Đoàn kiều bào đến với đảo Trường Sa, Đá Tây A và Nhà giàn DK1/11

Sáng ngày 1/5, tàu KN 491 đưa đoàn công tác số 8 đến với đảo Đá Tây A. Tại đây, các đại biểu đã làm lễ dâng hương tại ban thờ Lý Thường Kiệt - danh tướng thời nhà nhà Lý đã chỉ huy đánh bại quân xâm lược nhà Tống bảo vệ sự toàn vẹn non sông nước Việt và là người được tương truyền là tác giả của tác phẩm khẳng định chủ quyền dân tộc nổi tiếng Nam Quốc Sơn Hà.

Sau đó, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam và các đại biểu đã có mặt tại hội trường lớn của đảo, Đoàn nghe chỉ huy đảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và quý 1 năm 2017. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam thay mặt đoàn công tác chúc mừng cán bộ chiến sỹ trên đảo Đá Tây A đã vượt qua khó khăn gian khổ nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc, lập được nhiều thành tích trên cả 2 mặt trận: Bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt, đảo Đá Tây A là nơi có âu tàu và hậu cần nghề cá, vì thế đảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình trú đậu tàu thuyền và thu mua thủy hải sản, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của cán bộ chiến sỹ trên đảo luôn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng bà con kiều bào và các cơ quan trong nước đã tặng những phần quà hết sức ý nghĩa cho các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo, các đơn vị tàu đang trực tại khu vực đảo. Song song với chương trình thăm hỏi, tặng quà của đoàn công tác là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các ca sỹ, nghệ sỹ của đoàn văn công quân đội với các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Tây A, với các cán bộ Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. Những lời ca tiếng nhạc càng làm gắn kết thêm tình nghĩa quân dân.

Chiều cùng ngày, tàu KN 491 đã đưa các đại biểu và bà con kiều bào lên đảo Trường Sa Lớn- trái tim của huyện đảo Trường Sa trong niềm hân hoan, háo hức. Các thành viên trong đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn chào đón trọng thị và rất mến khách.

Khi vừa đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, trước cột mốc chủ quyền, các thành viên trong đoàn công tác số 8 đã được tham dự Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ của các lực lượng trên đảo. Dưới lá cờ Tổ quốc, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng với bà con kiều bào hô vang lời thề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi thực hiện nghi thức chào cờ tại đảo, các đại biểu đã đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm mang tên Người, dâng hương tại chùa Trường Sa, thắp hương mộ liệt sỹ, thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và 7 hộ dân đang làm ăn sinh sống trên đảo. Đặc biệt tại cột mốc chủ quyền thị trấn Trường Sa, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã thay mặt bà con kiều bào nhiều nước trên thế giới và đoàn kiều bào tham gia đoàn công tác trao tặng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng ủng hộ Trường Sa xây nhà văn hóa đa năng.

Chia sẻ về những cảm nhận qua chuyến đi này, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (kiều bào tại Nga) cho biết: “Tôi đọc rất nhiều tư liệu về Trường Sa. Quả thật đến đây, trăm nghe không bằng một thấy, đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, tôi thấy rằng, đó là máu thịt của mình, máu thịt có chủ quyền, mà chủ quyền không phải khẳng định từ bây giờ mà được khẳng định lâu dài từ triều đại trước. Đến đây, tôi thấy tấm bia khẳng định chủ quyền của mình không thể chối cãi. Trường Sa là mảnh đất rất thiêng liêng, nơi mặt trời mọc đầu tiên của Tổ quốc”.

Với anh Alan Ford Võ (kiều bào tại Hoa Kỳ), chuyến trở về này là để giải đáp cho những thắc mắc của bản thân và của một bộ phận kiều bào tại Mỹ hiện nay về tình hình biển đảo quê hương. Anh cho biết: “Trước khi tham gia đoàn, tôi nhận nhiều luồng thông tin cho rằng chính phủ Việt Nam đã đánh mất quần đảo Trường Sa, thậm chí cả những lời đe dọa rằng nếu đến đây sẽ không an toàn, nhưng thực thế cho thấy hoàn toàn khác. Đến với Trường Sa, tôi đã chứng kiến thấy tận mắt các chiến sĩ vẫn ngày đêm canh giữ biển đảo, thấy được tận mắt những hòn đảo thiêng liêng của đất nước. Tôi đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Từ những điều mắt thấy qua chuyến đi này, tôi sẽ phổ biến để bà con người Việt tại nơi tôi sống hiểu về Trường Sa và cố gắng sẽ có những việc làm thiết thực có thể để ủng hộ các chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa”.

Tiếp tục hải trình, ngày 2/5, Đoàn công tác đến thăm động viên cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/11. Đây là điểm cuối cùng trên hải trình đến với Trường Sa thương yêu của đoàn công tác số 8. Nhà giàn được xây dựng trên bãi đá ngầm Tư Chính, cách quần đảo Trường Sa về hướng đông 130 hải lí, cách Vũng Tàu 230 hải lý. Và có lẽ, nơi đây đã để lại những kỷ niệm thật khó quên tới tất cả các thành viên. Nhà giàn DK 1/11 là minh chứng sống động nhất về những nỗ lực vô cùng to lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thềm lục địa và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa để lại trong tâm khảm của tất cả các thành viên trong Đoàn niềm xúc động và cảm phục sâu sắc trước những gian lao vất vả không thể diễn tả bằng lời của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Các anh đang ngày đêm bằng cả mồ hôi, nước mắt để vững chắc tay súng, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, bất chấp mọi hiểm nguy, kẻ thù rình rập, với ý chí sắt đá không gì lay chuyển, quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đã và đang kế tục xuất sắc truyền thống anh bộ đội cụ Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” với 10 lời thề sắt son trước lá cờ Tổ quốc.

Chuyến hải trình đến với Trường Sa đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong đoàn công tác, đặc biệt là với các chiến sĩ nơi đảo xa. Những đêm thơ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ca múa nhạc, ngâm thơ, bình thơ; hưởng ứng cuộc thi sáng tác thơ, nhạc, ảnh về Trường Sa… sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp trong lòng bà con kiều bào và các đại biểu.

Phương Linh