Nguyễn Dy Niên - Nhà ngoại giao bình dị

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: Công Khanh

NHÀ NGOẠI GIAO ĐẬM CHẤT VĂN HÓA...

Ông Nguyễn Dy Niên sinh 09/12/1935 tại xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá, nay thuộc thành phố Thanh Hoá.

Đảng viên  Đảng Cộng sản Việt Nam, Thạc sĩ văn học Ấn Độ. 

Từ 02/1987: Là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề đối ngoại, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.

Từ 1991 đến 2000: Là Uỷ viên TƯ Đảng khoá VII, VIII, IX là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực châu Âu, công tác Lãnh sự, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.

Từ 2000 đến 2006: Là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khoá XI.

Một lần, trong một bữa tiệc sang trọng ở một nhà hàng đẹp, mang phong cách Việt cổ xưa tại Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính - Hà Nội, tôi được gặp bác Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, người Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Thật may là đúng lúc tôi đang cần gặp bác về những vấn đề liên quan đến lịch sử Thanh niên Xung phong (TNXP) Thanh Hóa.

Tranh thủ lúc chưa đủ người vào tiệc, tôi đến chào bác. Vừa  nhìn thấy tôi, khi tôi chưa kịp nói gì, bác Nguyễn Dy Niên đã bảo: - Lộc ngồi đây nói chuyện cho vui. Nghe câu ấy, tôi thấy như bác gần gũi với tôi hơn. Tôi đưa cho bác xem bản thảo 65 năm TNXP Thanh Hóa anh hùng mà tôi đang làm chủ biên với mong muốn bác có ý kiến về bài viết về bác. Với khuôn mặt hiền hậu và từ tốn, bác tươi cười bảo tôi: Mình sẽ xem kỹ và sẽ có ý kiến. Mình là thanh niên xung phong từ hồi Điện Biên Phủ cơ đấy! Rồi bác mời tôi nhiệt tình: - Hôm nào đến nhà mình chơi, ta nói chuyện văn chương. Mình không bận gì đâu. Nhà mình ở chung cư khu CIPUTRA.

Theo lời mời của bác Nguyễn Dy Niên, tôi đã đến thăm bác vào một ngày chủ nhật cuối năm ở khu đô thị mới CIPUTRA, phía Nam cầu Thăng Long, ven bờ sông Hồng mênh mông nước cả. Nhà bác ở tầng 19. Bác Nguyễn Dy Niên ra tận cầu thang máy đón tôi. Cử chỉ thân thiện nhỏ bé đó đã tạo một ấn tượng mạnh làm tôi rất xúc động. Đó là một căn hộ hiện đại, rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, sang trọng nhưng không cầu kỳ. Căn phòng khách bài trí lịch sự và hợp lý. Bộ salon đệm mềm, bức tranh phong cảnh trên tường, vài bức ảnh chụp với các nguyên thủ quốc gia... Cách sắp xếp ấy chứng tỏ một nghệ thuật sắp đặt khéo, gọn về nội thất của chủ nhà hay của một họa sĩ sắp đặt nào đấy chăng. Chị giúp việc mang nho Mỹ và trà lipton Ấn Độ ra để bác Nguyễn Dy Niên mời tôi. Tôi nói với bác: - Bác cứ để cho cháu tự nhiên. Bác bảo: - Mấy khi có khách văn đến chơi. Ta ngồi lâu lâu nói chuyện. Câu nói thân thiện của bác đã tạo một sự thoải mái ban đầu cho khách đến chơi nhà.

Qua báo chí, tôi được biết bác là người đầu tiên của ngành ngoại giao đã tổng kết những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại giao và xây dựng khá đầy đủ những tư tưởng này thành một hệ thống “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật ngoại giao mang đặc trưng Việt Nam. Bác cũng đã giới thiệu việc vận dụng một cách có hệ thống và hiệu quả “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” vào hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thế nhưng bây giờ, ngồi trước tôi, bác nói chuyện một cách sôi nổi về văn học nghệ thuật Ấn Độ, không hề có một chút gì quan cách, không một chút ngoại giao. Cứ như chuyện ngoại giao là quốc gia đại sự đâu đâu xa vời không liên quan gì đến chúng tôi.

Bác giở cho tôi xem những ảnh chụp từ hồi TNXP chống Pháp, ảnh chụp với Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro và đặc biệt là tấm ảnh bác được chụp với Bác Hồ từ tháng 2/1958 ở New Delhi, Ấn Độ. Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy một tấm ảnh những thanh niên trẻ của Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi đang quây quần bên Bác Hồ mặc trang phục áo kaki màu sáng, trong đó có anh cán bộ ngoại giao trẻ Nguyễn Dy Niên đang bế một cháu nhỏ. Một tấm ảnh tư liệu về Bác Hồ rất quí khi đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi. Bác Nguyễn Dy Niên nói về tài ngoại giao của Bác Hồ, sự thân thiện của Bác Hồ với Tổng thống Ấn Độ v.v... Chắc vì yêu quí Bác Hồ nên ngay từ khi còn là sinh viên học ở Ấn Độ, bác đã để tâm tìm hiểu về Bác Hồ.

