Lễ ra mắt “Tuyển thơ Chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về”

 Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại buổi lễ.

“Tuyển thơ Chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về” với 180 bài thơ của 24 tác giả tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Olga Berggolts, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko…

Viết lời giới thiệu cho “Tuyển thơ Chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về”, TS. Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên thơ ca chiến tranh Nga được giới thiệu một cách hệ thống và chọn lọc, giúp cho bạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về một mảng văn học đặc trưng và nổi tiếng, góp phần tôn vinh nền văn học Nga...

Tuyển tập thơ "Đợi anh về" là một nhịp cầu văn hoá, góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên bang Nga; là nén tâm nhang biểu thị lòng thành kính tưởng nhớ của bạn đọc Việt Nam tới những người con của nhân dân Nga đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Liên Xô và nhân loại trong cuộc chiến tranh chống phát xít".

Phát biểu tại lễ ra mắt tuyển tập thơ, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Ngô Tấn Đạt  cho biết: Những bài thơ trong tập thơ chọn lọc này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu; qua đó tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Đó là sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và lạc quan tin tưởng. Như nhà mỹ học Borev đã nói: “Đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”.

Những độc giả yêu thơ ca Nga sẽ nhận ra nhiều bài thơ trong tập thơ này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga mà còn ở Việt Nam. Tuyển tập thơ sẽ mang lại cho nhân dân Việt Nam một sự hiểu biết và đồng cảm với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và nền văn học Xô Viết.

 Khán phòng chật kín người tại buổi lễ.

Trao đổi với phóng viên, bà Shafinskaia Natalia Valerievna, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đánh giá cao việc xuất bản tuyển tập thơ này. Đặc biệt, các dịch giả của Việt Nam rất giỏi. Cũng có nhiều dịch giả ở nhiều nước dịch thơ văn Nga, họ có thể nói được tiếng Nga nhưng chưa từng sang nước Nga nên chưa có đủ tình cảm trong khi dịch, chưa tưởng tượng nước Nga thế nào trong thực tế, chỉ biết nước Nga qua minh họa phim, sách.

Các dịch giả của Việt Nam đều sống và làm việc tại Nga nên họ hiểu được những nét đặc trưng của văn hóa và đời sống Nga, vì thế trong khi dịch có rất nhiều tình cảm về nội dung, làm tôi rất ấn tượng”.

Ông Bavykin Oleg, Trưởng Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Liên bang Nga cũng bày tỏ sự cảm kích đối với 2 dịch giả khi cuốn sách được dịch đầy cảm xúc và đến tay thế hệ trẻ Việt Nam, những người sống sau cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông cho biết với vai trò của mình sẽ tích cực giới thiệu tuyển tập thơ đến cộng đồng các bạn trẻ người Nga và các bạn trẻ Việt Nam.

Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ cảm tưởng: Đây là tuyển tập thơ đồ sộ nhất trong 30 năm trở lại đây, 2 dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã tâm huyết thổi hồn vào các bài thơ, sống trong bối cảnh lịch sử của các bài thơ, cho chúng ta thấy được từ trong máu lửa của cuộc chiến tranh, nhân dân Xô Viết đã làm nên chiến thắng, giải phóng Liên Xô và góp phần giải phóng châu Âu. Trong cuộc chiến tranh tàn khốc đó, nhân dân Liên Xô đã có một sự hy sinh vô bờ bến, đã thể hiện những phẩm giá cao quý nhất của tính cách Nga. Qua đó, làm cho chúng ta càng trân trọng về cuộc sống ấm no, hòa bình và hạnh phúc trên toàn thế giới.

Tập thơ ra đời với mong muốn mang lại cho độc giả Việt Nam một hiểu biết, đồng cảm với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và của nền văn học Xô viết. Tuyển thơ Đợi anh về được mong đợi sẽ đóng góp như là một chiếc cầu nối giữa Văn học Nga và Văn học Việt Nam.

Thúy Phạm