Đón dâu về ăn tết

Cái tin, tết này nó sẽ dẫn người con gái nó yêu thương về quê ăn tết khiến vợ chồng ông cứ nôn nao chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, mua nhiều món ngon và chờ đợi suốt mấy ngày qua.

Ông và bà Sáu rất hài lòng bởi sự chọn lựa của thằng con trai cưng của mình. Như nó kể, con nhỏ là con nhà khá giả, ở ngoài thành phố, cả hai đứa học cùng lớp, mai này cùng làm bác sĩ, mở phòng mạch, khám trị bệnh và bán thuốc hỏi còn gì bằng?

Cái trạm xá của xã vừa được sửa sang, nâng cấp khang trang với nhiều trang thiết bị nước ngoài viện trợ, có tới cả chục y tá, y sĩ nhưng chưa có bác sĩ… Hai đứa nó mà về đây thì ông và bà Sáu được nở mày, nở mặt với thiên hạ… Ai ham ở thành phố, thị xã… chớ ông nghĩ, cỡ bác sĩ mới ra trường như tụi nó về đây là hay nhất…

Ông Sáu chợt giật mình khi thấy bên kia bờ con rạch Voi, chỗ đầu cây cầu trước cửa nhà có năm sáu người chuẩn bị đi qua. Vội vã đứng dậy và đi tuốt ra sau, chui vô buồng, ông Sáu chỉ kịp dặn vợ mình: “Lại vận động… Họ hỏi, bà nói tôi ra ngoài huyện rồi”.

Nằm trong buồng, ông Sáu thừa biết vợ mình sẽ hiểu và tiếp khách theo ý của mình.

- Bác trai có ở nhà không vậy bác?- giọng của Non- Trưởng ấp. Ông Sáu cố lắng nghe lời đáp của vợ.

- Ổng đi ra huyện rồi mày ơi. Ngồi… ngồi chơi…

- Vậy mà thấy đôi dép của bác trai ngoài ngạch cửa, cháu tưởng…

- Ôi thôi, mới sắm đôi dép mới, ra huyện cũng bày đặt chê dép cũ… Già mà như con nít vậy mày ơi…

Hay. Hay thiệt! Ông Sáu thầm khen ngợi vợ mình lanh trí đóng kịch tài thiệt. Có như vậy, bà mới qua mắt được cái thằng Non tinh mắt lẹ mồm.

- Ý… Vậy mà chiếc xe Honda gửi bên con còn dựng trong bếp, bác trai sao không lấy đi? Lại đi xe ôm à?

Hả? Hình như giọng con nhỏ Nguyệt, nhà bên đường, nơi ông gửi xe Honda. Con nhỏ này làm bên Hội phụ nữ xã mà cũng đi chung với đoàn này à. Lộ hết mẹ rồi, phen này... Ông Sáu than thầm.

- Ôm yết gì… Chở đôi, chở ba chạy như bị mã tà rượt trên con đường đầy lỗ hang, cầu kỳ rệu rã… Ổng sợ lấy xe nhà đi, chiều về trời mưa, đường sá bùn sình, già cả đẩy hổng nổi nên ổng đi xe đò hồi sáng rồi…

- Dạ tụi cháu tới gia đình bác cũng vì con đường của xã mình đó bác… Xã thống nhất vận động bà con đóng góp, cùng với kinh phí nhà nước để tiến hành sửa đường, sửa cầu cho tiện việc đi lại. Mình sẽ mở rộng, nâng cao và rải sỏi đường trong xã mình như những đoạn ngoài kia…

Trời ! Bả khéo nói lảng chuyện con Nguyệt, lại bị thằng Dân- Phó Chủ tịch xã ví vô tròng, hết lối thoát rồi. Mình có xe thiệt, nhưng ở bên này con rạch, ra vô có bao nhiêu lần… Còn thiên hạ ở bên đó đi lại, phơi phóng đủ thứ trên đường. Giỏi thì cứ vận động họ, qua đây kiếm ông chi nữa? Mà chuyện đường sá là của “Nhà nước lớn” người ta lo, ai mượn mấy cha, mấy mẹ tài khôn bao biện, giờ phải đi xin xỏ hả. Ông Sáu rủa thầm.

- Ờ… chuyện ích nước, lợi dân, mấy chú, mấy cô cáng đáng lấy, bà con được nhờ, chắc hổng ai làm ngơ được. Mà… mà trên xã có tính mỗi nhà phải góp bao nhiêu không vậy?- giọng vợ ông vẫn nói ngọt.

Giọng thằng Non hớn hở tươi vui:

- Dạ, chuyện đóng góp xây dựng xóm làng thì đâu có quy định bao nhiêu bác. Chủ yếu là tùy khả năng, tự nguyện, tự giác…

Hà hà… thằng này “cấn phé” bả rồi mà không hay. Nó nói vậy bả đưa năm trăm đồng cũng được. Vậy mà vợ ông còn từ tốn:

- Vậy hả? Không có bắt buộc, chỉ tự nguyện thôi à? Mà, ai tính toán chi việc công ích… Tiếc quá… Hôm rồi, ổng ham quá mới sắm cái ti vi màu, rồi máy đèn… Tưởng êm, ai dè ít hôm sau, máy giặt của bác bị hư, ổng phải đi hỏi tiền sửa… Mà thôi, của ít lòng nhiều, cho gia đình bác đóng góp sửa đường lộ bên kia mười ngàn nghen…

