Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Trung tướng Nguyễn Đức Soát phát biểu tại Hội nghị 

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 3 năm Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên và phát triển (11/11/2014 -11/11/2017).

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam - cho biết: Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng ẩn sâu trong lòng đất vẫn còn những hiểm họa do chiến tranh để lại. Danh sách các nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam đã lên tới hơn 100.000 người và vẫn chưa kết thúc. Gần 20% diện tích cả nước, trải khắp 63 tỉnh, thành phố vẫn đang bị ô nhiễm nặng bởi hàng trăm ngàn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, không chỉ uy hiếp tính mạng, sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng bị ô nhiễm mà còn tác động nguy hiểm đến sự an toàn và phồn vinh của đất nước.

Mặc dù công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở nước ta đã đạt được những kết quả to lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay góp sức của toàn xã hội, của mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Hơn thế, đây cũng là nguyện vọng của nhiều cá nhân có tấm lòng thiện nguyện mong muốn được tập hợp lại thành một tổ chức để hoạt động có hiệu quả hơn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Một tổ chức hợp pháp, tập hợp rộng rãi các lực lượng trong xã hội mở ra khả năng hợp tác quốc tế mới vì đáp ứng được yêu cầu hợp tác và phù hợp với thông lệ cũng như các quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 11-12/11/2014, Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã được tổ chức. Sau 3 năm thành lập và hoạt động, đến nay Hội đã có khoảng 1.500 hội viên với 18 chi hội địa phương. Hội đã đạt được nhiều thành tích trên nhiều phương diện về: công tác tuyên truyền, vận động; xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức; tham mưu và tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; công tác vận động nguồn lực xã hội của các hội viên; tạo nguồn sinh kế, hỗ trợ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn bom mìn.

Qua những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, Hội đã đề ra phương hướng cho hoạt động của giai đoạn 3 năm tới (2018 – 2020) như: Tập hợp, đoàn kết hội viên trong nước và quốc tế; phát triển cơ chế, chính sách cho các nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh; nghiên cứu phát triển công nghệ rà soạt các vật nổ chiến tranh; tăng cường hợp tác quốc tế…

Với những tâm huyết và kinh nghiệm của những hội viên, đặc biệt là những hội viên là cựu chiến binh, cựu quân nhân, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ là nòng cốt để tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng; là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Thủy Nguyên