Tiệc không có trẻ con là buồn

 

1. S. Hotel là một thương hiệu du lịch nổi tiếng. Nhân dịp khánh thành ra mắt một số phòng mới - Launching Rooms and Suites Collection - S. Hotel có một party chiêu đãi, giới thiệu chương trình tham quan.

Anh từ chối mãi không được vì người bạn anh là một trong những Art Direction & Branding thiết kế chính mẫu của các phòng đó. Sau gần chục cú điện thoại, e-mail trao đổi qua lại, anh đã phải đến. “Nhớ mời cả chị, anh nhé!”. Một tin nhắn giờ cuối vào máy anh còn nhắc. Và để chứng tỏ lịch sự, tôn trọng bạn sau những cú trì hoãn không thành, anh đã đến, với vợ cùng thằng bé.

Và anh đã gặp bất lợi đầu tiên.

- Anh, trong điện thoại và e-mail em không có mời thằng bé. Anh nhớ không? - Art Direction nói, thoáng bối rối.

- Làm sao chú biết nó mà mời? - Anh đùa - Muốn mời nó cũng không có chức danh gì để mời... Nó phải đi theo ba mẹ thôi!

- Mong anh hiểu cho đây là một tiệc rất quan trọng dành cho các Vip là doanh nhân và những người nổi tiếng. Em sợ là sếp sẽ rầy rà...

Một ý nghĩ thoáng qua như tia chớp. Có quái gì quan trọng đến mức cấm trẻ con chứ? Mà thực ra nói cho đúng, anh phải mời thằng bé đến đây! Cho dù anh có là khách quý của Art Direction chăng nữa. Thằng nhóc có muốn đến mấy chỗ này đâu! Bởi nó chưa có ký ức gì về khách sạn, nhà hàng. Những nơi tiệc tùng giao tiếp của thế giới người lớn sang trọng. Và nữa, anh không thể đến dự cả hai vợ chồng được nếu không đem con theo. Nhà có ba người.

- Hay thế này. Anh ở lại dự tiệc. Em sẽ đưa con đi chơi. Em ít thời gian ở bên con do chuyến đi vừa qua!

- Chị nói.

Anh thấy hơi buồn khi nghĩ mình ở lại một mình giữa những kẻ xa lạ. Nhưng rồi anh nghĩ, thà thế còn hơn là sự tùy tiện của mình mà gây phiền phức cho người khác. Biết đâu, sau party, sẽ có những buổi rút kinh nghiệm và Art Direction sẽ bị rầy rà. Như thế có phải rơi vào tình huống xấu hơn không?

Anh vuốt má thằng bé - cái cảm giác mịn màng và thơm tho, anh thường làm vậy khi ở bên con - rồi nói:

- Vậy con đi với mẹ nhé!...

Thằng bé nhìn anh chờ đợi. Anh lại thấy chùng lòng:

- Hay con thích ở lại đây với ba?...

Rốt cuộc, nó đã đi theo mẹ. Nhìn nó vừa bước đi vừa ngoái lại nhìn, anh thấy se lòng. Còn lại một mình anh bắt đầu nghĩ đến việc thoát khỏi nơi này một cách hợp lý...

*

*              *

Dòng người quyền quý, sang trọng đang đổ về bao quanh anh. Những bộ vét tông, cà vạt sang trọng. Những váy đầm, váy xòe cũn cỡn. Những mông và đùi. Vú và eo. Khép khép. Hở hở. Những chảo nhàu son phấn. Những khuôn mặt to bự, thừa mứa, chảy mỡ. Cả bọn hoan hỷ tay bắt mặt mừng hú hí, ố la la tung hứng màn dạo đầu một vở hài kịch. Sân khấu và diễn tuồng. Nhưng có vở kịch nào hài hước, sinh động, bất ngờ, đáng để chờ đợi được xem khi thiếu những thiên thần trẻ con? Và câu hỏi lởn vởn trong anh. Thật tồi tệ! Không có trẻ con là gốc rễ xuất phát mọi rắc rối của vấn đề...

