Những cọng rơm vàng

Nắng tháng hạ vàng như tơ, rải nhẹ trên đường làng, không gian vương vấn một mùi thơm dìu dịu. Quê vào mùa gặt, rơm rạ bà con phơi ngập tràn trên các con đường làng thênh thang. Mùi rơm thơm thoang thoảng, gợi nhớ đến câu thơ rất đỗi quê nhà: “Đường làng rơm rạ với mùi thơm” (Đi giữa đường thơm - Huy Cận).

Rơm được nắng, khô giòn, vàng ruộm thơm ngai ngái khiến ta dễ dàng cảm nhận được mùi vị của phù sa đồng bãi, mùi mồ hôi nhọc nhằn của nhà nông đang vướng vít đâu đây. Cây rơm là một phần của hồn quê. Vị trí đặt cây rơm phải là chỗ cao nhất trong vườn để tránh nước mưa tù đọng làm oải mục rơm. Lên cây rơm là cả kỳ công của nhà nông. Trước đó, phải chọn cho được một cây tre đực thẳng, đóng cọc chắc chắn, có nhà thì trồng cây móc cũng được, vì cây móc bám rễ chắc dùng làm cọc nhiều năm. Lên rơm phải chọn những người đàn ông lực lưỡng mới đủ sức tung những bó rơm lên cao, người ở trên phải dậm lèn thật chặt để được cây rơm chắc chắn vững vàng trước gió bão. Bên cây rơm vàng, mẹ gà dắt bầy con cũng vàng như tơ đang tha thẩn kiếm ăn. Có hôm, gã gà trống hăng máu sĩ diện bay tuốt lên ngọn cây rơm cao chót vót, vươn cao cổ cất tiếng gáy râm ran cả xóm. Cây rơm vàng như một vệ sĩ đứng lừng lững góc vườn báo hiệu một vụ mùa tươi tốt, một năm làm ăn no đủ của nhà nông.

Nhà nông quý trọng, chăm chút từng cọng rơm. Nếu họ coi con trâu là đầu cơ nghiệp thì rơm là thức ăn dự trữ trọng yếu của trâu bò. Nắng hè oi ả, trâu cả ngày kéo cày mệt nhọc, tối về, lim dim mắt nằm nhai những bó rơm thơm nồng nã. Mùa đông rét mướt, gió mùa đông bắc lộng óc suốt ngày đêm, nhiệt độ âm, trâu bò không thể ra đồng gặm cỏ, nằm trong chuồng, khoan khoái nhai những cọng rơm ngon lành có trộn thêm ít cám ngô hay cám gạo pha với muối để tăng sức đề kháng. Cái lưỡi vươn dài, cuộn những sợi rơm vào miệng tiếng nhai rào rào. Những đêm đông thời dân mình còn đói nghèo, ổ rơm ở góc nhà đã ủ ấm bao giấc ngủ trẻ thơ, tránh được cái rét cắt da cắt thịt ngoài trời, quên đi cơn réo gọi của dạ dày lép kẹp vì đói. Ngày ấy, bố sắp những bó rơm bện thật phẳng phiu trên nền nhà rồi trải chiếu lên, lũ trẻ rúc vào nhau thin thít ngủ, không còn thon thót lo nửa đêm giá lạnh như có ai dội nước vào vì không có chăn bông đắp. Bây giờ nằm trong chăn êm đệm ấm, máy điều hoà nhưng sao vẫn nhớ cái ổ rơm nghèo ấm nồng năm xưa. Thuở nghèo trong rơm rạ mà tình xóm làng ấm áp thân thương. Cả xóm tập trung đánh tranh lợp nhà cho cặp vợ chồng trẻ mới ra ở riêng. Rạ dùng lợp nhà phải chọn những cây cứng cáp, cao ráo, dày thân, lợp lên mái nhà phẳng lì, nước mưa không thể ngấm vào được. Những buổi chiều, từ đồng xa nhìn về xóm nhỏ, làn khói mỏng thân thương bò ngoằn nghoèo trên mái bếp tranh tre, nhớ bữa cơm chiều quây quần gia đình ai cũng muốn rảo nhanh chân về nhà. Hình ảnh làn khói lam chiều ấy là nỗi nhớ kỳ lạ cứ níu giữ bước chân người đi xa.

Sinh ra và lớn lên ở quê, ai chẳng có một chút tình với rơm rạ. Ngày mùa, lũ trẻ con sướng nhất là được lăn lóc vật lộn với nhau trên đống rơm vừa tuốt xong còn tươi, thơm ngàn ngạt. Chúng vùi mình vào đống rơm mềm mại êm ái, những sợi rơm thơm thảo cọ vào mặt, vào cổ tạo cảm giác nhồn nhột khoan khoái, nhìn trời đếm sao rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cứ đến phiên chợ quê, có một cụ già lại quãy mỗi đầu khoảng chục chiếc chỗi rơm to nhỏ đủ loại đi bán, trang trải thêm cuộc sống, cụ lưng còng, chòm râu bạc phơ, vóc hạc in trên đường làng như đang mang trên mình cả hồn quê hương. Xưa, các cụ kén dâu hiền qua cách quét nhà bằng chổi rơm đấy. Cô gái lưng ong cúi lom khom đưa những lát chổi duyên dáng mà dứt khoát, những đường nét đàn bà hiện lên thật mềm mại đáng yêu. Người nông dân thật khéo tay bện nên chiếc chổi rơm óng ả để quét nhà quét sân và gửi vào đó biết bao ước mơ về một cuộc sống no đủ. Từ xa xưa, cọng rơm có mặt trong thành ngữ của dân mình để nhắc nhở con người ta khi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Rơm là chất đốt dùng để thui nướng rất tiện lợi. Hàng cầy tơ nhờ thui bằng rơm đã lên màu vàng ươm thơm nức mũi. Những năm đánh Mỹ cứu nước, cả miền Bắc vàng rực một màu mũ rơm: trên đồng ruộng, giữa phố phường, làng quê... cọng rơm cũng góp phần vào giải phóng quê hương. Hình ảnh chiếc mũ rơm trong thơ Tố Hữu thật xúc động, tự hào: “Chào các em những đồng chí tương lai, đội mũ rơm đi học đường dài.”

Những cọng rơm vàng nhỏ bé mềm mại, ký ức quê hương trong trẻo và thanh khiết biết bao!

Lê Xuân Toàn (vanhoadoisong)