Hành trình xây dựng đế chế của “Vua nail” Charlie Tôn Quý

Charlie Tôn Quý 

Năm 1997, Charlie Tôn Quý bắt đầu kinh doanh nghề làm móng (nail) với cửa hàng đầu tiên của ông được mở ở Walmart (Mỹ). 20 năm sau, Regal Nails trở thành hệ thống nhượng quyền với gần 1.000 chi nhánh, chiếm 1,5% thị phần các cửa tiệm nail do người Việt làm chủ ở Mỹ. Doanh thu hằng năm ước tính gần 500 triệu USD. Charile Tôn Quý được ví như “ông vua” ngành nail ở Mỹ.

Ý tưởng tuổi 27

Trước khi thành lập Regal Nails, ông Tôn Quý điều hành công ty nhập khẩu các phụ kiện, hóa chất trong ngành chăm sóc móng có tên là Alfalfa Nails Supply. Công ty nhắm đến phục vụ khách hàng ở tiệm nail do vợ ông quản lý, họ muốn các sản phẩm chất lượng với giá chấp nhận được.

Ý tưởng thành lập chuỗi tiệm làm móng nhượng quyền nảy ra trong một lần đi mua hàng ở Walmart. Hôm ấy, ông Tôn Quý nhận thấy ở đây có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại không có một tiệm nail nào.

Lúc đó là năm 1997, ông mới 27 tuổi và dù rất tự tin với kế hoạch kinh doanh nhưng lại sợ rằng Walmart sẽ từ chối vì ông còn quá trẻ. Ông Tôn Quý thuê một người đàn ông 60 tuổi để cùng làm việc nhưng vẫn bị từ chối vì một tiệm nail trong Walmart là khái niệm rất xa lạ với những người quản lý vào thời đó.

Ông vẫn không nản. 6 tháng sau, nhận thấy một cửa hàng ngừng hoạt động, ông tiếp tục gõ cửa Walmart và lần này thành công. Trên thực tế, theo website nailsmag, tiệm Regal Nails đầu tiên được Bo Huynh thành lập vào năm 1996. Ông này có ý định mở rộng Regal Nails thành trung tâm mua sắm nhưng cảm thấy quá phức tạp nên hợp tác với ông Tôn Quý.

Về phần mình, ông Tôn Quý tự thiết lập một hệ thống gồm thiết kế nội thất, nguồn hàng... để hỗ trợ cho tiến trình nhượng quyền. Từ 2 cửa tiệm ban đầu, số lượng cửa tiệm Regal Nails tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, ước tính khoảng 100 cửa hàng mỗi năm.

Theo ông Tôn Quý, có 3 lý do giúp Regal Nails thành công. Thứ nhất là uy tín từ việc được gia nhập Walmart, cho đến nay phần lớn các cửa tiệm của công ty đều nằm trong hệ thống Walmart. Tiêu chí Walmart đưa ra rất đơn giản: sạch sẽ, dịch vụ chuyên nghiệp với mức giá tốt cho khách hàng. Regal Nails có đội ngũ thanh tra kiểm tra cửa tiệm mỗi 3 tháng một lần và phạt tiệm nào vi phạm các điều khoản về quản lý vệ sinh.

Thứ 2 là giá cả đầu tư và địa điểm luôn hấp dẫn. Điều này có được từ việc hợp tác với Walmart, các tiệm của Regail Nail thừa hưởng một lượng khách khổng lồ mà không tốn chi phí tiếp thị, ước tính khoảng 50.000 lượt khách mỗi tuần. Bên cạnh đó, giá thuê mặt bằng của Walmart cũng rẻ hơn, nhất là ở các thị trường có nhu cầu cao như New York, California và Florida. Theo website franchise năm 2007, giá mặt bằng một tiệm Regail Nails ở Walmart vào khoảng 2.800USD; con số này có thể gấp 5 lần ở các khu trung tâm mua sắm.

Thứ 3 là hệ thống quản lý ổn định đi kèm nguồn hàng dồi dào, chất lượng từ Alfalfa Nails Supply giúp việc thiết lập cửa tiệm được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Trung bình một cửa tiệm mới thành lập có chi phí khoảng 95.000USD. Các yếu tố này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người Việt nhập cư trong 20 năm qua.

“Ngành kỹ nghệ nail ở Mỹ trị giá gần 10 tỉ USD hằng năm, có khoảng 65.000 tiệm nail do người Việt quản lý. Với số lượng cửa hàng hiện nay chúng tôi đang chiếm 1,5% thị phần”, ông Tôn Quý cho biết.

Thực tế, thợ làm nail người Việt đã mở đường phong trào tiệm nail và thống trị hẳn ngành này tại Mỹ. Thậm chí, người Việt sở hữu tiệm nail ở mọi nơi trên đất Mỹ, không khác gì những quán cà phê Starbucks hay quán ăn nhanh McDonald’s. Sự khởi đầu nghề nail của người Việt bắt đầu hơn 40 năm trước, nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Tippi Hedren đã đến thăm một trại tị nạn người Việt ở California. Nữ minh tinh nổi tiếng đã đưa người thợ làm móng cá nhân của mình đến để dạy những người phụ nữ này và hy vọng họ có một công việc ổn định trên đất khách. Nhưng có lẽ bà Tippi và người thợ của bà cũng không thể ngờ rằng chính mình đã xây dựng ngành công nghiệp nail hàng chục tỉ USD mỗi năm và bị chi phối bởi những người Mỹ gốc Việt hơn 40 năm sau. Theo Tạp chí Nails, người Mỹ gốc Việt nắm hơn 40% ngành nail tại Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay, sức ép cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn. Theo Statista, số tiệm nail trên toàn nước Mỹ giảm từ 129.682 năm 2015 xuống còn 69.738 tiệm trong năm 2016, giảm 47%, tức cứ 2 tiệm nail thì có 1 tiệm đóng cửa. Xu hướng này đòi hỏi các tiệm nail ngày càng phải chuyên nghiệp và dịch vụ tốt hơn.

