Về Bảy Núi vui hội đua bò

 Hào hứng đua bò vùng Bảy Núi. Ảnh: Du Miên

Bảy Núi là tên gọi chung cho hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) để nhắc đến dãy núi hùng vĩ tạo nên sự đa dạng sinh thái và địa hình vùng đất này. Lịch sử hình thành suốt ba thế kỷ qua đã định hình được nét văn hóa đầy bản sắc của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận với nhau. Trong đó, Bảy Núi mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer Nam bộ lại vừa có nét riêng của vùng bán sơn địa. Ở vùng sông nước miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, người ta luôn nhắc đến hoạt động đua ghe ngo dịp Ok-Om-Bok thì ở An Giang có hoạt động đua bò dịp Dolta.

Ban đầu, đua bò chỉ là một vui đùa của dân cày. Mỗi khi cày đồng xong, còn sớm, người ta rủ nhau đua bò kéo cày. Dần dần hình thành nên một hoạt động văn hóa do nhà chùa tổ chức. Mùa cấy, các đôi bò khỏe đại diện các phum sóc đến ruộng nhà chùa thi cấy đua. Các đôi bò khỏe nhất được Sãi Cả, tức trụ trì nhà chùa, trao phần quà là dây nài khớp bạc hay lục lạc bò xinh xắn. Cứ mỗi dịp Dolta- lễ cúng ông bà của người Khmer- sau những lễ nghi mang tính tâm linh, hoài niệm về người đã khuất, là sôi động lễ hội đua bò. Người dân tập trung đứng trên bờ đê bao quanh thửa ruộng đua để cổ vũ. Còn bây giờ, đua bò trở thành một cuộc đua với nhiều giải thưởng giá trị. Trong năm, có thể có nhiều cuộc đua để vận động quyên góp xây chùa, giúp đỡ người nghèo hay chào mừng một sự kiện văn hóa- du lịch nào đó của địa phương. Dù vậy, người ta vẫn dành riêng một giải truyền thống, diễn ra đúng vào dịp Dolta do hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên đăng cai. Cuộc thi mở rộng cho mọi người trong vùng và các tỉnh bạn Campuchia tham gia để phát triển mối quan hệ cộng đồng hai bên biên giới.

Vào cuộc đua, các đôi bò đi một vòng sân trình diễn. Sau đó, từng cặp một trải qua hai vòng thi là vòng hô và vòng thả. Vòng hô là thi chạy hai vòng sân để làm nóng và cũng là dịp để các nài bò đánh giá năng lực lẫn nhau để vòng thả điều khiển bò chạy nhanh nhất về đích. Mặt ruộng xâm xấp nước, bùn nhão nhoẹt. Mỗi khi bò kéo cày chạy qua, nước văng tung tóe, vấy bẩn lên người. Nhưng ai nấy đều rất hào hứng, bám sát đường đua để cổ vũ. Có những lúc, bò chạy lạc khỏi đường đua, khán giả, nhiếp ảnh một phen chạy dạt ra để tránh.

Trước các cuộc đua quyết liệt này, mỗi huyện đều tổ chức cuộc đua riêng để tạo đà cho cuộc đua quan trọng cấp tỉnh. Các cuộc đua này thường ít người nhưng thể lệ, các vòng đấu đều diễn ra như cấp tỉnh. Vì vậy, để tránh chen lấn đông đúc, nhiều người tranh thủ xem vòng đua cấp huyện. Tuy nhiên, để trải nghiệm một cuộc đua kỳ thú, du khách nên chọn cuộc đua chính thức cấp tỉnh. Khi đó, các đôi bò khỏe nhất hội tụ về tranh tài. Hàng chục ngàn khán giả chen chúc đứng vòng quanh sân, leo lên cây và cùng hò reo cổ vũ mới thật đúng không khí ngày hội. Dường như lễ hội đã kéo mọi người gần lại nhau hơn và cùng chung niềm vui dù là dân tộc nào, ở vùng miền nào.

Tham dự lễ hội đua bò Bảy Núi, du khách cần ăn mặc gọn nhẹ và chút năng động để đối phó với những tình huống như bò chạy khỏi đường đua. Tránh trang phục màu sáng vì bùn văng. Đừng quên chuẩn bị cho mình áo mưa tiện lợi dùng một lần phòng khi mưa to. Nhưng nếu chơi hết mình, du khách cứ thoải mái tới sân. Sau cuộc đua, kéo nhau ra suối, ao nước hoặc giếng chùa, giếng làng xối rửa sình bùn, rất vui mà không tốn một khoản phí nào, kể cả khi khách xin nước từ nhà dân. Tuy nhiên, do tập trung đông người, kẻ xấu từ nơi khác đến lợi dụng để móc túi, giật tài sản là điều khó tránh khỏi. Do đó, du khách cần lưu ý giữ gìn tài sản, nhất là không đeo trang sức có giá trị trên người.

Du Miên/ Báo Cần Thơ