Tù lu, trò chơi ngày tết của người Mông

 Để chơi được Tù lu cần phải có sức khỏe và sự khéo léo

Tù lu (con quay), được làm từ những loại gỗ cứng như đinh, sến, sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra, có đường kính từ 7 – 10 cm, nặng khoảng 300g – 500g. Con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng, là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, là điểm đánh của những người chơi khác.

Muốn có một con quay chắc chắn, đánh không bị vỡ thì phải tìm được loại gỗ tốt, cứng và dẻo để đẽo thành quay. Con trai dân tộc Mông từ khi mới lẫm chẫm biết đi đã được bố hoặc anh trai làm quay cho. Lớn thêm ít nữa, khi tự biết cầm dao đẽo quay thì các chàng trai đã thành thục với trò chơi tưởng đơn giản, nhưng lại cần sự khéo léo, sức khỏe này.

Mỗi bộ quay, ngoài con quay thì còn có sợi dây dài được se bằng lanh, thường được gọi là Cua, nối với một đoạn Pảng (gậy) làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ, dài khoảng 40 cm.

Anh Sồng A Giàng, ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La giải thích: “Một đầu dây buộc mấy sợi lông gà nhỏ để khi cuốn vào quay, lông gà thấm nước tăng độ dính bám vào con quay. Đầu kia buộc vào một cái que, sợi dây dài hay ngắn phụ thuộc vào sức quay và sức ném của người chơi. Nếu người chơi có sức khỏe thì dùng dây dài hơn, còn người yếu hơn thì dùng dây ngắn".

Trò tù lu chỉ dành cho những chàng trai khỏe mạnh. Cuộc chơi thường có sự tham gia của 2 đội trở lên, mỗi đội ít nhất 2 người. Trên một bãi đất rộng khoảng hơn 50m2, bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm.

Để có thể thắng đối thủ, người chơi cần khéo léo, ném chính xác, phán đoán tốt.  Khi trưởng trò phát lệnh “Tầu lâu” (Đánh đi!), người chơi sẽ đánh quay xuống sân chơi và con quay nào quay tít được lâu nhất sẽ tính là thắng cuộc. Cách chơi này khó, đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm luyện tập lâu mới giành được giải thưởng.

Còn cách chơi bình thường sẽ là chia làm hai đội. Đội thứ nhất thả quay, đội thứ hai đứng ở vạch, tìm cách ném con quay của mình trúng và làm đổ các con quay của đội thứ nhất. Nếu ném trúng và con quay còn tiếp tục quay là thắng cuộc, ném trượt tất nhiên sẽ thua.

Cái thú vị của cuộc chơi là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua ba vòng. Vòng thứ nhất, thả quay cách vạch ném chỉ chừng 3m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 10m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 20m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất, và cái tài khéo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này.

Khi đội thả quay thả xong, tất cả đứng dạt ra nhìn những con quay quay tít trong mảnh đất rộng. Ánh mắt của cổ động viên, của khán giả, của những cô gái mười tám đôi mươi dồn cả vào những cánh tay chắc nịch phía đội đánh quay. Những chàng trai vạm vỡ thoăn thoắt quấn quay, chạy đà, vung tay thả, giật que đánh con quay thật mạnh, thật xa.

Không phải con quay nào cũng trúng đích. Có con lao thẳng vào khe giữa 4-5 con quay khác ra ngoài, có con chỉ cách quay đối thủ một chút xíu thì lại tiếp đất rồi xoay tít văng lên cao. Chỉ vài con quay trúng đích, khiến quay đối thủ văng xa mới được tung hô, cả người chơi lẫn khán giả đều thích thú cười rạng rỡ.

Đánh quay là trò chơi dành cho nam giới, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt và được đồng bào Mông rất ưa chuộng trong ngày Tết.

Cũng như bắn cung, bắn nỏ, cưỡi ngựa, rồng ấp trứng… đánh quay là trò chơi để đàn ông người Mông khoe tài khéo cùng sức mạnh. Người Mông chơi đánh quay không biết chán, cứ hoán đổi vị trí ném và đánh cho nhau, ai mệt thì ra nghỉ, ai mới đến lại đem quay nhập hội, đến bữa thì nghỉ, uống rượu rồi lại chơi.

Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn đời cho mình là những người chiến thắng trong trò chơi Tù lu: “Con quay anh nắm chắc/Đôi mắt anh ngắm thẳng/Ném con quay trúng đích/Vỡ òa trái tim em…”.

 (VOV4)