Kiều bào với phát triển đầu tư, thương mại của TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là đầu tàu, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Chủ trương xây dựng TP Hồ Chí Minh thành “Thành phố đáng sống”

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ngày 27/6/2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội, có tác động lan tỏa phát triển đối với khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, tạo động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trong đó Thủ tướng lưu ý, đẩy mạnh triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, năng động kết nối từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối trong nước và quốc tế. Xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, môi trường an ninh, an toàn, đặc biệt lưu ý đến sự hài lòng của người dân, tạo lập những lợi thế và sự hấp dẫn để có khả năng cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, đưa TP Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; là trung tâm thu hút đầu tư và khởi nghiệp của cả nước; phấn đấu đến năm 2020, số doanh nghiệp của Thành phố chiếm 50% cả nước.

Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nội lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, tiếp tục đổi mới, xã hội hóa mạnh mẽ các lĩnh vực dịch vụ công, nhất là y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; tập trung xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế chất lượng cao, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

Phát triển kinh tế thị trường hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ có giá trị gia tăng cao và sản phẩm dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, củng cố, phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị hàng nội địa gắn với giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố rà soát, loại bỏ các “quy hoạch treo”, quản lý tốt quy hoạch, nâng cao tầm nhìn và đổi mới công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch là sự hòa quyện các yếu tố quy hoạch sản xuất, thương mại, dịch vụ, hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường và văn hóa có sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Khu vực nông thôn cần có sự gắn bó hữu cơ với quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối tốt và bổ sung cho nhau. Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành “Thành phố đáng sống”.

Thu hút, mời gọi kiều bào

Để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước và là một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực và châu Á, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách đề ra, TP. Hồ Chí Minh cần quy tụ và huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực kiều bào.

Định hướng phát triển đó đã bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân thành phố, cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân kiều bào mong muốn được đóng góp cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, để phát huy hơn nữa lợi thế và tiềm năng của kiều bào trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp kiều bào hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các dự án liên quan môi trường, công nghệ cao…; phát huy khả năng của NVNONN làm dịch vụ, thiết lập và mở thêm kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, Thành phố cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải đáp những thắc mắc, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết những kiến nghị cụ thể của NVNONN liên quan đầu tư, kinh doanh, hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa - xã hội, cư trú và những quyền lợi hợp pháp khác tại thành phố.

Nhằm thu hút kiều bào, TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và sẵn sàng làm cầu nối để trí thức NVNONN trao đổi, hợp tác, cống hiến trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thành phố. Thành phố sẽ đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Kiều bào chung tay phát triển kinh tế Thành phố

Trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, với mục tiêu khai thác bền vững các tiềm năng và lợi thế của riêng mình, Thành phố luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, đặc biệt huy động nguồn lực của NVNONN. Đóng góp vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư của kiều bào góp một phần quan trọng. Và kiều bào không chỉ là những nhà đầu tư trực tiếp, mà còn là cầu nối giữa TP Hồ Chí Minh với bè bạn thế giới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số trên 1100 doanh nghiệp do NVNONN đầu tư tại 52/63 tỉnh thành của Việt Nam với tổng số vốn đăng kí gần 40 ngàn tỉ đồng (chưa tính đến số lượng doanh nghiệp của NVNONN chuyển đổi sang hình thức đầu tư trong nước), số doanh nghiệp kiều bào đầu tư tại TP Hồ Chí Minh đã chiếm từ 80-85%.

Sau 26 năm kể từ ngày Chính phủ Ban hành Luật đầu tư Nước ngoài, Thành phố đã thu hút doanh nghiệp từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tới đầu tư với 6.382 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư là 40,86 tỷ USD, trong đó có hơn 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn của kiều bào được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư trên 260 triệu USD.

Một số dự án tiêu biểu của NVNONN trực tiếp tham gia đầu tư vào TP Hồ Chí Minh như: Dự án Công ty TNHH Đầu tư văn phòng Indochina Land (vốn British Virgin Islands): vốn đầu tư 21,8 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; Dự án Công ty TNHH Dinh dưỡng Otsuka Thăng (vốn Nhật Bản): vốn đầu tư 20 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; Dự án Công ty cổ phần bao bì Minh Việt (vốn Nga): vốn đầu tư 6,7 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kiều bào còn trực tiếp tham gia đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp sẵn có; cụ thể trong 9 tháng năm 2016, kiều bào đã đóng góp 1,7 triệu USD trên tổng số vốn góp đăng ký góp vốn, mua cổ phần là 1,17 tỷ USD.

Lượng kiều hối trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 24,3 tỷ USD, tăng 40% so với giai đoạn 2006 – 2010; 8 tháng năm 2016 đạt 2,85 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ. Đặc biệt, lượng kiều hối của Thành phố luôn chiếm từ 45 – 55% lượng kiều hối của cả nước. Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Theo thống kê của ngành Ngân hàng, 71,9% kiều hối được dùng đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh, 21,6% đưa vào lĩnh vực bất động sản và 6,5% hỗ trợ người thân. Kết quả cho thấy đầu tư của kiều bào nói riêng và đầu tư của doanh nghiệp nói chung tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, sản xuất kinh doanh sản phẩm cho xã hội, và ngày càng khẳng định vị thế của mình.

Tâm huyết của kiều bào

Chung tay xây dựng TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế luôn là mong muốn và trăn trở của bà con kiều bào, đặc biệt là các doanh nhân, trí thức NVNONN. Ngoài mục đích kiếm tiền để làm giàu cho bản thân và gia đình, họ luôn khao khát cống hiến, đóng góp một phần trí tuệ, công sức của mình để xây dựng quê hương đất nước.