Rồi bác nói chuyện với tôi về những vấn đề khác nhau: Đạo Hindu, về các ngôn ngữ Ấn Độ, về Văn học Ấn Độ, về Tagor - đại thi hào của Ấn Độ và thế giới... Bây giờ chúng ta quan hệ với Ấn Độ nhiều hơn thì những người hiểu về lịch sử và văn học nghệ thuật rất phong phú, nhưng ngày xưa, nửa thế kỷ trước của thế kỷ 20, người Việt Nam hiểu về Ấn Độ ít lắm. Có một người hiểu về Ấn độ sâu sắc như bác Nguyễn Dy Niên thì thật đáng quí trọng. Mà bác nói về văn học Ấn Độ rất sâu sắc. Tôi trầm trồ khen: - Bác như một chuyên gia về văn hóa Ấn Độ. Thì bác bảo: - Mình là thạc sĩ văn học Ấn Độ đấy chứ. À, ra thế. Tôi đã lý giải được vì sao bác nói về văn học Ấn Độ hay thế.

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên và Chủ tịch Cuba Fidel Castro, năm 2001 

... VÀ THÂN THIỆN, NHIỆT TÌNH

Tôi đặt vấn đề với bác Nguyễn Dy Niên về ý định viết về sự giống nhau và khác nhau của Đạo Phật các nước dọc sông Mekong. Bác vỗ vai tôi: - Mình sẽ cho cậu mượn bộ sách ảnh quí có tên là Mê kông ký sự của nhà báo NSND Phạm Khắc, do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2009. Bác rút từ trên giá sách ra một bộ sách đẹp, bìa cứng màu nâu tím, nặng đến mức phải hai tay mới nâng được ra. Tôi sáng mắt lên khi nhìn thấy bộ sách dày cộp về những hình ảnh quí giá chụp những hình ảnh dọc sông Mekong từ Tây Tạng đến Việt Nam qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Bác lại bảo: - Chưa hết đâu. Mình sẽ đưa Lộc xem 100 đĩa DVD về ký sự SÔNG MEKONG mà đài truyền hình Việt Nam đã phát mấy tháng nay. Bác đưa tôi hộp đĩa DVD gần 100 cái không thiếu cái nào.

Thế là tư liệu về Sông Mekong đã đầy đủ. Nhưng làm sao gặp được đại sứ 5 nước vùng sông Mekong gồm Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia đây... Nghe tôi nói thế, bác điện ngay cho Văn phòng Bộ Ngoại giao: - Cho mình danh sách và thông tin điện thoại 5 đồng chí đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia nhé! Cấp ngay chiều mai... Tôi lại ngỏ ý muốn gặp nguyên  đại sứ Việt Nam tại Myanmar, bác Nguyễn Dy Niên vui vẻ nói ngay: - Yên tâm đi! Mình sẽ giới thiệu Lộc gặp anh Chu Công Phùng. Gặp anh Phùng, Lộc sẽ có tất cả những điều cần biết về Myanmar.

Độ một tuần sau, tôi đã gặp được anh Chu Công Phùng. Sau cuộc trao đổi ý định công việc với anh Phùng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar, anh Phùng bảo tôi: Tuần tới có cuộc gặp Hội những người Việt Nam công tác tại Myanmar ở Khu du lịch Suối nước nóng Thanh Thủy, Phú Thọ. Tôi là chủ tịch Hội này và tôi sẽ mời nhà thơ đến dự. Anh Lộc sẽ có cơ hội gặp các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, các nhà ngoại giao và các chính khách.

Tại cuộc gặp mặt của những người Việt Nam tại Myanmar, ông Chủ tịch Hội Chu Công Phùng trân trọng giới thiệu tôi trong hội trường: - Tôi xin trân trọng giới thiệu nhà thơ Lê Tuấn Lộc, theo giới thiệu của bác Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, đến dự cuộc gặp của chúng ta - Hội những người Việt Nam tại Myanmar, nhân dịp 1 năm thành lập Hội. Anh Lộc đang muốn tìm hiểu về Myanmar. Những người trong hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Để tạo sự thân thiện ban đầu, anh Phùng mời tôi đọc thơ. Tất nhiên là tôi không thể từ chối một cơ hội hiếm có để tìm hiểu và làm quen với những người Việt Nam tại Myanmar mà tôi rất xa lạ.

Hôm sau tôi điện báo tin với bác Nguyễn Dy Niên về cuộc gặp lý thú ở Khu du lịch Suối khoáng Thanh Thủy, bác bảo tôi: - Lộc chưa biết đấy thôi! Mình đã giới thiệu Lộc với Chu Công Phùng, đó là một cây từ điển về Trung Quốc và Myanmar đấy. Ông Phùng đã từng học ở Trung Quốc và nhiều năm là Tham tán Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc. Ông nói tiếng Trung Quốc thành thạo đã đành, mà lịch sử Trung Quốc ông ấy cũng thành thạo lắm đấy! Thì ra, tôn vinh người khác cũng là một cách để người khác trân trọng mình hơn. Nghe thế, tôi đã hiểu, bác Nguyễn Dy Niên là con người sâu sắc, lịch lãm tầm cỡ như thế nào rồi.

Và như thế, những việc đáng ra tôi sẽ phải làm ít nhất mất hàng tháng thì chỉ cần một cú điện thoại và sự nhiệt tình, quan tâm giới thiệu của mình, bác Nguyễn Dy Niên đã giúp tôi đầy đủ.

*

Tôi không có tham vọng được viết nên chân dung nhà ngoại giao Nguyễn Dy Niên, mà kể ra đây câu chuyện nhỏ này, tôi chỉ có mong muốn chia sẻ với bạn đọc về một phần chân dung đời thường bình dị của một trong những người đã có đóng góp lớn lao cho ngành ngoại giao Việt Nam, bởi chính những điều bình dị như thế sẽ sống mãi trong trái tim những người dân bình thường như tôi.   

Ký Lê Tuấn Lộc