Nên trở thành nơi đất lành chim đậu cho du học sinh

 Ông Huỳnh Thế Du

Để có được điều này, các địa phương cần thu hút được: (i) các doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, (ii) những người giỏi/có khả năng đến làm việc, và (iii) những người khá giả đến ở. Bất cứ địa phương nào thu hút và giữ chân được ba đối tượng này đều trở nên thịnh vượng.

Đối với TP Hồ Chí Minh, một đô thị cạnh tranh quốc tế, thì vấn đề đặt ra là làm sao thu hút được những đối tượng từ “bên ngoài” đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, làm việc hay sinh sống. Trong tất cả các đối tượng thì du học sinh là nguồn tiềm năng nhất và nên được tập trung đầu tiên.
Nói chung là một địa phương cần cải thiện môi trường sinh sống và làm việc của mình để chào đón tất cả mọi người mà không phân biệt đối xử với ai. Tuy nhiên, để dễ hình dung thì cần nhìn vào các đối tượng cụ thể.

Ví dụ, khi Intel và Samsung vào, Thành phố chỉ cần thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ là thành công vì cái họ cần nhất là nhân lực trình độ cao cộng với năng lực sáng tạo (điều này rất cần thiết và có lợi cho các quốc gia hay địa phương). Đối với việc thu hút người có khả năng, chỉ cần thỏa mãn nhu cầu của đội ngũ đông đảo du học sinh là Thành phố sẽ có thể thu hút được rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn giản, nhu cầu của họ chỉ là nơi làm việc có thể thi thố tài năng của mình đi kèm môi trường sống tốt cho gia đình của họ.

Lý do chọn du học sinh là đối tượng vì họ đủ đông để tập trung và nhu cầu đủ khó để có thể thu hút tất cả những người Việt có khả năng và là những nền tảng cơ bản để thu hút những người nước ngoài (expats) đến làm việc trong tương lai.

LÀN SÓNG DU HỌC TIẾP TỤC GIA TĂNG

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Có người cho rằng Việt Nam đang có tình trạng tị nạn giáo dục vì chất lượng hệ thống giáo dục trong nước có vấn đề và số lượng đi du học như vậy là quá cao.
Bảng 1: Số du học sinh một số nước ở Mỹ và tỷ lệ so với dân số hiện năm 2015

Đvt: Nghìn người   Số DHS    Dân số    Tỷ lệ DHS/Dân số
Hàn Quốc                    63,7          50.501               0,13%
Canada                       27,2          36.330               0,07%
Đài Loan                     21,0          23.510               0,09%
Việt Nam                    18,7           92.700               0,02%
Hong Kong                 8,0              7.345                0,11%
Singapore                   4,7             5.535                 0,09%
(Nguồn: Số du học sinh lấy từ IIE, riêng Singapore lấy từ số liệu của ĐSQ Mỹ tại Singapore, dân số theo thống kê của các nước)

Tuy nhiên, nếu nhìn vào xu hướng du học sinh ở các nước, nhất là các nền kinh tế đã phát triển thì có thể thấy rằng số lượng du học sinh hiện nay của Việt Nam ở nước ngoài chưa thấm vào đâu cả và con số này sẽ tăng lên gấp 3-4 lần hiện nay. Nói một cách khác, nếu muốn trở nên phát triển thì ở thời hoàng kim sẽ có khoảng nửa triệu người Việt Nam đi du học.

Điển hình là Hàn Quốc, hiện tại họ đang có gần 250.000 người đang du học ở các nước (chủ yếu là các nước đang phát triển). Với dân số chỉ bằng nửa Việt Nam thì với con số nêu trên, nếu Việt Nam như Hàn Quốc sẽ là nửa triệu.

Thêm vào đó, Bảng 1 cho thấy chỉ riêng du học sinh ở Mỹ của một số nơi có nền giáo dục rất tốt đã chiếm khoảng 0,1% dân số của họ. Theo tỷ lệ này, ở thời hoàng kim thì riêng du học sinh Việt Nam ở Mỹ có thể lên đến 100.000 người hay gấp hơn 5 lần hiện nay.

 Du học sinh Việt Nam tại Mỹ

CHUYỆN VỀ HAY Ở CỦA DU HỌC SINH
12 trong số 13 quán quân Olympia ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong đã gây ra những tranh luận trái chiều, nhất là sự kiện gần đây xảy ra đối với Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ. Trước mắt, việc này có thể tạo ra cái nhìn không thiện cảm trong xã hội. Tuy nhiên, có nhiều khía cạnh tích cực cũng như những vấn đề nghiêm túc cần được đặt ra.

Thứ nhất, có thể khẳng định rằng hầu hết du học sinh đều muốn làm gì đó tốt cho đất nước. Đơn giản, mục tiêu sống của hầu hết mọi người là khẳng định mình trong xã hội. Được nhìn nhận trong cộng đồng quen thuộc hay quê hương của mình thường dễ dàng và đáng tự hào hơn cả. Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ. Nói một cách khác, khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đơn giản nhất là gửi tiền về. Do vậy, lo lắng du học sinh ở lại và không đoái hoài gì đến đất nước là không có cơ sở.

Thứ hai, việc chọn ở lại khi tốt nghiệp đơn giản chỉ là một bước trong chu trình thông thường. Ở hay về có lẽ là câu hỏi mà bất cứ du học sinh nào cũng phải đặt ra nhiều lần, nhất là khi học xong. Lựa chọn thường là ở lại. Mục tiêu của hầu hết mọi người khi đi làm thường chỉ là có mức thu nhập ổn định đảm bảo cho cuộc sống và cơ hội thăng tiến hay được xã hội công nhận. Khi mới học xong, áp lực cơm áo, gạo tiền thường rất lớn nên ưu tiên thường là có việc làm ngay với thu nhập ổn định. Hơn thế, du học sinh thường có nhiều thông tin về các cơ hội việc làm ở nước sở tại nhiều hơn là cơ hội ở Việt Nam. Do vậy, việc nhiều người ở lại là có thể giải thích.

