Nỗ lực giữ tiếng Việt cho con em kiều bào

 

Các thầy cô giáo thăm Nhà thờ Phát Diệm. Ảnh Phượng Phi (TCQH)  

Hoạt động đi thăm Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình nằm trong khuôn khổ chương trình Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN ngày 19-20/8 vừa qua là một hoạt động thực tế được các giáo viên kiều bào rất hoan nghênh. Tại đây, ngoài được tham quan các danh lam thắng cảnh, ghi nhận các câu chuyện lịch sử, danh nhân đất Việt ở Cố đô Hoa Lư... để làm giàu thêm kiến thức lịch sử văn hóa quê hương, thì đây là dịp rất quý báu để các thầy cô giáo gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về kinh nghiệm cũng như thực trạng việc giảng dạy tiếng Việt của mình ở nước sở tại.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sớm, giáo viên dạy học tại tỉnh Nakhon Phanom, Trưởng đoàn giáo viên kiều bào tại Thái Lan, cho biết ở Thái Lan, các lớp dạy tiếng Việt đều do các cựu giáo viên kiều bào tình nguyện tham gia giảng dạy, không lĩnh lương với tinh thần phục vụ cộng đồng và tinh thần trách nhiệm cao đáng khâm phục.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, các lớp học được tổ chức ngay trong chùa Khánh An; không chỉ riêng các cháu con em kiều bào mà cả người lớn, các bậc cha mẹ, các nhà sư và con em của dân bản địa cũng tới học. Nhà trường cũng được các doanh nghiệp giúp đỡ đầu tư trang thiết bị dạy học như bàn ghế và địa điểm học. Còn ở các tỉnh khác, các thầy cô phải tự cung tự cấp, sắm bàn ghế, bảng, phấn và chọn địa điểm (thường là dùng nhà mình) làm lớp học.

Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tạo không khí tươi vui, kích thích niềm say mê học tiếng Việt cho các cháu, làm sống lại không khí học chữ Việt sôi nổi của thời kỳ 40 năm về trước, các thầy cô giáo động viên các em  tham gia “Cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 

Kết quả từ chỗ chỉ có vài ba địa phương duy trì lớp học tiếng Việt với số lượng học sinh không nhiều, từ đầu năm đến nay, phong trào dạy và học tiếng Việt không chỉ đóng khung ở một, hai tỉnh mà nó đã lan tỏa ra hơn 10 tỉnh nơi có kiều bào cư trú.

Cô Sớm cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, các thầy cô giáo vẫn còn gặp khó khăn về ngôn ngữ Việt. Khả năng truyền đạt tiếng Việt của các thầy cô tại địa bàn Thái Lan không đồng đều do nhiều năm không được đào tạo, bồi dưỡng nên khả năng nghe, nói và viết còn hạn chế. Hơn nữa các thầy cô giáo có tâm huyết ngày càng lớn tuổi, trong khi thế hệ trẻ kế cận chưa được đào tạo bồi dưỡng kịp thời.

Do các thầy cô tình nguyện dạy học bằng tâm huyết, thiếu chuyên môn, lại thêm khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, giáo trình... nên việc dạy học chưa đạt được chất lượng cao. Còn các em học sinh thuộc thế hệ thứ 3, 4, thì không có nhiều thời gian dành cho việc học tiếng Việt, vì phải đảm bảo kiến thức học trong chương trình phổ thông, do đó vốn tiếng Việt cũng dần bị mai một.

Cô Sớm mong muốn Nhà nước ta tiếp tục có những chính sách quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ giảng dạy,...; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên mở khóa tập huấn cho các thầy cô về các phương pháp giảng dạy tiếng Việt phù hợp với trình độ giáo viên về tập huấn, đặc thù từng địa bàn nơi kiều bào đang sinh sống; Chính phủ tiếp tục quan tâm cấp học bổng cho con em kiều bào nhằm thu hút thế hệ trẻ về nước tham dự các khóa học, các chương trình đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt chính quy, dài hạn làm nòng cốt cho thế hệ lãnh đạo hội đoàn sau này cũng như tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng.

