, ủ men, đong gạo, trộn men vào gạo, bỏ vào vò ủ (khoảng 3 ngày 3 đêm), sau đó cho ra thành phẩm và đong vào chai lọ để dành nhấm nháp, mời khách quý thưởng thức. Thời ấy, những gia đình khá giả, quan lại, quý tộc mới có đủ điều kiện để nấu rượu và thưởng thức rượu ngon. 

Được biết, hiện nay, rượu Bàu Đá nấu bằng gạo thường giá khoảng 25 ngàn đồng/lít; rượu nếp (chưng cất) 35 ngàn đồng/lít; rượu nếp (ủ men) 50 ngàn đồng/lít; rượu đậu xanh 80 ngàn đồng/lít. Để gắn bó với nghề nấu rượu cũng lắm gian nan và thử thách. Bà con nhân dân bên cạnh nấu rượu còn kết hợp với làm kinh tế vườn – ao – chuồng, tận dụng phế phẩm từ nấu rượu, để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và bón cây.

Khách du lịch thường xuyên ghé thăm. Ấn tượng nhất là cách đây 2 năm (năm 2015), có đoàn khách du lịch đến từ xứ sở kim chi Hàn Quốc. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng trải nghiệm với bà con xuống bếp nấu rượu, chưng cất rượu. Chính tình yêu các giá trị văn hóa Làng nghề truyền thống đã xóa tan khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý, giúp tình hữu nghị quốc tế Việt – Hàn càng thắm thiết, gắn bó hơn.
Ngày nay, Làng nghề rượu Bàu Đá chỉ còn thưa thớt vài chục người gắn bó với nghề vì công kỷ, thời gian nhiều nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Do đó, trai tráng, thanh niên bươn chải kiếm sống, nhường chỗ cho phụ nữ, người già quẩn quanh bên lũy tre làng, ngày ngày nấu rượu, kiếm kế sinh nhai, gìn giữ cái vốn quý của nghề truyền thống cha ông…

“Cuộc chiến” thương hiệu

“Cuộc chiến” giành lại thương hiệu năm 2001 là một “cột mốc” đáng nhớ với người dân làng rượu Bàu Đá. Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh (Đà Nẵng) vào Bình Định mở Cơ sở Sản xuất – kinh doanh (CSSX-KD) rượu ở làng Cù Lâm và đăng ký nhãn hiệu rượu Bàu Đá Minh Anh (do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ công nhận). Từ đó, Công ty TNHH Minh Anh giành thế độc quyền khiến rượu Bàu Đá của các CSSX-KD rượu Bàu Đá tại địa phương bị “bóp nghẹt”, gặp nhiều khó khăn: Sản phẩm rượu Bàu Đá chính gốc Bình Định lại không được đưa vào bán tại siêu thị, cửa hàng... Thậm chí khi đưa rượu Bàu Đá chính hiệu ra thị trường ngoài tỉnh đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Sau nhiều năm liên tục khiếu nại, năm 2007, Hiệp hội SX – KD rượu Bàu Đá được thành lập và tồn tại song song thương hiệu “rượu Bàu Đá” (Bình Định) và “rượu Bàu Đá Minh Anh” (Đà Nẵng). Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá (Bình Định) bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký rượu Bàu Đá, thành phần chữ hoặc một biểu tượng để phân biệt với nhãn hiệu Minh Anh. Sau đó, Hiệp hội đã bổ sung logo kèm chữ “rượu Bàu Đá” để nhận diện thương hiệu của mình. Từ khi thành lập Hiệp hội và có nhãn hiệu, thương hiệu riêng, rượu Bàu Đá (Bình Định) dần tìm lại được chỗ đứng và tiếng vang của mình.

  Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất - kinh doanh rượu Bàu Đá cũng là người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh Rượu Bàu Đá lâu năm

Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định, cho biết: Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá hiện tại khoảng trên dưới 150 hội viên sản xuất và kinh doanh. Nghề truyền thống nấu rượu Bàu Đá được các cấp lãnh đạo, ban, ngành quan tâm và cho xây dựng thương hiệu. Phát triển mạnh mẽ được hơn chục năm trở lại đây. Ban đầu, Làng nghề có 33 hộ đăng ký sản xuất rượu Bàu Đá, nay chỉ còn 28 hộ còn duy trì, 4-5 hộ mới theo nghề, mong muốn kết nạp là hội viên nhưng còn khó khăn về mặt tài chính để hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Sự cạnh tranh khốc liệt, thị trường rượu Bàu Đá thật – giả lẫn lộn khiến nhiều nghệ nhân tâm huyết của làng lao đao. Nhiều loại rượu Bàu Đá giả tràn ngập, với giá rẻ 10 ngàn đồng/ lít đã tác động không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thương hiệu rượu Bàu Đá (Bình Định), gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn người SX-KD.

“Một thực tế đáng buồn là mặc dù được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, ban, ngành nhưng một số thành viên của Hiệp hội tỏ ra khá lơ là, ít tâm huyết với sản phẩm của mình. Chung Hiệp hội nhưng mạnh ai nấy làm, không thống nhất với nhau về giá cả, chất lượng rượu nên khó mà giữ được thương hiệu”, người đứng đầu Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá, trăn trở.

Để đồng hành cùng với sự phát triển của Làng nghề rượu Bàu Đá – Làng nghề duy nhất của tỉnh Bình Định có tổ chức Hiệp hội hẳn hoi, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định, Sở Công thương và Sở Du lịch… đã có nhiều dự án đầu tư, hỗ trợ, quan tâm kịp thời như: Ưu tiên các gian hàng trưng bày, nấu trình diễn rượu Bàu Đá trực tiếp tại các hội chợ, kết hợp phát triển Làng nghề rượu Bàu Đá gắn với du lịch… đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thương hiệu rượu Bàu Đá bay cao và vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Chia tay Làng nghề rượu Bàu Đá trên con đường bê tông thẳng tắp, thoang thoảng mùi rượu mới, lòng chúng tôi bồi cảm xúc với những nét đổi thay nhiều khởi sắc của cuộc sống nơi đây – bình yên, ấm áp đến lạ! Điều đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh những bà, những mẹ, những chị thoăn thắt đưa tay rót những vò rượu thơm phức cho vào bình có in nhãn hiệu logo “Rượu Bàu Đá”, sẵn sàng cung ứng ra thị trường, môi nở nụ cười rạng rỡ, ngập tràn hy vọng về tương lai tốt đẹp và niềm tự hào quê hương…

(Theo Minh Thảo – Kim Cương/Thời báo Làng nghề Việt)