Đào tạo học nghề theo mô hình Thụy Sỹ

 Sinh viên học nghề tại doanh nghiệp của Thụy Sỹ

Thực trạng thất nghiệp trên toàn cầu

Thống kê cho thấy, trong năm 2015, nếu tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 5,8% thì trong giới trẻ là 13,1%. Ở châu Âu, trong khối EU, tỷ lệ thất nghiệp toàn khối là 9,7% và trong giới trẻ là 16,3%. Ở một vài quốc gia khác, mức độ thất nghiệp trong giới trẻ còn tăng cao hơn nhiều. Tại Pháp, 24,7% giới trẻ không có công ăn việc làm, tại Tây Ban Nha, nạn thất nghiệp trong giới trẻ chiếm tỷ lệ 39%, bên Ý là 36,7% và Hy Lạp là 51,9%.

Hiện tượng này không chỉ có ở Âu châu. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là 11,2%, tại châu Mỹ La-tinh là 14,2%, tại châu Á là 10,1% và tại Trung Đông là 29,8%.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cuối năm 2015, có khoảng 225.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp, đó là chưa kể những thanh niên không tốt nghiệp đại học, hay bỏ ngang chương trình học vấn và hiện cũng không có việc làm. Con số này cho thấy nạn thất nghiệp trong giới trẻ cũng đang phổ biến tại Việt Nam.

Riêng tại Thụy Sỹ, nạn thất nghiệp trong giới trẻ chỉ chiếm tỷ lệ 3,7%, không khác mấy so với tỷ lệ thất nghiệp cho mọi độ tuổi là 3,2%.

Thụy Sỹ là một nước nhỏ bé, nhưng có vị trí rất tốt cả về chính trị và kinh tế, mức độ phát triển kinh tế có thể là nguyên do khiến tỷ lệ thất nghiệp quốc gia ở mức thấp là 3,2%, nhưng không thể giải thích được nạn thất nghiệp trong giới trẻ cũng gần trong mức thất nghiệp quốc gia. Trong khi tại các nước khác, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao gấp đôi gấp ba tỷ lệ quốc gia.

Học hỏi từ mô hình kép

Các chuyên gia về lao động, về nguồn nhân lực đã tích cực tìm hiểu hiện tượng này. Đặc biệt Cơ quan phát triển đào tạo nghề nghiệp của khối EU, CEDEFOP đã nghiên cứu rất kỹ và nhận định mô hình đào tạo nghề nghiệp kép - kết hợp đào tạo tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, chính là điểm lợi giúp giới trẻ tìm được việc làm.

 Ông Phạm Nam Kim 

Thực vậy, có việc ngay khi ra trường là một điều cực khó vì những gì học ở nhà trường thường không phù hợp với công việc ngoài xã hội, vì học thì có mà thực hành thì không. Mô hình đào tạo nghề nghiệp kép, một mặt phá tan những nghi ngại này và mặt khác học viên có cơ hội ứng tuyển ngay trong doanh nghiệp thực tập và đa số được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Cơ quan CEDEFOP của EU còn cho biết, ở những quốc gia có chương trình đào tạo kép, nạn thất nghiệp trong giới trẻ chiếm tỷ lệ khá thấp, đó là Đức với 6,9%, Malta với 9,8%, Áo với 10,9%, Đan Mạch với 11%.

Tuy nhiên, đào tạo kép ở những quốc gia này chưa hoàn toàn phổ biến, nó chỉ được thực hiện ở vài vùng miền, doanh nghiệp và thiếu tính hệ thống đối với toàn bộ nền giáo dục quốc gia.

Tại Thụy Sỹ, đào tạo ngành nghề kép đã được áp dụng từ cuối thế kỷ XIX và năm 1930, Chính phủ đã ra Đạo luật Liên bang, hệ thống hóa đào tạo kép và áp dụng trên toàn lãnh thổ. Hiện tại, 60% công dân trong độ tuổi đi làm đều theo con đường đào tạo nghề nghiệp kép, trong số đó 2/3 dừng lại ở mức học vấn này và 1/3 còn lại học tiếp và có bằng cao học nghề nghiệp.

