Khi nhà văn và họa sĩ đổi nghề

Giới nhà văn nhiều lần phải kính nể khi nhìn sức viết khủng khiếp của họa sĩ Đỗ Phấn. Bắt đầu bước vào lãnh địa văn chương từ những tản văn, tạp bút in trên Báo Lao động cuối tuần, Đỗ Phấn dần dần “chiếm lĩnh” sân chơi của các nhà văn bằng những tập truyện ngắn, tiểu thuyết xuất bản liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Hàng tuần ông phải hoàn thành nhiệm vụ vẽ minh họa cho mấy tờ báo và viết bài cho vài tờ báo từ Bắc vào Nam, từ tản văn đến các bài mang tính chuyên môn về hội họa. Chưa kể bất cứ khi nào các biên tập viên văn hóa văn nghệ bị “cháy” bài, gọi Đỗ Phấn cấp cứu, lập tức có ngay một truyện ngắn vừa vặn khuôn khổ trang báo, nếu cần thì họa sĩ vẽ minh họa luôn cho tác phẩm của mình.

Đọc sách của Đỗ Phấn, người đọc không bị vấp phải cảm giác cầm trên tay cuốn sách của một họa sĩ viết văn, mà thực sự là những trang viết của một người giàu kiến thức, có phông văn hóa sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Đề tài được khai thác nhiều nhất (và gần như duy nhất) trong văn chương Đỗ Phấn chính là Hà Nội xưa và nay.

Hà Nội hào hoa, lịch lãm trong Đỗ Phấn thân thuộc như máu thịt cho nên ông cũng xót xa như bị cứa vào lòng mỗi khi chứng kiến một sự tàn phá nét đẹp cũ của đất ngàn năm văn vật. Chính vì vậy, ông được bạn bè suy tôn là “người kể chuyện Hà Nội bằng tất cả tình yêu và nỗi đau”.

Năm 2014, Đỗ Phấn vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để nhận giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội cho truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” (đây là cuốn sách thứ tám của ông). Tiếp đó, hầu như năm nào họa sĩ cũng cho ra mắt bạn đọc 2-3 cuốn sách.

(Theo anninhthudo.vn)