Quả nhiên anh đoán không sai! Cho dù nơi chốn đó danh giá đệ nhất chăng nữa!... Đầu tiên là ngồi vẹo cổ chờ tập hợp thành đoàn. Ông tây bà ta. Sau đó vút lên thang máy. Cô hướng dẫn viên vừa đưa mọi người đi xem loạt phòng mới vừa giới thiệu:

- Mỗi đời giám đốc S. Hotel lại có những thay đổi, đề-co mới. Đó là quan điểm luôn luôn vì thượng đế của chúng tôi. Lần này là ngài Luis X. - một tổng giám đốc người Pháp. Ngài đã có những cải đổi toàn diện. Đó là sự hòa hợp giữa Tây phương và Đông phương qua hai mẫu phác thảo lồng đèn và lồng chim. Tuy chỉ cách điệu bằng những họa tiết nhưng các anh chị sẽ dễ dàng nhận ra những đặc trưng văn hóa và truyền thống trang nhã riêng của mô típ trang trí này. Từ thảm, gương treo tường, phòng tắm... S. Hotel đều điểm xuyết những nét chính chủ đạo của trang trí đó...

Anh lướt đi trên thảm. Chẳng nghe mùi vị gì! Đang lơ ngơ nghĩ xem giờ thằng bé với mẹ nó đang đi đâu? Anh giẫm lên những chiếc lồng chim cách điệu hoa mỹ trên thảm, bất chợt nở nụ cười giễu cợt khi thấy mình muốn tìm nơi để giải phóng “chim đang hót trong lồng”. Chỉ có nước trôi là dễ chịu nhất! Cuốn phăng hết mọi sự ngưng đọng, rác rưởi. Nơi nào úng ngập, dềnh dứ là nơi ấy có sự bẩn thỉu, dối trá!...

Dòng khách thượng lưu tiếp tục trầm trồ không ngớt khi các hướng dẫn viên tiếp tục đưa họ lên các tầng cao hơn để giới thiệu các launching rooms. Có đủ thứ hạng. Một thế giới sang trọng mênh mông. Phòng ngủ, phòng tắm, bàn làm việc, tủ lạnh, hồ bơi... đều có những cách điệu hình tượng và hiện đại. Anh lướt nhìn trong một chiếc gương kiểu mới được giới thiệu là “soi chuẩn mực”. Bất ngờ nó đang chộp bắt những cặp mông khổng lồ núng nính, những vòm họng to bè nở nang, những vẻ hiền lành nai tơ, những đôi mắt cong vút lông mi giả, cả cái nhún vai, điệu đàng tiếng cười kiềm chế quý phái. Rõ khổ! Càng rõ càng không biết chuẩn mực thế nào. Chỉ duy nhất anh dừng lại hơi lâu trước một phòng tắm khá đẹp. Có hồ bơi nhỏ, được chắn kính trong suốt. Ở bất cứ vị trí nào của căn phòng này từ phòng ngủ, xem phim, bàn làm việc đều có thể nhìn thấy người khỏa thân tắm ở trong. Căn phòng đặc biệt này theo hướng dẫn viên là cao cấp nhất của khách sạn và chỉ còn thua cấp đặc biệt dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia hay tổng thống! Nó có giá một ngàn đô mỗi đêm. Anh chợt nghĩ đến thằng nhóc. Nếu có nó ở đây chắc sẽ khoái dữ! Ở nhà mỗi lần thằng nhỏ tắm đều nghịch giỡn với nước rất lâu. Nó có một điệu nhảy rất kỳ lạ, vui nhộn và nó thường phấn khích nhào lộn giữa dòng nước, hét rất to: “Ba, ba vào tắm với con đi! Con sẽ biểu diễn bài Gangnam Style dưới nước cho ba xem. Ba thấy chưa? Vai chính cũng đâu có được như vậy?...”. Nó học ở đâu chữ “vai chính” làm anh thấy rất khoái. “Vai chính cũng đâu có được như vậy” anh càng khoái hơn! Nó lắc mông và đung đưa con chim. Cái vòi bé tí him vung vẩy nhìn ngộ dữ! Đó là lý do tại sao hình ảnh các chú bé bắt chim đái trong nhiều bức tranh vẽ đề tài công giáo mà nhà thờ vẫn công nhận. Nước thiên đường.