Có thể nói phát triển kinh tế vượt bậc của Thụy Sỹ từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay phần lớn dựa vào nguồn nhân lực rất chuyên nghiệp, không những trong công nghiệp mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, hành chính.

Hiện nay, có 25 quốc gia (trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brasil, Nam Phi…) đang tiến hành dự án du nhập mô hình đào tạo nghề nghiệp kép của Thụy Sỹ.

Tính khoa học của mô hình đào tạo kép

Hệ thống giáo dục Thụy Sỹ vạch ra hai lộ trình giáo dục đào tạo.

Lộ trình thứ nhất, hướng đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế thông qua hệ thống đào tạo nghề nghiệp kép trình độ trung và cao học.

Lộ trình thứ hai, hướng đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục, nghiên cứu khoa học và những ngành nghề đặc biệt như ngành y, luật, kinh tế,…

Đặc điểm của mô hình này là học nghề không hạn chế trình độ, học viên có thể theo chương trình cao học chuyên nghiệp và khi tốt nghiệp sẽ tương đương với bằng thạc sỹ và được công nhận tại tất cả các trường đại học ở châu Âu do Hiệp định Bologne được ký kết.

Ngoài ra, mô hình đào tạo này liên kết giữa hai lộ trình. Ví dụ, học viên theo chương trình đào tạo nghề có thể thi lấy bằng tú tài chuyên nghiệp (tương đương tốt nghiệp THPT ở Việt Nam) và với bằng này có thể theo học tại bất cứ đại học nào tại Thụy Sỹ hay Âu châu.

Cụ thể, sau khi học hết lớp 9, học sinh lúc đó 16 tuổi, đã theo hết chương trình giáo dục bắt buộc có quyền lựa chọn giữa lộ trình đào tạo nghề nghiệp hay lộ trình học đại học. Nếu theo con đường đào tạo nghề nghiệp, sẽ qua Ban hướng nghiệp, tư vấn, định hướng học sinh nên chọn ngành nghề nào thích hợp nhất. Sau đó Ban này sẽ giúp đỡ ghi danh vào trường đào tạo nghề, đồng thời hỗ trợ tìm nơi thực tập trong một doanh nghiệp đã được nhà nước chứng nhận là có khả năng đào tạo, thực tập học viên trong nghề này.

Tùy theo ngành nghề, chương trình đào tạo có thể kéo dài từ 2 đến 4 năm, trong thời gian này học viên sẽ theo học lý thuyết ở trường 2 ngày/tuần và thực tập tại doanh nghiệp 3 ngày còn lại. Thời gian thực tập tại doanh nghiệp, học viên nhận được lương như nhân viên bình thường và doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm xã hội như mọi nhân viên khác. Bình thường, mức lương chỉ bằng 1/3, 1/4 mức lương nhân viên và được công đoàn thỏa thuận với hiệp hội doanh nghiệp trong ngành.

Lộ trình đào tạo nghề được Bộ Công Thương điều hành với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục. Chương trình học được xây dựng với sự hợp tác của các hiệp hội doanh nghiệp trong ngành. Sự tương tác với giới doanh nghiệp mang đến những kết quả khả quan. Chương trình học luôn đi sát với thực tế, học viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kỹ năng để làm tốt công việc trong doanh nghiệp và có nhiều lựa chọn cho tương lai nghề nghiệp của mình.

