Cô gái đến phòng tôi

Cả một thời trai trẻ chợt ùa về trong tôi. Hồi đó, tôi là một phóng viên trẻ mới vào nghề, công tác tại tòa báo tỉnh. Sau một tuần bám bản, cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con dân tộc Ca Dong, tôi khoác ba lô theo lối tắt hạ sơn để về lại cơ quan nơi phố thị. Khi ngang qua suối Mây, tôi thấy người rét lạnh trong xương, chân tay bải hoải, đầu óc váng vất. Biết chắc bị dính sốt rét rừng, tôi cố sải bước tới ngôi nhà tranh tre nứa lá tạm bợ ở đầu xóm núi. Vừa tới nơi, tôi lên cơn sốt, nằm mê man. Chập choạng tối tôi mới tỉnh dậy. Mồm miệng đắng ngắt. Mắt nhòe mờ. Thấy tôi đã qua cơn sốt li bì, vợ chồng chủ nhà mừng vui khôn xiết. Chị vợ xuống bếp hâm lại nồi cháo rồi múc ra tô cho tôi ăn lót dạ. Còn anh chồng động viên: “Anh ráng ăn rồi uống mấy viên thuốc này. Khi chiều, lúc anh nằm quấn chăn như con tằm trong kén, tôi cuốc bộ ra Trạm Y tế xã xin thuốc về đây. Họ bảo, cũng không nghiêm trọng lắm đâu”. Tôi làm theo lời vợ chồng chủ nhà, ráng ăn hết bát cháo hành rồi uống thuốc. Và tôi thấy người khỏe dần.

Đêm ấy, trăng sáng. Tôi không ngủ. Anh chồng cũng không ngủ. Cả hai ra ngồi trước hiên nhà trò chuyện. Anh tên Bường, lớn hơn tôi gần một giáp. Sau bảy năm cầm súng làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K, anh trở về quê nhà, lập gia đình với Xuân - cô gái cùng làng, đã kiên gan chờ đợi với lời thề sắt son. Cưới nhau xong, anh chị chọn xóm núi này để lập nghiệp. Bởi nơi đây đất rộng người thưa, có gò đồi, suối khe, thuận lợi cho việc làm vườn trồng cây, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò… Do cần cù lao động, cuộc sống của họ khấm khá dần lên. Hai đứa con, một gái một trai, ngoan hiền. Không nói ra nhưng hai vợ chồng cảm thấy hạnh phúc đầy tay. Cứ đà này, chẳng mấy chốc họ sẽ tích cóp xây dựng được một ngôi nhà khang trang, mua sắm thêm phương tiện sản xuất để làm ăn. Nào ngờ… Cô con gái đầu lòng càng lớn càng đau ốm triền miên. Đưa con lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ cho hay cháu mắc bệnh tim, nếu không sớm phẫu thuật sẽ nguy hiểm đến tính mạng... Anh Bường thấy trời đất quay cuồng, đất dưới chân mình chao đảo. “Gia sản của tôi ở xóm núi khuất nẻo heo hút này, bán đâu được mấy đồng! Trong khi đó, chi phí cho một ca phẫu thuật tim rất lớn...”. Anh Bường nén tiếng thở dài bất lực nói.

- Hồi đó, nhờ có chú giúp đỡ...

- Ơ... Chú chỉ viết một bài báo nhỏ thôi mà!

Thu Hà bảo với tôi, bài báo ấy tuy nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn, rất lớn. Nhiều nhà hảo tâm, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thiện... đã chung tay giúp đỡ gia đình cháu. Những lá thư động viên cháu và gia đình cháu không nên bi quan trước hoàn cảnh ngặt nghèo. Những món tiền sẻ chia được gửi qua đường bưu điện. Kẻ ít người nhiều. Tích thiểu thành đa. Và chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình cháu đã có được một khoản tiền lớn, dẫu nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới. Có tiền, anh Bường dẫn con gái ra Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật tim. Gần một tháng sống ở cố đô, hai cha con lại trở về xóm núi với niềm vui khôn tả. Thu Hà đã bình phục hẳn. Móng tay, móng chân không còn tím rịm như xưa. Da dẻ cũng không còn xanh xao tái nhợt như một thời đã qua... Cầm ấm trà châm thêm trà vào hai chiếc tách trên bàn, tôi nhớ lại... Khoảng hai tháng sau, khi bài báo tôi viết về trường hợp thương tâm của cô bé Thu Hà được đăng trên tờ báo X., tôi quay lại xóm núi có con suối Mây. Tôi đem món tiền nhỏ mà mình quyên góp được từ bạn bè thân quen, giúp cháu. Chỉ có chị Xuân và cậu bé Hải ở nhà. Anh Bường đã đưa Thu Hà ra Huế... Nghề báo luôn cuốn xoáy tôi vào những sự kiện, sự việc. Công việc cứ ập xuống đầu dồn dập, thành ra...