Anh bước tới sờ sẫm cái rô-bi-nê kiểu mới dáng thật mạnh mẽ. Bất chợt anh thở dài. Lồng đèn thì đẹp thật. Nhưng lồng chim ác liệt hơn. Đến lúc nào đó “chim” và “đèn” vứt đi chỉ còn “lồng”! Như mẫu mã cái vòi này. Đẹp quá! Cũng chỉ để xả và giữ nước. Thiết kế mỹ miều thế này có nhà design nghĩ đến cái vòi muôn năm không gỉ không nhỉ?...

*

*           *

Tiệc đứng chờ phát thức ăn là món cuối cùng anh được nếm trong bản thực đơn của party S. Hotel. Nền kinh tế khó khăn suy thoái đã ảnh hưởng hầu hết lĩnh vực đời sống. Đánh vào thói xa hoa và bi hài của con người. Anh được trải nghiệm những phút giây quý báu, đặc sắc bật tung mọi ngóc ngách hay tháo mặt nạ các nhân vật chính trên sân khấu hài kịch toàn vai quý tộc. Từng đoàn người ngoan ngoãn chen chúc xếp hàng chờ đến phiên được gắp thức ăn trên dĩa. Ban đầu thì nhiều cô nàng ăn mặc sang trọng lướt qua dãy người xếp hàng cười có vẻ chia sẻ, độ lượng, hiền lành. Sẵn sàng nhường chỗ cho kẻ khác, ngồi nép vào ghế sô-pha e ấp chờ đến phiên. Nhưng dòng người xếp chờ thức ăn không vơi đi mà mỗi lúc một đầy thêm. Các cô bắt đầu nhìn nhau hốt hoảng. Rồi không ai bảo ai xúi rụi vào hàng. Anh nhìn hàng người dài diễn viên đủ thứ hạng ngác ngơ, chộn rộn, cau có, đạo mạo, từ tốn, nôn nóng... đang rối rắm vừa nhìn đồng hồ vừa chờ tới phiên...

Và rồi anh nhận ra nút thắt bất ngờ của kẻ sắm vai. S. Hotel mời thượng khách, giới thiệu Launching Rooms mới, có cả phòng ngoại hạng của VIP hàng chục triệu một đêm rồi mời các thượng khách phải xếp hàng chờ đến lượt phát thức ăn. Sau khi thoát qua một hàng dằng dặc những người và người, toàn thân bốc rửa trong một mùi hôi nồng, cái dĩa đưa ra thì được một nhân viên te tái lăng xăng trải miếng bánh nhúng nước, rải tí thịt, tí tôm luộc xắt mỏng, tí giá hành... thành một cái gỏi bé tí bằng hai ngón tay thả lên dĩa. Mỗi đĩa “tối đa” chỉ được hai cái. Người bưng dĩa đi mà mặt còn ngơ ngác như không hiểu vì sao! Dòng người vẫn kiên nhẫn đeo bám theo hàng thôi miên vô tận. Anh nghĩ đến thằng bé. May quá! Chị đã dắt nó đi. Nếu có ở đây nó sẽ xếp hàng ra sao? Anh thả hai miếng gỏi vào bụng mà chẳng biết nó đã đi đâu? Anh chuẩn bị len qua xếp hàng để được lĩnh một ly rượu chát... Đôi khi trong tiệc tùng chúng ta chỉ cốt tìm được lý do chính đáng để ra về!... Đúng là thế giới không có trẻ con. Mọi thứ trởn trơ ra, phẳng lỳ, vô cảm...

*

*          *

Chị và con đến đón anh. Thằng nhóc hớn hở. “Tiệc có vui không ba?”. Anh trả lời con bằng một câu hỏi.

- Con thế nào? Nơi nào có trẻ con là vui à!...

- Thật vậy á ba. Nhưng vẫn có những chỗ cấm trẻ em mà ba?

- Ừ, người lớn cấm trẻ em đến để người lớn tự chơi với nhau. Nhưng các trò chơi của người lớn thì rất buồn!...

Nguyễn Hồng Minh (baoquangnam)