Thứ ba, đây là cơ hội để các du học sinh trau dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Kinh nghiệm làm việc trong môi trường hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam mọi thứ đang còn rất sơ khai.

Thứ tư, việc ở lại khi mới học xong sẽ tránh được khả năng bị nhiễm cái xấu của hệ thống hiện tại. Áp lực có việc làm và tồn tại khi quay về ngay có thể làm cho một số du học sinh bị đặt trong tình trạng không có lựa chọn nào khác. Hậu quả là có thể một số người sẽ phải “uốn mình” và chấp nhận những quy tắc bất thành văn khi đi xin việc và thậm chí khi đã có việc làm. Đây là điều rất đáng sợ cho tương lai của Việt Nam. Khi đã có vị trí ổn định ở bên ngoài, việc trở về hay những đóng góp cho đất nước của du học sinh sẽ ở thế ngẩng cao đầu. Lúc đó, tác dụng và ảnh hưởng có khả năng sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc trở về ngay.

Thứ năm, việc du học sinh chưa trở về nhiều chỉ ra những trục trặc khá nghiêm trọng của hệ thống trong nước hiện nay. Tính dung hợp hay dung nạp của thể chế để các cá nhân có thể khẳng định mình là chưa nhiều, trong khi tính loại trừ là rất cao. Do vậy, nhiều du học sinh chưa thấy “đất dụng võ” nên chưa về.

Nhìn vào động thái và cách hành xử của phần lớn du học sinh có thể hình dung được tương lai của Việt Nam. Nếu nhiều người trở về hay có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thì cơ hội sánh vai với các cường quốc năm châu sẽ lớn. Ngược lại, nếu nhiều người phải chọn cách thức gửi tiền về thì Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quán quân kiều hối, nhưng luôn lẹt đẹt ở phía sau. Việc về hay ở của du học sinh phụ thuộc vào môi trường thể chế. Nếu có sự cải cách triệt để để tạo ra thể chế dung nạp thì tương lai của Việt Nam sẽ xán lạn. Ngược lại, nếu tính loại trừ của hệ thống hiện tại tiếp tục được dung dưỡng thì tương lai của đất nước sẽ u ám.

TRỞ THÀNH NƠI ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Chuyện đi du học rồi ở lại nước sở tại hay đi làm ở nơi khác mà không trở về là rất phổ biến. Điều này cũng xảy ra với rất nhiều người Hàn Quốc, Đài Loan … Tuy nhiên, những nền kinh tế này đã trở nên phát triển một phần quan trọng là nhờ rất nhiều du học sinh đã trở về nước làm việc và thi thố tài năng. Nói một cách khác là những quốc gia hay vùng lãnh thổ này đã tạo được môi trường mà ở đó những người có khả năng có thể phát huy tài năng của mình.

Ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có lẽ là nơi thích hợp nhất để tạo dựng một môi trường mà ở đó các tài năng có thể phát huy. Trên thực tế, những nền tảng hay nhân tố cơ bản đã có mà nó thể hiện rõ nhất là nhiều kiều bào cũng như người nước ngoài đang chọn mảnh đất đặc trưng của anh Hai Nam bộ này làm nơi lập nghiệp. Tuy nhiên, hiện TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc phải làm để có thể trở thành nơi lựa chọn ưa thích của các du học sinh khi trở về và tiếp theo đó là người nước ngoài. Liệu TP Hồ Chí Minh có làm được điều này?

LỜI KẾT
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với các dòng vốn và dòng hàng hóa, dòng nhân lực đang được dịch chuyển hết sức tự do. Chuyện về hay ở của du học sinh là một quá trình tự nhiên và lựa chọn của mỗi người trong các hoàn cảnh khác nhau. Hầu hết mọi người sẽ chọn nơi nào cảm thấy mình có giá trị nhất hay nói một cách đơn giản là nơi mà họ có thể đảm bảo được cuộc sống ở mức cần thiết, đồng thời cũng thi thố được tài năng của mình. Đóng góp hay cống hiến là điều có thể đặt ra nhưng không nên lấy đó là vấn đề chính hay yếu tố quyết định.

Do vậy, việc cần làm ngay của Việt Nam là tạo ra một môi trường tốt để nhiều người trở về theo những hình thức khác nhau (toàn thời gian hay một phần thời gian chẳng hạn) hoặc có những cách thức chung tay khác nhau nhằm tạo ra nhiều của cải cho đất nước. Nhìn từ cách tiếp cận này thì TP Hồ Chí Minh đang có lợi thế hơn cả trong việc tạo dựng môi trường sống phù hợp cho những đối tượng này cũng như nơi mà họ có thể thi thố tài năng của mình.

Đối với những người có khả năng, họ có bàn tay với khối óc nên có thể làm được rất nhiều thứ cho bản thân và mang lại lợi ích cho xã hội. Do vậy, những hỗ trợ vật chất trực tiếp như tiền mặt hay nhà ở không phải là những điều thiết yếu, điều quan trọng với họ là môi trường mà ở đó họ không chỉ có thể nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn tự khẳng định được mình. TP Hồ Chí Minh nên tập trung để đáp ứng nhu cầu này bằng việc tạo dựng một khu vực công hiệu quả để tạo ra môi trường kinh doanh và môi trường sống tốt.

Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright