Lễ hội đón Tết Đinh Dậu ở Nogent sur Marne

Lễ hội đón xuân có kèm theo chương trình biễu diễn khá dài, chia làm hai phần và tổ chức nhảy đầm đến tận đêm khuya. Lễ đón Tết cho kiều bào tổ chức ở khu di tích nhà chợ cổ Baltard thuộc vùng Nogent sur Marne cách trung tâm Paris khoảng 15 cây số. Dù đường xa, nhưng nhiều người đến tham dự. Vé vào cổng 35 euros cho người lớn. Sinh viên và trẻ em có giá ưu đãi đặc biệt.

Năm nay có đoàn văn nghệ dân tộc và ca sỹ Quang Dũng tham gia. Mọi người đến đây xem và hưởng không khí vui ngày Tết, gặp gỡ người quen hơn là thưởng thức nghệ thuật. Tiếng ồn ào, trẻ em vô tư đùa chạy trốn tìm làm giảm đi chất lượng âm thanh. Nhưng dường như năm mới, sự khoan dung đều thể hiện trên những nụ cười chào đón và những câu chúc tụng lẫn nhau.

Nhiều gian hàng bán sách, bán đồ lưu niệm hấp dẫn kết hợp với biểu diễn gợi nên một hình ảnh quê hương thân thuộc. Trang trí phông sau một cảnh đồng quê Việt, với kỹ thuật ánh sáng thay đổi đưa người xem cảm giác thấy quê hương xa xa lúc ẩn, lúc hiện. Những bài ca dân tộc ba miền cùng những chiếc áo dài tha thiết. Lớp trẻ lớn lên ở Pháp thời @ làm thay đổi không khí buổi văn nghệ cổ truyền, đầy sức sống và những điệu nhảy phụ họa như hip hop làm đêm dạ hội nóng lên sau những lời nỉ non ai oán của giọng ca vọng cổ.

Sau phần thứ nhất, mọi người tỏa ra các gian hàng bán đồ ăn và đồ lưu niệm. Ghế được thu lại để làm sàn nhảy. Tầng trên dành cho các vị khách đặc biệt có giấy mời của TTVHVN.

Nhiều cháu nhỏ tham gia múa võ rất hồn nhiên. Có cả các bạn Pháp, Châu Phi tham gia biểu diễn võ Việt Nam. Mới hay võ Việt Nam đã thu hút không ít người Pháp tham dự. Cuộc sống vũ khí hiện đại, nhưng võ là một hình thức học không chỉ để tự vệ bản thân mà là môn thể thao lành mạnh để giữ gìn sức khỏe.

Kết thúc chương trình là tiếng trống quê hương rộn rã đón mừng xuân mới với nhiều diễn viên từ già đến trẻ tham gia nhiệt tình, và Đại sứ Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Hồng Phấn cùng ông Nguyễn Thanh Vượng, Giám đốc TTVHVN tại Paris lên cảm ơn.

Đến tham dự lễ hội, khách có cảm giác trở về Hà Nội, Sài gòn xưa những ngày đi chợ sắm Tết. Baltard là khu chợ di tích lịch sử, kiểu chợ vòm thiết kế như chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, theo thiết kế của nhà kiến trúc sư nổi tiếng Baltard. Một kiểu chợ thời thế kỷ 19, nay ở Pháp chỉ còn lại vài nơi được xếp vào di tích lịch sử và được bảo tồn. Tuy nhiên việc bảo tồn kèm theo hoạt động để có tiền bảo trì và cũng là để cho mọi người sống lại cảm giác xa xưa của ông cha. Nơi đây thường cho thuê làm hội chợ, lễ hội.

Tuy nhiên, nếu ai thích tìm hiểu về Việt Nam, Đông Dương thời xa xưa, có thể tranh thủ đi sớm ghé ngay cạnh đấy, thăm Vườn Nhiệt đới mở cửa tự do, trong đó còn dấu vết một số di tích về Hội chợ Đông Dương đầu thế kỷ 20 rất hấp dẫn về một thời đất nước Annam xưa từng bị Pháp đô hộ. Những di tích với những rặng tre xanh, những chiếc cầu nhỏ, những lư hương, đền thờ cổ, chùa mái ngói cong cong được mang từ thuộc địa về để khuếch trương vinh quang thuộc địa, nhưng giờ chỉ còn là đống tượng rêu phủ, hay bị nát vỡ do thời hoàng kim mênh mông thuộc địa đã mất. Chiến tranh Đông Dương và trận Điện Biên Phủ đã đi vào dĩ vãng. Một nước Việt Nam đã hồi sinh sau nhiều cuộc chiến tranh và dù còn thiếu thốn, non nớt đang tìm cách để khẳng định mình trong quá trình hội nhập vào thế giới. Buổi văn nghệ đủ thấy sự cố gắng hết sức của cộng đồng người Việt đặc biệt một thế hệ lớn lên mang dòng máu Việt và TTVHVN tại Paris.

Ông Pierre, ông Claude những người bạn Pháp từng đi biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, lần đầu tiên đến tham dự rất ngạc nhiên và thán phục sự chuyển mình của nước Việt. Ông Pierre tâm sự: Tôi luôn khâm phục Việt Nam, họ phải tiềm ẩn một năng lực siêu hình mới thắng nổi các nước mạnh như Trung Quốc, Pháp, Nhật và Mỹ mà lịch sử thế giới đều phải ghi nhận. Tôi đáp lời ông: Cái năng lực siêu hình đó rất đơn giản đó chính là lòng yêu nước. Người Việt đôi khi bất đồng chính kiến, mâu thuẫn, nhưng đặc biệt khi có giặc ngoại xâm họ lại biết liên minh để bảo vệ Tổ quốc. Không ai thích chiến tranh, nhưng chiến tranh bảo vệ nước là cuộc chiến tranh chính nghĩa nên được toàn dân đồng lòng. Nhiều người Pháp rất thích sau lễ hội mua một món quà về nhà để kể cho bạn bè con cháu biết văn hóa Việt Nam và một Việt Nam đầy quyến rũ với những chiếc áo dài lụa bay bay trong gió cùng những chú tễu vui nhộn toét miệng cười hồn nhiên. Mời bạn hãy đến một lần thưởng thức và sẽ gặp những nụ cười thân thiện và yêu hòa bình của người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu trên quả địa cầu.

Trần Thu Dung (Pháp)