Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành với dân tộc

 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (7/11/1981- 7/11/2016).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Suốt gần 2000 năm phát triển tại Việt Nam, Phật giáo đã hòa quyện vào đời sống dân gian, trở thành một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của đa số dân cư Việt, một thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hoa của dân tộc Việt Nam, nhiều nhân vật lịch sử, nhiều anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với nhà Phật và còn mãi với thời gian.

Cùng với đó là hàng triệu người Việt Nam bình dị đã và đang hết lòng phấn đấu vì hòa bình, vì cuộc sống hạnh phúc của mình và mọi người, vì môi trường thiên nhiên an lành cho muôn loài. Rất nhiều người vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, vì mọi người, vì lợi ích chung; hy sinh lợi ích, kể cả tuổi trẻ, thậm chí là máu thịt, là tính mạng của mình vì độc lập, tự do vì tương lai tươi sáng của dân tộc...

“Đó là gì nếu không phải là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là Phật tính trong con người Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Phật giáo ở nước ta có bước phát triển rất tích cực, rõ nét trong tất cả các mặt từ cơ sở chùa chiền, kinh sách, nghiên cứu, đào tạo tới hệ thống tổ chức các cấp, lực lượng Phật tử; từ các hoạt động thiện nguyện ở mọi nơi kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh tới các hoạt động hợp tác quốc tế.

Sau 35 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Trị sự Phật giáo tại 63 tỉnh, thành phố, quản lý 49.493 tăng ni, 17.376 chùa và tự viện cùng hàng chục triệu tín đồ, phật tử, 4 học viện Phật giáo đã và đang đào tạo 9.000 tăng ni sinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện việc dịch nhiều bộ kinh điển Phật giáo, nghiên cứu về pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Công tác trùng tu, kiến tạo hàng nghìn cơ sở tự viện, tổ đình, danh lam thắng cảnh phật giáo cả nước được thực hiện hiệu quả, đã có có 257 tự viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, hàng trăm tự viện là di tích tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thành.

Đối với công tác từ thiện xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có 50 cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; gần 70 Tuệ Tĩnh đường, 650 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân...

Các tăng ni, Phật tử luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc đối tượng người có công, người yếu thế, tham gia các phong trào thiện nguyện … Ước tính nguồn kinh phí dành cho công tác xã hội của tăng ni, Phật tử cả nước trong 35 năm khoảng 7.000 tỷ đồng.

Phát huy tinh thần “phụng đạo, yêu nước”, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các tăng ni, Phật tử trong cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phòng trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế thông qua các lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo ASEAN và nhiều hoạt động đối ngoại có ý nghĩa khác.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bối cảnh trong nước và thế giới đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của đất nước.

Cụ thể, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh, xung đột (kể cả xung đột sắc tộc, tôn giáo) cùng bệnh dịch, biến đổi khí hậu và nhiều hiểm họa khác... đang tạo thành những thách thức lớn, đe dọa tới tương lai của hòa bình thế giới, tới tương lai của loài người, của trái đất.

Trong nước, dù có bước phát triển khá nhanh, toàn diện được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu và cam kết phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc song Việt Nam vẫn còn nghèo, khoảng cách phát triển so với các nước còn lớn và có nguy cơ rộng thêm.

“Điều đáng lo ngại là đạo đức xã hội có không ít biểu hiện xuống cấp. Truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc có nguy cơ và thực tế đang từng ngày, hàng giờ, hàng phút bị xâm lấn bởi tội phạm, tệ nạn xã hội, lối sống ích kỷ, thực dụng, chạy theo danh lợi trong một bộ phận người Việt, kể cả trong những giới vốn được coi là tôn nghiêm, mẫu mực”, Phó Thủ tướng lo ngại.

Những biểu hiện, những “căn bệnh” này đang làm xấu sự phát triển, hình ảnh của đất nước, tới tương lai của giống nòi đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ bằng pháp luật, bằng giáo dục đạo đức với sự phối hợp và tham gia của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tôn giáo và của toàn xã hội.

Phó Thủ tướng mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm tốt đạo, đẹp đời, sẽ tiếp tục phát huy vị trí quan trọng, sứ mệnh linh thiêng của mình để những lời dạy của Đức Phật đến khắp muôn nơi, đến với mọi người; để tất cả mọi người cùng đoàn kết, nỗ lực làm điều tốt, việc thiện, không làm và đấu tranh với việc xấu, phấn đấu để trí tuệ xua hết vô minh, để tình yêu thương ngự trị, mọi người chung sống hạnh phúc, chung tay xây dựng đất nước hòa bình.

Đó cũng là niềm mong ước của tất cả mọi người dân dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo; của mọi tôn giáo đang hoạt động theo pháp luật ở Việt Nam, là mục tiêu phát triển một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã chọn lựa.

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, văn hóa.

*Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam do đã có thành tích xuất sắc trong phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

(Theo chinhphu.vn)