Lắng đọng hồn quê

Người Việt ở Đức chuẩn bị Tết Nguyên đán (Ảnh: Đào Quang Vinh)

Hồn quê lắng đọng trang thơ Việt
Cảm xúc dâng trào bút thi nhân

Đã bao mùa Đông qua Xuân đến với chúng tôi ở nơi đây, nơi quê người đất khách nỗi nhớ lại ùa về, được nhân lên cồn cào da diết. Cuộc sống đã dạy tôi nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan. Tôi đã thực sự hiểu được phần nào sự khao khát tình quê hương, sự trăn trở, nội tâm của những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Tục ngữ có câu:

Có rách áo mới thương người áo rách
Có đói cơm mới thương kẻ lạnh lòng

Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm, nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình đại gia đình, tình quê hương, tình đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau của chòm xóm, láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước.

Từ những nỗi nhớ thương da diết ấy mà dậy sóng trong lòng và trái tim cất tiếng, những tiếng ấy người ta vẫn gọi là thơ. Thơ đã trở thành người bạn đồng hành, tri âm tri kỷ của chúng tôi. Như nhà thơ Phùng Quán có câu: "Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy...".

Quả vậy, thơ là điểm tựa, là động lực góp phần giúp chúng tôi trụ vững ở nơi đây. Thơ bước ra trong nỗi khao khát, nhớ thương, nỗi vất vả trong cuộc sống mưu sinh nơi viễn xứ:

Ngày thì làm bạn nắng mưa
Đêm thì vớt ánh trăng lùa qua song

Và nói theo lý luận văn học thì: "Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực. Hiện thực ấy đi qua lăng kính của nhà văn, được các nhà văn nhào nặn, khắc họa bằng ngôn ngữ nghệ thuật, trở thành sản phẩm tinh thần". Vâng! Tôi nghĩ rằng quy trình làm thơ của mỗi nhà thơ cũng không ngoài quy luật ấy.

Những bài thơ của mỗi người có những nét khác nhau – khác nhau về cung bậc cảm xúc, về hình tượng nghệ thuật, về phong cách thể hiện, nhưng đều chung một tấm lòng hướng về Tổ quốc, quê hương, gửi gắm niềm thương nỗi nhớ của mình tới đại gia đình dân tộc Việt Nam, và tới gia đình của mỗi người con xa xứ.

Thơ là tiếng hát của con tim, tiếng hát ấy không ngừng cất lên trên xứ tuyết, dưới trời Âu nhất là lúc Xuân về Tết đến. Thơ là sự cộng hưởng của tâm hồn và trí tuệ, được thể hiện trong từng thi phẩm, đã ánh lên những vẻ đẹp tâm hồn, trong những khúc nhạc lòng của con Lạc cháu Hồng đang hướng về quê mẹ. Nó còn là người bạn tri âm, tri kỷ của những tâm hồn thi sỹ, là ngọn lửa vô hình xua tan sương phủ tuyết rơi, là nhịp cầu ngôn ngữ để chúng ta xích lại gần nhau:

Cầu thơ ta đến với người
Tình quê đượm sắc tình đời ngát hương

Những ngày giáp Tết, ở Chemnitz nơi đây tuyết rơi nhẹ, trải một màu trắng lung linh trên những thân cành vẫn đang mải miết trong giấc ngủ Đông. Tuyết như một thứ quà dịu dàng mà thiên nhiên ban tặng cho vạn vật, cho từng gốc cây và cho cả chúng tôi - những người xa xứ, được hưởng những nụ hôn ngọt lịm của đất trời. Đi dưới những hàng cây với những cành được hoa tuyết phủ trắng trong đêm, càng làm tình yêu quê hương của tôi thêm da diết. Nhiệt độ ban đêm xuống rất thấp nên đây đó, tuyết trên cành đã thành băng như những nhành pha lê trong suốt để sớm mai bừng lên long lanh trong nắng sớm. Tôi chợt ngân lên một bản nhạc lòng. Ôi! Phải chăng đây chính là mùa Xuân từ quê nhà đã nhờ thiên nhiên gửi tặng cho chúng tôi - những người con xa quê.

Những cây thông xanh bền bỉ dẻo dai đung đưa trong bão tuyết giá băng rõ dần khi đêm Giao Thừa vào sáng. Một màu xanh trường tồn, mãnh liệt ngời lên trong ánh tuyết xứ lạnh. Phải chăng điều đó nói lên rằng: đó chính là cuộc sống của chúng tôi - những người Việt Nam trên quê hương thứ hai đang hướng về đất Mẹ.

Bùi Nguyệt (CHLB Đức)