Trọn tình với nghề xưa

Chúng tôi về xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ghé vào nhà ông Phạm Ngạt (83 tuổi) dù giữa trưa nhưng ông vẫn miệt mài chẻ lạt, bện lá dừa. Ông đang tranh thủ làm cho xong tấm áo choàng che mưa, che nắng từ lá dừa để giao cho Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ông cười, bảo: "Cứ sáng thức dậy được sờ vào tàu lá dừa là lòng tôi vui rồi. Đến tuổi này, con cháu có đứa nào chịu cho tôi làm nghề nữa đâu, nhưng không làm ngồi trong nhà nhìn những lá dừa xanh mơn mởn, tay chân lại không yên...".   

Thú vui nghề xưa

Những tấm mái che kết từ lá dừa khô do một tay ông Ngạt làm, chuẩn bị vận chuyển giao cho khách ngoài Lý Sơn trông rất bắt mắt. Nhìn thành phẩm mình làm ra, bao nhiêu mệt mỏi của ông đều tan biến. Ông Ngạt kể: Thời gian gần đây có nhiều đơn hàng đặt làm tấm mái che từ lá dừa, nhất là khi Lý Sơn phát triển du lịch, nhiều hàng quán cà phê, nhà hàng... cũng tìm đến cơ sở của ông đặt hàng và có cả khách hàng từ các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Quảng Nam...
 

 Ông Phạm Ngạt kết tấm mái lợp từ lá dừa

 "Cha mẹ, ông bà tôi khi sắp nhắm mắt xuôi tay vẫn dặn con cháu giữ gìn rừng dừa nước, vì đó là nét đẹp của quê hương và cũng là nguồn sống nuôi lớn bao thế hệ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên lời dặn dò ấy", ông Ngạt tâm sự. Chính vì lẽ đó mà dù tuổi đã cao, nhưng ông Ngạt vẫn say mê cùng những tấm lá dừa.

"Cha mẹ, ông bà tôi khi sắp nhắm mắt xuôi tay vẫn dặn con cháu giữ gìn rừng dừa nước, vì đó là nét đẹp của quê hương và cũng là nguồn sống nuôi lớn bao thế hệ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên lời dặn dò ấy".

Lão nông Phạm Ngạt (83 tuổi), thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)

Khi đến mùa chặt lá dừa, dù thuê người chặt lá, nhưng ông Ngạt vẫn đi theo để mang lá về. Lá dừa chất lên xe đạp còn cao hơn cả người ông. Chở lá dừa về nhà, ông lại đem phơi khô. Để kịp giao hàng cho khách, gần đây, cứ 12 giờ khuya ông lại thức dậy, chong đèn, ngồi kết tấm mái che từ lá dừa.

Làm nghề để giữ rừng dừa nước

Tại xã Tịnh Khê, không chỉ riêng những người cao tuổi như ông Phạm Ngạt vẫn vui với nghề, mà còn khoảng 30 hộ, ngoài công việc đồng áng vẫn tranh thủ thời gian đi chặt lá dừa về kết tấm mái che. Bà Nguyễn Thị Nhung (57 tuổi), ở xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định đã gắn bó với rừng dừa nước và nghề làm tấm mái che từ lá dừa từ khi lên 10 tuổi. Bà Nhung cho biết: Làm nghề kết tấm mái che từ lá dừa rất dễ. Nhìn qua là có thể làm được. Ngày trước từ lá dừa có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như võng dừa, chổi, mũ... bây giờ mấy thứ đó không còn sử dụng, chỉ còn duy nhất là tấm mái che lợp nhà từ lá dừa vẫn còn chuộng.

 Vẻ đẹp thanh bình của rừng dừa nước xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi)

Hiện nay, giá một tấm mái che từ lá dừa là 25 - 30 nghìn đồng. Một ngày, một người có thể kết được khoảng 5 - 7 tấm mái che. Tuy đây không phải là nghề chính, nhưng cũng giúp cho các hộ dân nơi đây có thêm thu nhập từ sản phẩm lá dừa. "Tuy nghề này thu nhập không cao, nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm cũng có thêm đồng ra, đồng vào chi phí cho sinh hoạt gia đình. Đặc biệt là giữ được rừng dừa nước mà ông cha để lại", bà Nhung chia sẻ.

Ở "xóm dừa nước", gia đình ông Nguyễn Bé (53 tuổi) cũng đang sở hữu 1 mẫu dừa. Trong chiến tranh, gia đình ông cũng sống nhờ rừng dừa nước. Khi hòa bình ông vẫn không bỏ nghề. Ngày đi làm đồng, thợ xây, tối đến lại chong đèn kết tấm mái che từ lá dừa. "Đến bây giờ chúng tôi vẫn gắn bó với rừng dừa nước, làm ra những sản phẩm từ lá dừa. Dù tiền ít, nhưng nó mang lại nhiều niềm vui cho gia đình tôi", ông Bé trải lòng.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho biết: Hiện nay, rừng dừa nước trên địa bàn xã còn khoảng 14ha. Khoảng 30 hộ dân vẫn đang tận dụng những tấm lá dừa để làm ra những tấm mái che. Nghề phụ này cũng giúp bà con kiếm thêm chút tiền và góp phần giữ được vẻ đẹp thanh bình của rừng dừa nước còn sót lại của quê hương.

(Theo Đăng Sương/ Báo Quảng Ngãi)