Cạnh tranh gay gắt khiến họ không thể thuê nhiều người dẫn đến tình trạng nhân viên có thể làm việc dài giờ và căng thẳng. Mức lương thợ người Việt rẻ hơn 10 lần ở Mỹ, người thì đông trong khi giá dịch vụ cả tay và chân chỉ dao động từ 20-25USD.

“Sự phá giá khốc liệt trong những khu đông người Việt Nam cư ngụ đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành nail của người Việt ở hải ngoại. Họ cần hệ thống nhượng quyền giúp thoát khỏi sự cạnh tranh về giá, đó là lý do Regal Nails được thành lập”, ông Tôn Quý nói.

Trên thực tế, Regal Nails cũng chịu sự cạnh tranh của thị trường. Từ năm 2007, Công ty đã đạt gần 1.000 cửa hàng nhưng ông quyết định dừng ở con số này để duy trì và tân trang các cửa tiệm.

Kế hoạch trở về

Ông Tôn Quý bắt đầu hành trình đến Mỹ năm 14 tuổi. Ông ở Philippines một năm trước khi đến Mỹ. Cuộc sống thời gian đầu ở nước ngoài của cậu bé 15 tuổi trong trí nhớ của ông là rất cực khổ. Đến Mỹ với hai bàn tay trắng, hầu như không có công việc tay chân nào ông không kinh qua để đổi lấy bữa ăn và chỗ ngủ qua ngày. Mặc dù vậy, ông vẫn duy trì thói quen siêng học có từ thời ở Việt Nam nên dù cơ cực ông vẫn hoàn thành chương trình đại học Louisiana State, chuyên ngành kỹ sư hóa học.

“Kể cả khi vào đại học, tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện kinh doanh. Đến khi một người bạn học Ấn Độ cược với tôi xem sau khi tốt nghiệp ai sẽ tìm ra 1 triệu USD trước tiên thì ý tưởng lập nghiệp mới nhen nhóm trong tôi”, ông Tôn Quý kể lại.

Chính vì thế, tốt nghiệp lúc kinh tế Mỹ suy thoái, việc làm khó khăn, Tôn Quý thành lập Alfalfa Nails Supply. Ngay khi nhận thấy cơ hội với Walmart, ông mở Regal Nails. Mặc dù vậy, ông cho biết ông mất 2 năm để tìm đam mê trong ngành này. Ông cho rằng, bản chất của Regal Nails là ngành dịch vụ nên ngoài chất lượng phục vụ, để sống tốt phải thay đổi thường xuyên và đáp ứng thị hiếu khách hàng. Một tiệm nail mà 10 năm không thay đổi, không có sản phẩm mới thì sớm muộn cũng bị thay thế.

Ông Tôn Quý cho biết màu sắc là yếu tố tiên quyết trong ngành nail, Công ty hằng năm thường xuyên tung ra thị trường các màu theo xu hướng thời trang, tươi tắn. Với kiến thức của mình, ông đã phát triển nhiều dòng nước sơn nổi tiếng như Regal, ANS, QT, Lexi, Beyond... Mới đây, Regal Nails còn đưa ra máy làm nước sơn DreaMau tại tiệm cho các đối tác nhượng quyền, có thể lựa chọn màu trộn bằng ứng dụng di động để thu hút khách hàng trẻ tuổi.

Khi được hỏi làm sao Regal Nails đảm bảo chất lượng đồng nhất của mình ở tất cả các chi nhánh nhượng quyền, câu trả lời của ông Tôn Quý khá bất ngờ. “Người Việt Nam rất khéo tay, siêng năng và chịu khó, tư duy làm dịch vụ rất tốt nên đây không phải là điều tôi lo lắng nhất. Điều tôi quan tâm là việc giữ vệ sinh và khử trùng cửa tiệm theo tiêu chuẩn Walmart”, ông nói.

Hiện tại, Alfalfa Nails Supply đang phục vụ cho 10.000 tiệm, Regal Nails đã vượt qua mốc 900 tiệm ở Mỹ, 80 tiệm ở Canada và vẫn đang trên đà phát triển. Có thể nói ở tuổi 35, ông có trong tay sự nghiệp nhiều người sinh sống trên đất Mỹ mong muốn.

Nhưng ông chưa muốn dừng lại, khi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng ở thị trường Canada và Mỹ. Ở Việt Nam, ông kỳ vọng sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên trong năm nay và 10 cửa hàng vào năm 2018, trải dài ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Mục tiêu hiện nay của ông là chạm mốc 2.000 tiệm nail nhượng quyền dưới thương hiệu Regal Nails.

“Tôi chỉ chú trọng vào những gì mình có sự đam mê và làm tốt nhất, đó là ngành nail”, ông Tôn Quý nói.

(Theo Công Sang/Nhịp cầu Đầu tư)