Ông Sáu bước ra khi đoàn vận động góp tiền của xã đã đi xa. Bà này giỏi thiệt. Tụi này nhận mười ngàn, vô sổ, nghẹn ngào… không nói gì được. Vậy thôi, chớ tiền bạc đâu phải vỏ bắp, mà muốn lột bao nhiêu thì lột. Còn cái cây cầu khỉ trước cửa bước lên run rẩy như răng lung lay sắp rụng không chịu sập đi cho rồi. Có chuyện gì, làng xã cũng tới nhà mình trước, hổng kịp đối phó gì hết. Mới tuần trước, ấp còn họp dân bàn chuyện sửa nó thành cầu ván bằng tiền của… dân đã bị ông bàn trớt. Họ thấy cỡ này bà con ăn nên làm ra nên việc gì cũng nạnh dân hết. Từ lúc ông bắt tay vô làm lúa ba vụ trúng ơi là trúng. Tiền đẻ ra tiền. Ông sắm cái máy xới năm trước, năm sau sắm thêm cái máy gặt lúa. Vừa làm ruộng nhà, vừa làm mướn, ông thừa sức mua thêm tivi, cát xét, máy đèn… Xứ này, bây giờ có nhiều gia đình mần ăn được, đua nhau mua sắm, sửa sang nhà cửa cũng như ông vậy…

Ăn cơm chiều xong. Ông Sáu chợt thấy bên kia cây cầu khỉ thằng Chen, con trai mình đang tình tứ nắm tay đứa con gái là lạ dắt qua cầu. Cái thằng quỷ, về xứ này mà nó tưởng như ở Sài Gòn không ý tứ gì hết. Bộ nó tưởng sắp làm bác sĩ rồi người ta không dị nghị sao? Coi đó, vai thì vác hai túi xách, tay này nắm vô tay vịn của cầu mà tay kia cũng không chịu buông con nhỏ ra. “Ấy chết! Trời ơi!!!” Ông Sáu chỉ kịp kêu lên khi thấy hai đứa nó run rẩy, chới với khi cây tre gác nhịp giữa cầu đung đưa và cả hai đứa nó rớt xuống lòng rạch đục ngầu. May mà con rạch Voi đang lúc nước ròng nên cạn, nhưng cũng đủ làm hai đứa nó ướt mèm. Ông Sáu chạy xuống bờ rạch thì thằng Chen đã xốc nách con nhỏ dìu vô bờ. Mặt mày hai đứa tái mét vì hoảng hồn hoảng vía, vì mắc cỡ. Thằng Chen dẫn con nhỏ ra sau chỉ chỗ tắm rửa và mượn đồ bà Sáu cho con nhỏ mặc, bởi cả hai túi xách đã ngấm nước, ướt hết.

Ăn cơm xong, hai đứa nó ra nhà trước, bà Sáu cũng vội xẻ trái dưa hấu bự sự ra đãi tụi nó. Ông thấy mặt thằng Chen sụ xuống, con nhỏ trả lời xụi lơ, có lúc thằng Chen phải nói thay. Bà Sáu hỏi thăm con nhỏ có thích xứ này không; con nhỏ không trả lời, mặt buồn so.

Ở chơi bữa trước bữa sau con nhỏ đã đòi về, thằng Chen buộc lòng phải đưa nó ra bến xe huyện. Trở về, thằng Chen buồn rầu nói với ông:

- Ba à… Hoa không chịu về đây khi
ra trường…

- Cái gì? Không chịu… Tại sao hôm trước mày nói nó đã đồng ý rồi…

Thằng Chen không trả lời nhưng vẻ mặt nó buồn hiu. Con nhỏ chê cái xã vùng sâu đường sá, cầu kỳ chẳng ra hồn, làng xóm buồn hiu hay là chê nhà mình? Gia đình ông có gì chê được chớ? Một gia đình khá giả, có đầy đủ xe Honda, tivi, cát xét, máy móc và cả căn nhà đúc lợp ngói khang trang bự sự… Ông cũng đã nói cho tụi nó hay cái nền nhà ông đã mua sẵn ngoài chợ xã là để cho tụi nó ra riêng, mở phòng mạch, khám trị bệnh, bán thuốc, vốn liếng ông lo hết… Rồi tụi nó phất lên mấy hồi…

Còn đường sá, cầu cống… nay mai “Nhà nước lớn” cũng sẽ lo tới, gấp gáp gì… Thiên hạ sống ở đây mấy chục năm qua, ra vô ngày hai ba lần, có gì đâu… Hứ, cũng tại cái thứ tiểu thư ẻo lả… Nhưng coi bộ cái thằng Chen con của ông không xa được con nhỏ đó rồi…

Nuôi thằng con ăn học, thành tài để vợ chồng ông được hãnh diện, tự hào và bà con làng xóm còn nhờ cậy một khi đau yếu, chẳng lẽ… Hứ, cũng tại con nhỏ, tại con đường đất lầy lội đầy lỗ hang, tại cầu kỳ chẳng ra hồn, xe cộ không ra vô được. Và, tại cây cầu khỉ ôn dịch kia nữa đã làm con nhỏ hoảng vía chớ còn tại sao nữa. Có phải tại ông đâu (?)

Mai Bửu Minh (Báo Vĩnh Long)