Đoàn Trại hè Việt Nam 2017 tham quan Chợ nổi Cái Răng

Theo Bến Khởi My, các bạn trẻ lên tàu nhỏ tham quan Chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, sở dĩ nơi đây gọi là chợ nổi vì nó trôi nổi trên sông, người buôn bán nhóm họp bằng xuồng, người đi mua cũng bằng… xuồng.

Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, gọi là “cậy bẹo” trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có.

Trước khung cảnh trời, nước mênh mông một vùng, dường như mọi người đều cảm thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn, cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách đến lạ của những con người vùng sông nước Hậu Giang.

Tò mò vì chưa từng được nhìn thấy chợ nổi của vùng sông nước, em Ngô Phương Linh – đại biểu về từ Rumani - ​đã vô cùng thích thú khi nói về cách thức bán hàng tại chợ nổi: “Rất kì lạ! Em thấy mỗi ghe lại treo một cây xào, mà tiếng địa phương gọi là “cây bẹo”, người mua căn cứ vào mặt hàng treo trên đó mà mua hàng. Ví dụ như, nếu ghe chuyên bán dừa thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài quả dừa, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài mà không cần trưng biển hiệu “ở đây có bán dừa” hoặc “ở đây có bán xoài”.

Dù không nói được tiếng Việt, phải nhờ bạn bè dịch lại những lời hướng dẫn viên nói, nhưng em Khizane Mohaed – đại biểu về từ Algerie – chia sẻ: “Em ​đặc biệt thích thú khi thấy cảnh giao hàng của các thương nhân từ thuyền nay sang ghe khác, kẻ tung người nhận nhịp nhàng. Hơn nữa, cho dù thuyền bè tấp nập nhưng lại không xảy ra va chạm gì”. 

Chợ nổi Cái Răng là một trải nghiệm khó quên khi được tận hưởng không khí trong lành, làn gió mát rượi của sông nước hòa quyện cùng tiếng máy nổ, tiếng mái chèo và sóng vỗ mạn thuyền, tiếng mua bán rộn rã cả khúc sông.

Kết thúc chuyến thăm Chợ nổi Cái Răng nhưng nét đẹp dân dã mà không kém phần độc đáo của miền sông nước miền Tây đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các bạn trẻ.

Buổi chiều, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đã đến tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã có buổi tiếp thân mật và chào mừng Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đến với Sóc Trăng. 

Nhân kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, nhằm tri ân, ghi nhớ công ơn của những người có công với cách mạng, Đoàn đại biểu kiều bào đã gửi tặng 12 món quà trị giá 12 triệu đồng tới 12 gia đình chính sách, có công với cách mạng tại TP Sóc Trăng và một món quà trị giá 5 triệu đồng tới Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp đó, Đoàn đã đi tham quan Chùa Dơi - ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng.

Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này.

Nhưng trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán, năm này qua năm nọ. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành "Cái Răng", rồi trở nên địa danh của nơi này.

Thủy Trần