Cựu bác sĩ quân y trợ giúp nhiều người Việt khó khăn ở Nga

 Cựu bác sĩ quân y Hoàng Thị Tư, người thứ ba từ phải sang

"Khi đến phòng khám của cô với khuôn mặt bị liệt bên phải, miệng méo xệch, lưỡi không còn cảm giác, con đã lo lắng vô cùng vì lúc ấy chưa có tiền lương. Nhưng cô đã an ủi, động viên và chữa khỏi cho con. Cô đối với con như một người mẹ", Nguyễn Thị Thanh Thúy, 32 tuổi, một công nhân may ở Moscow, để lại lời chia sẻ trong cuốn sổ của bà Hoàng Thị Tư sau khi hoàn thành khóa điều trị.

Thúy là một trong hàng trăm bệnh nhân người Việt được bà Tư chữa khỏi bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của Việt Nam. Có trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng lại không có tiền, không nơi nương tựa, bà Tư vẫn sẵn sàng giúp đỡ, vừa chữa bệnh cả tháng trời mà không lấy tiền, vừa để bệnh nhân tá túc lại nuôi ăn ở trong phòng khám. Đó là trường hợp của bà Hoàng Thị Sải, khi đến Nga để từ đó sang Đức, đã bị liệt một nửa bên mặt. Trong 10 ngày chữa trị, bà Sải đã được nữ cựu binh hỗ trợ cả tiền thuốc men và tiền ăn hàng ngày.

Từng là thiếu tá quân y, bà Hoàng Thị Tư, 65 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội, bắt đầu đến Moscow hồi 2001 và mở phòng khám chữa bệnh tư. Bà cũng tham gia sinh hoạt tại Hội Y Dược Việt Nam tại Nga và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Nga.

Bà Tư chia sẻ vì là bác sĩ nên bà hiểu hoàn cảnh của những người Việt sống ở nơi đất khách quê người. Khi bị bệnh, không phải ai cũng có điều kiện đến bệnh viện. Thêm nữa tiếng Nga của nhiều người còn yếu, họ ngại phải nhờ phiên dịch nên dần dần có tâm lý sợ đi khám.

"Tôi chỉ mong người bệnh chóng khỏi, bớt đau đớn, trở lại với cuộc sống bình thường. Đó là niềm vui của người thầy thuốc, đơn giản chỉ có vậy", bà Tư nói.

Với phương pháp điều trị châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống và phục hồi chức năng, nữ cựu binh còn chữa trị cho cả bệnh nhân là người Nga và người nước khác sống ở Moscow. Trong số các bệnh nhân đặc biệt này có ông Valery, một cựu thiếu tá Nga, bị tai biến khiến cơ thể bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Sau khi được bà Tư tận tình cứu chữa, ông đã đi lại bình thường, tự lái xe, mặc dù chân còn khập khiễng nhẹ. Gần 10 năm nay, gia đình ông Valery và bà Tư coi nhau như người thân trong nhà và thường xuyên gặp gỡ.

(Theo Vnexpress)