Giàu làm kép hẹp làm đơn

Với các ý nghĩa đó, người Việt gọi cái áo có hai lần vải là áo kép, chiếc lá cây gồm hai lá chét gọi là lá kép, cửa sổ hai lớp gọi là cửa sổ kép, bị thiệt thòi nhiều bề gọi là thiệt đơn thiệt kép, mưa gió giãi giề gọi là gió kép mưa đơn, v.v. “Kép” và “đơn” trong câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” chính là nằm trong tương quan ngữ nghĩa ấy.

Trong văn chương Việt Nam, chúng ta thường biết đến nhiều câu đối rất hay của cụ Tam nguyên Yên Đổ, trong đó câu đối mà Nguyễn Khuyến cho người cô đầu ở Hà Nam để thờ mẹ cô, cũng vốn là cô đầu, nhân ngày giỗ:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ. Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con”.

Trong câu đối này, Nguyễn Khuyến đã hóm hỉnh mà lồng câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” vào để an ủi người cô đầu, làm mát dạ người “nơi chín suối”. Câu tục ngữ dùng trong vế đối này hàm chỉ mức độ to nhỏ của việc làm giỗ: nhà giàu có khả năng kinh tế thì làm cỗ to (kép), còn nhà nghèo, eo hẹp kinh tế thì làm cỗ nhỏ (đơn), tùy theo gia cảnh. Câu tục ngữ trên, ngẫm cho kĩ nhiều khi được hiểu với nghĩa rộng còn là cách thể hiện niềm tự hào kín đáo của một người biết lo liệu, thu xếp cho cuộc sống phù hợp hoàn cảnh riêng của mình:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, cơ cực đường nào, liệu đắn đo là kẻ phải.

Đôi khi, trong sử dụng, câu tục ngữ này có dạng rút gọn là “giàu kép, hẹp đơn”. Về nghĩa, dạng đầy đủ và dạng rút gọn của câu tục ngữ đang xét không có gì khác biệt đáng kể.