Độc đáo lễ hội mừng lúa mới của dân tộc K’ho

 Lễ mừng lúa mới của người K'Ho

Lễ hội thường được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch, cầu mong Thần lúa ban cho mọi người, mọi gia đình có cái ăn, cái mặc, ngày càng có cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc hơn. Nét độc đáo trong lễ hội mừng lúa mới của người K’ho đã được già làng K’Ken, ở thôn Tân Linh, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng kể lại chi tiết.

Hàng năm, dân tộc K’ho thường tổ chức Lễ hội mừng lúa mới khi mùa màng đã thu hoạch xong (khoảng tháng 12 cho đến tháng 1 năm sau). Lễ hội này bận rộn nhất là thời gian mang lúa về kho, cất trong bồ (nô lir bong).

Trước khi cắt lúa, chủ nhà thông báo cho mọi gia đình, họ hàng trong buôn làng: Năm nay, gia đình chúng tôi thu hoạch lúa trên 100 gùi to, lúa đầy bồ, thóc đầy kho, gia đình sẽ tổ chức ăn mừng và mời buôn làng cùng chung vui. Chủ nhà sẽ hiến một con trâu đực to nhất để ăn mừng. Vụ này được mùa bội thu nên gia đình phải gọi thêm họ hàng giúp công việc gặt hái cho kịp. Đến ngày hẹn, việc thu họach lúa cũng đã xong, gia đình chính thức mời mọi người trong làng đến cùng ăn, cùng uống vui mừng một năm thu họach được nhiều lúa gạo.

Già làng K’Ken cho biết: “Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội mong muốn gia đình được ấm no, thần lúa đã phù hộ chúng ta sản xuất được mùa bội thu, mọi khó khăn vất vả đều vượt qua, một năm được ấm no, đủ đầy. Mừng lúa mới, cầu khấn thần linh, mong thần linh tiếp tục phù hộ, mong vụ mùa năm sau gia đình sẽ làm ăn phát đạt hơn’’.

Người K’ho quan niệm: Lễ hội mừng lúa mới là dịp để bà con trong làng được cầu khấn Thần lúa phù hộ cho cuộc sống bon làng ngày càng được no ấm và bình yên. Vật tế lễ thần lúa (Hòi ndu yàng kòi) thường là con gà, con heo và rượu cần. Các gia đình khó khăn thì hiến tế bằng con gà; gia đình có điều kiện hơn thì cúng bằng con heo.

Già làng K’Ken cho biết thêm: “Vật cúng thần lúa phải có có mâm, gùi nhỏ (Khiao kòi), 3 cái chén đựng vật cúng. Chén thứ nhất là đựng rượu cần, chén thứ hai đựng tiết gà hoặc heo, chén thứ ba đựng cháo. Đây là 3 cái chén để cúng Yàng. Cây nêu gia đình cũng phải dựng, năm nào thu hoạch được nhiều lúa gia đình sẽ tổ chức lễ lớn, mời cả bon làng ăn mừng và sẽ dựng cây nêu, vật tế thần là phải con trâu’’.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, ông chủ lễ hoặc chủ nhà (đàn ông) thực hiện các nghi lễ mừng lúa mới tại kho thóc của gia đình. Trong thời gian này, mọi phụ nữ không được vào kho, vì người K’ho quan niệm rằng: Phụ nữ không sạch thân thể, nhất là kỳ đến tháng…, sẽ làm cho Thần lúa (ndu yàng kòi) nổi giận, năm sau sẽ không phù hộ cho gia đình nhiều lúa gạo nữa. Do vậy, chỉ có đàn ông, con trai mới được vào kho lúa để thực hiện nghi thức lễ mừng lúa mới.

Già làng K’Ken hát lời cầu khấn thần lúa (Hòi ndu yàng kòi) như thế này: “Ơ thần lúa! Mong thần lúa về đây chung vui cùng gia đình. Hôm nay, gia đình chúng tôi tổ chức Lễ hội mừng lúa mới, mong thần lúa phù hộ độ trì, ban cho gia đình luôn ấm no, lúa ăn không hết, có của ăn của để. Gia đình mời tất cả các thần linh cùng với thần lúa hãy cho chúng tôi luôn khỏe mạnh, làm ăn phát đạt hơn trong vụ mùa tới ….Ơ thần ….!”.

Lễ hội mừng lúa mới của người K’ho vẫn còn được gìn giữ và bảo tồn, với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mừng cho cuộc sống ấm no, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mùa tới 

Khi khấn thần lúa xong, con gà tế sẽ được cắt tiết và bôi lên tất cả những nơi gia chủ tin là có thần linh trú ngụ. Trong kho thóc từ bàn thờ đến bồ lúa, nong nia, gùi nhỏ, trên cánh cửa… đều được gia chủ bôi tiết. Sau đó, chủ nhà mời mọi người uống rượu cần ngay tại kho thóc.

Sau đó, con gà sẽ được mang làm vật cúng tại bàn thờ nhà ở. Gà được nướng (hoặc luộc), bộ lòng gà cũng được đặt lên làm vật cúng.

Tiếp đó, họ hàng, làng xóm cùng với gia đình vào tiệc mừng lúa mới. Họ chúc tụng nhau, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cầu mong vụ mùa tới gia đình sẽ thu hoạch được nhiều lúa hơn… Cuộc vui kéo dài cho đến khuya. Có gia đình còn tổ chức cuộc vui cho đến gà gáy sáng hôm sau mới tàn.

Đến nay, Lễ hội mừng lúa mới của người K’ho vẫn còn được gìn giữ và bảo tồn, với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mừng cho cuộc sống ấm no, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mùa tới. Lễ hội này gắn với cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của người K’ho Sre làm lúa nước.

Già làng K’Ken cho biết: “Lễ hội này là lễ hội đã có từ thời xa xưa, là truyền thống dân tộc, do ông bà tổ tiên để lại. Đến thời của tôi, tôi cũng truyền lại văn hóa truyền thống-Lễ hội mừng lúa cho con cháu thế hệ sau, để họ tiếp tục giữ gìn và phát huy lễ hội truyền thống của bon làng mình”.

Ngày nay, bà con dân tộc K’ho đã có sự giao lưu cùng các dân tộc khác để cùng nhau phát triển, xây dựng cuộc sống mới. Lễ hội mừng lúa mới được giữ gìn là một nét đẹp trong văn hoá cộng đồng, mang ý nghĩa biết ơn tổ tiên, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mừng cuộc sống có cái ăn, cái mặc, có sức khỏe để tiếp tục làm ra của cải, vật chất, đoàn kết bon làng, là một việc làm rất đáng trân trọng./.

(Theo K’Brọp/VOV-Tây Nguyên)