Học viên có thể trau dồi kỹ năng để trở thành chuyên nghiệp trong nghề của mình và học tại chức để lấy bằng Chuyên gia Liên bang hoặc có thể xin học tại trường cao học kỹ thuật hay đại học sau khi thi được bằng tú tài chuyên nghiệp; sau khi học cao học kỹ thuật, học viên có thể lấy bằng cử nhân hay thạc sỹ. Với tú tài chuyên nghiệp, học viên cũng có thể theo đuổi con đường đại học. Trong những năm vừa rồi, bình quân mỗi năm 2/3 học sinh chọn lộ trình học nghề và sau khi tốt nghiệp khoảng ¼ chọn con đường học thêm.

Mô hình đào tạo nghề của Thụy Sỹ đã thành công và được nhiều nước áp dụng 

Như vậy, mô hình đào tạo nghề tại Thụy Sỹ thành công là do đâu?

Có 3 yếu tố chính tạo nên sự thành công này:

Thứ nhất, mô hình đào tạo này là một mô hình mở, học viên có thể quyết định học thêm đến cao học và cũng có thể đổi qua lộ trình đào tạo thông thường qua đại học. Phụ huynh nào cũng muốn con mình được thành đạt, vì vậy nếu đào tạo nghề là một ngõ cụt thì chẳng ai muốn con mình cả đời làm thợ. Do vậy, những trường dạy nghề không được hệ thống hóa với những cửa mở lên cao học thì thường có một hình ảnh xấu và khó thu hút học viên.

Thứ hai, mô hình đào tạo kép dung hòa giữa lý thuyết và thực hành, là mô hình thích hợp để học nghề và làm cho học viên quen với công việc trong doanh nghiệp, khi ra trường có nhiều cơ hội được làm tại doanh nghiệp đã thực tập.

Thứ ba, mục tiêu của hệ thống dạy nghề là đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ nền kinh tế quốc gia, vì vậy sự hợp tác với doanh nghiệp rất chặt chẽ, từ việc đón học viên thực tập, đến việc lên chương trình học và thực tập. Nếu không có sự hợp tác hai bên thì mô hình đào tạo kép khó thành công.

Trường hợp tại Vương quốc Anh, áp dụng mô hình đào tạo kép của Thụy Sỹ nhưng sự hợp tác với doanh nghiệp quá lỏng lẻo, nên gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Tại Việt Nam, có nên áp dụng mô hình đào tạo này hay không, nhu cầu đào tạo của Việt Nam là gì?

Có 3 nhu cầu cơ bản, xin nêu lên ở đây:

Thứ nhất, mục tiêu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con người, muốn thực hiện được, cần có lực lượng lao động tương xứng, chuyên nghiệp.

Thứ hai, mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng, với khoảng 400 ngàn người rời thị trường lao động, thì hàng năm nền kinh tế phải tạo thêm 600 ngàn công ăn việc làm. Nhưng để đáp ứng nhu cầu làm được việc ngay của doanh nghiệp thì những thanh niên này phải đáp ứng được kỹ năng cũng như hiểu biết về doanh nghiệp và khi áp dụng mô hình kép, khả năng hòa nhập với doanh nghiệp sẽ đạt tỷ lệ cao.

Thứ ba, bắt đầu từ năm 2016, Việt Nam gia nhập khối AEC (khối kinh tế ASEAN), theo đó lao động trong 8 ngành nghề sẽ được tự do làm việc trong toàn khối. Khả năng mở cửa thị trường lao động cho mọi ngành nghề cũng như ở châu Âu là rất lớn. Như vậy, việc nâng cao trình độ tay nghề của lao động Việt Nam là rất cần thiết để hạn chế được tình trạng cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam khi công việc tốt phải thuê lao động tay nghề cao của nước ngoài và phải xuất khẩu lao động rẻ tiền qua các nước nghèo khác.

Khi chính sách được thống nhất từ trung ương đến địa phương và được sự hưởng ứng của nhân dân, thì mô hình đào tạo kép giống như Thụy Sỹ chắc chắn sẽ thành công tại Việt Nam.

Phạm Nam Kim
Chuyên gia kinh tế tại Thụy Sỹ