Thấm thoắt đã hai mươi năm trôi qua. Cô bé Thu Hà ốm nheo ốm nhách ngày ấy, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ đoan trang. Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó cô bé ngồi nơi bậu cửa để tôi bấm mấy kiểu ảnh, cặp mắt đen lay láy mở to ngơ ngác. Cái khoảnh ấy đã lưu lại trong tôi, vì thế, lúc mới gặp gỡ tôi cứ ngờ ngợ... “So với hai mươi năm trước đây, trông chú không khác mấy! Vẫn dáng người gầy guộc. Chỉ mái tóc đã điểm màu muối tiêu...”. Thu Hà cười nói. “Ngược lại, cháu thay đổi tới mức chú không nhận ra! Từ một cô bé lọ lem, cháu đã trở thành một cô gái xinh đẹp...”. Tôi cũng cười bảo. “Được chú khen, cháu hãnh diện quá!”. Thu Hà đỏ mặt cười. Rồi Thu Hà kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Được các y, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống, cháu khỏe mạnh, học hành ngày càng tiến bộ. Tốt nghiệp trung học phổ thông, cháu thi vào Trường Đại học Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh. Đỗ với điểm số rất cao. Hôm cháu rời xóm núi vào chốn Sài thành hoa lệ, anh Bường trao cho con gái cuốn sổ tiết kiệm và bảo: “Đây là số tiền mà bá tánh đã giúp con phẫu thuật tim khi nhỏ, còn thừa. Không nhiều nhưng cũng đủ để con trang trải chi tiêu trong bốn năm học đại học. Đừng phụ công ơn của bao người đã cứu giúp con”. Thu Hà lặng người. Cháu không ngờ bài báo nhỏ của tôi hồi đó không những cứu sống mình, mà còn tạo điều kiện để học hành khi mặc áo sinh viên...

- Biền biệt bao năm không gặp chú để nói lời cám ơn, cháu quả là một người chẳng ra gì! - Thu Hà tự trách mình.

- Gia đình cháu cũng đã cưu mang chú lúc ốm đau dọc đường nhưng bao năm rồi...

Tôi bỏ lửng câu nói. Rồi tôi lái câu chuyện sang hướng khác. Thu Hà vẫn giãi bày những suy nghĩ của mình cùng tôi. Hồi còn học phổ thông ở quê nhà, chưa một lần bước chân ra khỏi huyện nên ngại. Lên đại học lại ở tít trong Nam. Ba tháng hè cũng ở trong đó tham gia công tác xã hội. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ, trình độ tiếng Anh nói - nghe - đọc - viết không chê vào đâu được, nhờ thế Thu Hà được tuyển dụng vào làm việc một công ty nước ngoài. Với năng lực thực tế chứng minh qua công việc được giao, Thu Hà nhanh chóng được công ty cất nhắc lên những vị trí cao hơn. Công ty mẹ ở Sài Gòn, còn các công ty con rải khắp Đông Nam Á. Thu Hà bay khắp nơi như thoi đưa. Hết ở Thailand lại sang Singapore. Hết ở Malaysia lại qua Philippines. Thi thoảng mới đáo về thành phố Hồ Chí Minh... “Bận rộn như thế, tại sao bây giờ cháu lại có thời gian rỗi để ngồi trò chuyện với chú?”. Tôi hỏi. Thu Hà cười. Rồi cháu cho tôi hay, lần này cháu xin nghỉ phép về quê để lo chuyện trăm năm. Chồng cháu cũng là người Quảng nhưng cả gia đình vào Nam làm ăn sinh sống từ những năm 80 của thế kỷ 20.

Trao cho tôi chiếc thiệp mời đám cưới bằng cả hai tay, Thu Hà trầm giọng bảo: “Chú là người cha thứ hai của cháu. Nếu ngày ấy không có bài báo nhỏ của chú, chắc chắn cháu đã về với đất. Bởi gia đình cháu khi đó quá nghèo khó, hai bên nội ngoại cũng chẳng có ai khá giả...”. Tôi hỏi chuyện nhà. Thu Hà không giấu được niềm vui. Ba mẹ vẫn mạnh khỏe. Cuộc sống cũng đã thong dong, không còn khó khăn vất vả như một thời đã qua. Cậu bé Hải ngày ấy, bây giờ đã trở thành chàng trai sức dài vai rộng. Cách đây mấy năm, ra trường với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, cu cậu về quê lập thân lập nghiệp. Có kiến thức sách vở, lại có cha là một lão nông tri điền, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, làm “cố vấn”, cu cậu mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả bán lúc nào cũng được giá như sầu riêng, măng cụt, thanh trà, thanh yên... “Khu vườn rộng cả chục héc ta trải dọc hai bên suối Mây ai nhìn thấy cũng mê. Bờ đá ngăn đất khỏi bị mưa lũ xói trôi chất thẳng băng, cây cối trồng ngay hàng thẳng lối, tươi tốt quanh năm, đẹp lắm!”. Thu Hà khoe. “Đám cưới cháu, chú lên chung vui với gia đình, chắc ba mẹ cháu mừng vui khôn tả. Và khi đó chú tha hồ đi dạo giữa vườn cây trái miền Nam ở xóm núi”. Thu Hà bảo với tôi.

Cuộc đời luôn có những chuyện bất ngờ khó mà đoán biết được. Như cô gái đến phòng tôi hóa ra là cô bé ngày xưa ở xóm núi có con suối Mây khuất nẻo hẻo lánh. Có ai hay, sau này cô bé ấy lại là một chuyên gia kinh tế có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á...

Nguyễn Tam Mỹ (baoquangnam)