Diễn đàn đối thoại hợp tác công-tư cấp địa phương tại Quảng Nam

 

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe trình bày về bản chất, nguyên lý về mô hình đối tác công-tư (PPP), giới thiệu minh họa các dự án đầu tư theo hình thức công-tư thành công ở cấp Bộ, cấp tỉnh; quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, phương án thanh toán cho nhà đầu tư theo từng loại hình hợp đồng; trình bày thực tế các dự án PPP đang triển khai trên địa bàn các tỉnh,thành phố, những dự án dự kiến sẽ đầu tư và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án PPP, những bài học kinh nghiệm của các địa phương…

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mô hình PPP là mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện một dự án hoặc một dịch vụ mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ của nhà nước.

Việc huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân vào mô hình này giúp tiết kiệm chi ngân sách nhà nước cho một số dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công… góp phần dành ngân sách cho các chính sách xã hội, vùng khó khăn.Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1994-2009 đã có 32 dự án được triển khai theo hình thức PPP và lĩnh vực đầu tư chủ yếu là điện, nước, viễn thông.

Giai đoạn 2010-2014 có 186 dự án PPP được đề xuất gồm các lĩnh vực giao thông, môi trường, dịch vụ thương mại, văn hóa- y tế-nông nghiệp-năng lượng. Từ năm 2015 đến nay, số dự án PPP được đề xuất là 255 dự án, gồm các lĩnh vực như giao thông, môi trường, dịch vụ thương mại, văn hóa-y tế-nông nghiệp-năng lượng.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có chủ trương tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, trong thời gian qua, hình thức PPP cũng đã được đầu tư ở Quảng Nam với 7 dự án đi vào khai thác, hoạt động.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số vướng mắc cần tháo gỡ như việc hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư còn chồng chéo, kéo dài, chưa rõ ràng.

Cụ thể, việc thanh toán bằng tiền, quỹ đất, dịch vụ như thế nào thì chưa có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể dẫn đến địa phương có sự lúng túng. Đó là chưa nói đến việc xác định hình thức đầu tư giữa đề xuất của nhà đầu tư và đề xuất của cơ quan nhà nước. Riêng Quảng Nam đang rất tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để đầu tư phát triển.

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 của tỉnh Quảng Nam vào khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Do đó, Quảng Nam kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào các dự án, thứ hai là huy động các hình thức đầu tư PPP, chủ yếu thông qua hình thức khai thác quỹ đất. Quảng Nam cũng đang xây dựng danh mục 41 dự án giai đoạn từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 150.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, PPP là thuật ngữ mới trong đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên mô hình PPP thông qua các loại hợp đồng như BOT, BT đã được thực hiện tại Việt Nam nhiều năm qua.

Bên cạnh khung pháp lý được quy định và phải thực hiện chung, mỗi bộ, ngành, địa phương đều có bối cảnh, đặc điểm riêng, dẫn đến kinh nghiệm triển khai dự án BOT, BT của từng đơn vị cũng rất riêng biệt.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, phải xác định rõ là đầu tư theo hình thức PPP là hướng tới sự hài hòa lợi ích/rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân; nâng cao trách nhiệm, tính giải trình của tất cả các bên có liên quan… Từ đó, chúng ta mới tạo lòng tin và tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế./.

NGUYỄN SƠN (TTXVN/VIETNAM+)