Ông Michael Bui, một doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã về Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh trên 50 lần trong 25 năm qua để làm việc, nghiên cứu và đầu tư. Theo ông, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung là một thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng hiện tại cho thấy sự phát triển không đồng đều. Có nhiều lý do như, hệ thống luật pháp quản lý chưa rõ ràng, để lọt kẽ hở cho một số cán bộ trong hệ thống cơ quan điều hành dễ dàng tham nhũng. Điều đó làm cho các doanh nghiệp ngại ngần khi vào đầu tư vì nhà đầu tư nước ngoài luôn cần sự bền vững của thị trường và luật pháp rõ ràng, sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp để họ cạnh tranh. Thành phố đưa ra vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp vào đầu tư không phải là cách bền vững để phát triển kinh tế, vì ưu đãi thì sẽ xảy ra sự việc là có doanh nghiệp được ưu đãi và có doanh nghiệp không được, vô hình chung lại tạo thành sân chơi không công bằng.

“Vai trò của doanh nghiệp kiều bào là rất quan trọng trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đồng thời chính Nhà nước cần có chính sách về pháp luật và quyền lợi rõ ràng, thì mới thu hút mạnh được số lượng kiều bào tham gia đông đảo để có những nhà đầu tư đến với thành phố”, ông Michael Bui chia sẻ.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào ở Canada) nêu ý kiến: “TP Hồ Chí Minh muốn đột phá để phát triển vượt bậc thì cần tạo sân chơi không giới hạn cho các nhà trí thức và doanh nghiệp thực hiện các dự án, ước mơ của mình mà pháp luật không cấm. Trong quản lý xã hội, pháp luật phải được thượng tôn triệt để, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Thành phố cũng cần có chiến lược phát triển phù hợp, tập trung vào nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, thương mại hoá các nghiên cứu, phát minh phục vụ cho các ngành nghề trong nước và xuất khẩu ra thế giới”.

Với bà Nguyễn Trương Thị Lệ Sinh (kiều bào ở Đức), TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của các doanh nghiệp sản xuất với nhiều triển lãm, hội chợ quảng bá về thương hiệu. Để hướng đến sự phát triển, TP Hồ Chí Minh cũng cần phải thổi làn gió mới từ trong tư duy lãnh đạo, điều chỉnh chính sách để phù hợp với một số luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quốc tịch… nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kiều bào. Ngoài ra, khi điều chỉnh chính sách thì Thành phố phải hướng doanh nghiệp đến môi trường đầu tư kinh doanh theo như các Luật được ban hành: Luật Thuế, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Bà Sinh cũng cho rằng, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cần quảng bá thêm về thị trường để tạo sự hội nhập hơn nữa, nhằm kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp kiều bào. 

Nói về vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp kiều bào trong việc kết nối, quảng bá các dự án đầu tư trọng điểm của TP Hồ Chí Minh với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp - cho biết, tại các nước Tây Âu, chúng ta có số lượng kiều bào lớn hội nhập tốt vào xã hội, kinh tế nước sở tại từ rất lâu nên am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán kinh doanh của người địa phương. Họ không nhất thiết là nhà đầu tư trực tiếp hay chủ doanh nghiệp, mà có thể là một chuyên gia, cán bộ quản lý của doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn của  nước địa phương, nhưng nhờ hiểu rõ tiêu chuẩn, điều kiện và sự đòi hỏi của nhà đầu tư của nước ngoài với đặc thù mỗi nước, họ có thể làm cầu nối kinh doanh rất tốt cho Việt Nam. “TP Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung, cần kêu gọi, thu hút các kiều bào có kỹ năng, kỹ thuật cao, có vị trí trong xã hội, mạng lưới quan hệ rộng ở nước ngoài, để đóng góp cho sự nghiệp phát triển”, ông Nam nhấn mạnh. 

Để xây dựng được môi trường kinh tế phát triển, theo ông Nguyễn Hải Nam, hai vấn đề chính là cơ chế và con người. Ông Nam đưa ra một số đề xuất, như sau: Các tổ chức đại diện chính quyền trong nước như VCCI, VietTrade, sở ngành liên quan của TP Hồ Chí Minh cũng như ngoài nước (các cơ quan đại diện) cần tích cực trong việc tận dụng nguồn thông tin, kinh nghiệm kinh doanh, mạng lưới quan hệ từ Hội Doanh nhân/Doanh nghiệp Việt kiều tại nước sở tại vì họ rất am hiểu văn hóa kinh doanh, luật lệ của nước sở tại, cũng như Việt Nam; Xây dựng, phát triển nền công nghệ thông tin qua internet, mạng xã hội (facebook) để chia sẻ thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. “Cũng đừng quên rằng, nếu muốn nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn kinh doanh vào Thành phố thì Thành phố cũng phải đầu tư, nhập khẩu với các thành phố lớn của nước bạn. Ví dụ tại Pháp, đến hôm nay, mới chỉ có 3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam có mặt, là quá ít. TP Hồ Chí Minh có thể tiên phong cùng với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp thành lập một văn phòng đại diện tại Paris để cung cấp thông tin, tìm đối tác kinh doanh Pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thành phố cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho giới trẻ dưới 40 tuổi phát huy óc sáng tạo, kinh doanh, kết nối doanh nhân trẻ của TP Hồ Chí Minh với các thanh niên kiều bào sinh sống ở các nước Châu Âu. Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, ABVietFrance, có Đoàn Thanh niên sẵn sàng tiên phong làm công tác này với TP Hồ Chí Minh”, ông Nam tha thiết.

*

Sự đóng góp trí và lực của kiều bào là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP Hồ Chí Minh. Hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều các doanh nhân, trí thức kiều bào về hợp tác, đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Hà Nguyên