Nghe hướng dẫn viên giới thiệu ở Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh Phượng Phi/TCQH

Trao đổi về việc dạy và học tiếng Việt, cô Lâm Quế Kim đến từ thành phố Đào Viên của Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, lớp dạy tiếng Việt do cô mở ra có số lượng học sinh khá đông, trong đó có khoảng 50 học sinh là con em kiều bào (chiếm 1/3), còn lại là người bản xứ; các em học sinh rất nhiệt tình và chăm chỉ học tập; phụ huynh các em rất quan tâm đến việc học tiếng Việt cho con em mình. Theo cô Kim, học sinh ở nước ngoài hay trong nước bắt đầu học tiếng Việt tiếp cận sách tiếng Việt cơ bản đều rất hữu ích... Tuy nhiên, sách giáo khoa tiếng Việt cơ bản do Việt Nam xuất bản và bán tại Đài loan khá hiếm, hy vọng trong tương lai Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ Giáo dục Đài Loan sách tiếng Việt lớp 1 tập 1,2... Cô Kim cũng cho biết, hiện nay chính quyền Đài Loan tiến hành chính sách "Tân hướng Nam", nên chú trọng vấn đề giáo dục cho con em Đài Loan và con em người Việt học tiếng Việt, bên cạnh đó là đào tạo giảng viên tiếng mẹ đẻ cho những di dân mới. Cô Kim hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN để các thầy cô giáo có thêm cơ hội về Việt Nam học tập.

Ánh mắt đầy nhiệt huyết, cô giáo Hoàng Thị Vân đến từ Ukraina chia sẻ tình hình học và dạy tiếng Việt ở Ukraina có nhiều thuận lợi hơn như điều kiện cơ sở vật chất tạm ổn, giáo viên nhiệt tình năng động, bám trường, bám lớp, có tinh thần trách nhiệm cao, học sinh ngoan, số lượng học sinh tương đối ít nên việc quan tâm đến các em được sát sao và thuận lợi; đặc biệt phụ huynh các em rất quan tâm đến việc giữ gìn tiếng Việt, tạo sự khích lệ động viên lớn cho các em học sinh và các thầy cô giáo. Đồng thời lớp học cũng nhận được nhiều sự quan tâm của Hội người Việt tại Ukraina, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội thanh niên... Nhưng điều làm cô trăn trở là vốn từ vựng tiếng Việt của các em để giao tiếp chưa nhiều, chưa phong phú. Các em được luyện đọc, luyện viết nhưng để hiểu được nội dung và viết đúng con chữ là điều còn khó khăn, môi trường tiếng Việt lại hạn chế, hơn nữa còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đúng mức, chưa đánh giá cao việc giáo dục ngôn ngữ - văn hóa Việt cho con em mình, sự nhận thức đó dẫn đến nhiều thanh thiếu niên Việt ở nước sở tại không hiểu lối sống và văn hóa Việt Nam. Đó là một thiệt thòi lớn không chỉ của cá nhân mà cho cả dân tộc Việt. Về cơ sở vật chất thì còn thiếu thư viện, sách nghiệp vụ cho giáo viên, thiết bị đồ dùng dạy học…

Cô giáo Trần Thị Thu Hiền đến từ thành phố Tân Trúc, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, đối tượng dạy tiếng Việt của cô là các em học sinh và người lớn, nên các thầy cô giáo phải lựa chọn cách dạy và tài liệu giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng; đồng thời luôn tìm tòi và sáng tạo các phương pháp dạy học trực quan, gần gũi để các em dễ học, dễ tiếp thu như mua nhiều nón lá ở Việt Nam để làm dụng cụ dạy học, hay biên đạo nhiều bài múa truyền thống của Việt Nam... Với phương pháp giảng dạy như vậy, cô Hiền đặc biệt thích những chương trình đi thực tế như thế này vì nhờ vậy cô sẽ thu thập được nhiều tài liệu và hình ảnh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, món ăn của Việt Nam... để đưa vào các bài giảng của mình.

*

Để đến và trụ lại với việc dạy học tiếng Việt cho con em kiều bào, mỗi giáo viên đều gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính sự nhiệt huyết, yêu trẻ, mong muốn giữ gìn tiếng Việt, cội nguồn văn hóa dân tộc cho thế hệ con em đã giúp họ vượt qua tất cả để truyền đạt kiến thức và kỹ năng tốt nhất tới các em.

Phượng Phi