Mẹ tôi tháng Ba

 Ảnh minh họa

Tháng Ba, mẹ thắc thỏm từ đồng về thở dài, giấu nỗi buồn vào khoảng lặng. Ai hỏi, ai nói gì mẹ cũng cười. Nhưng tôi thì biết, lòng mẹ đang không vui, khi mà đấu gạo chiều qua mẹ đã vét cạn sạch lu. Em tôi hỏi: “Hết gạo trong lu rồi mẹ ơi, ngày mai chúng ta ăn gì hả mẹ?”. Câu hỏi như xoáy thêm vào nỗi buồn, vào từng nếp nhăn vốn đã chằng chịt trên hai khóe mắt, trên trán, đôi bàn tay gầy guộc. Mẹ nở nụ cười lấp lánh tin yêu: “Ngày mai chúng ta vẫn ăn cơm con nhé”!

Tháng Ba năm nào cũng vậy, là dịp giáp hạt nên mẹ phải lo bẩy lo ba, lo cho năm miệng ăn trong nhà. Lo cây lúa, cây rau, lo phiên chợ, lo những đấu gạo cạn dần, khô không khốc trong lu. Mẹ tranh thủ làm chỗ nọ, chỗ kia. Tranh thủ từng thời khắc quý báu, quên nghỉ trưa, quên tối mịt để vun vén, co kéo cho chồng cho con nồng giấc ngủ, ấm tấm thân. Mẹ “chân nam đá chân chiêu” chạy chợ, bán gà, bán rau để đong gạo. Dù nghèo đến mấy, mẹ cũng không để chồng con túng đói.

Tháng Ba, hội làng vẫn đang còn rộp rịp. Mẹ mê hội lắm! Mẹ thích được là “liền chị”, xúng xính áo tứ thân, e ấp nón quai thao, khăn mỏ quạ để gặp gỡ và trao nhau những câu hát giao duyên. Thuở xuân thì, mẹ có những niềm vui bình dị như thế! Mẹ giờ đây, mỗi tháng Ba, không áo quần xúng xính, mà áo nâu sồng màu đất, chân trần bám bùn, bộn bề với nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng. Mẹ chỉ cần ấm no cho những người yêu thương. Ấy là khi tháng ba trong mẹ tròn đầy viên mãn.

Những bữa ăn tháng Ba chỉ cơm trắng, đọt rau lang chấm mắm cáy, sung chát khế chua thôi nhưng ai cũng thấy ngon vô cùng. Ngon bởi vì mâm cơm có mẹ, có tiếng cười hạnh phúc gia đình ấm êm. Có niềm tin yêu chất chứa mẹ gây dựng. Mẹ đã nuôi tôi lớn lên, học nữa, học mãi, nuôi không biết bao mùa tháng Ba như thế. Tôi trưởng thành, vỗ cánh bay khắp nẻo để mình mẹ với tháng Ba quê nhà hoa xoan rụng tím lối đi, hoa gạo nhưng nhức nhói đỏ.

Tháng Ba của mẹ có tảo tần, có vất vả sớm hôm, có ký ức ngọt ngào từ thuở nằm nôi cho tới khi tôi mười tám đôi mươi. Tháng Ba nhắc nhớ những khó khăn mà mẹ đã thầm lặng hy sinh cho tôi nên người. Mẹ ngày càng già đi và tôi thì vẫn một niềm đau đáu “Biết bao giờ mẹ được thảnh thơi?!”. Tôi ghì trong tim mình những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn những bí những bầu thì lớn xuống/Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi" và nhớ mẹ đến khôn nguôi.

Quyền Văn (Chuyên trang Văn nghệ, Báo Hải Dương Online)