Phát triển công nghệ sinh học, cạnh tranh cùng thế giới

LTS: Với những thành tựu khoa học công nghệ vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ 20, công nghệ sinh học (CNSH) từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới. Đối với nước ta - một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học... Tạp chí Quê Hương có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình - một trong những người Việt Nam đi đầu trong nghiên cứu chuyển nạp gen trên cây trồng tại Trường đại học Laval, Québec, Canada. Hơn 10 năm từ khi trở về Việt Nam, ông đã có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho đất nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.

PV: Với nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới cùng hơn 10 năm công tác tại Việt Nam, ông có thể cho biết những đánh giá của mình về thực trạng ứng dụng CNSH tại Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh?

TS Nguyễn Quốc Bình: Hiện tại, CNSH đang đóp góp tích cực và quan trọng trong sự phát triển chất lượng cuộc sống của thế giới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, môi trường và y tế. Việt Nam chúng ta là một nước nông nghiệp, do vậy, phát triển CNSH phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân đóng vai trò cực kì quan trọng.

"Trong các lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có khả năng cạnh tranh với thế giới dễ dàng nhất là CNSH. Bởi vì CNSH không cần đầu tư nhiều về công nghệ phụ trợ, về cơ khí chính xác, về hạ tầng giao thông hay về các công nghệ tiên tiến về vi mạch, để có thể ngang hàng với thế giới… Có thể nói, đây là lĩnh vực mà người Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới trong hiện tại và tương lai."

                    TS Nguyễn Quốc Bình

Trước hết, chúng ta phải hiểu CNSH là gì. Nói một cách khái quát ngắn gọn, thì đó là sinh học có sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, thế giới khoa học đã đưa ra một khái niệm CNSH vào khoảng năm 1970 - khi người ta khám phá ra cách cắt ghép DNA (gen nói chung) bằng các enzyme trong ống nghiệm để tạo ra các sản phẩm mới là các công nghệ sinh học phân tử sinh học tế bào, protein tái tổ hợp được coi là công nghệ sinh học. Khái niệm này ngày càng được mở rộng bởi sự phát triển của các kỹ thuật mới sử dụng trong phát triển sinh học.

Dựa trên khái niệm này thì ứng dụng CNSH ở Việt Nam trong thực trạng vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Mặc dù trong những năm qua, việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH đã được quan tâm đầu tư. Trình độ nghiên cứu và phát triển, công nghệ đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ phôi, công nghệ sản xuất vắcxin thế hệ mới, công nghệ kháng sinh, công nghệ enzym, công nghệ vi sinh đã được nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các chương trình nghiên cứu về CNSH ở Việt Nam nói chung vẫn còn “cất ngăn kéo” nhiều.

Riêng ở TP Hồ Chí Minh, các ứng dụng của CNSH vào sản xuất cũng còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo của thành phố biết rõ điều này nên từ năm 2004 đã quyết định đầu tư xây dựng một trung tâm nghiên cứu về CNSH ngang tầm thế giới cho thành phố và nay đã được Chính phủ quyết định nâng cấp lên thành trung tâm CNSH quốc gia khu vực phía Nam - một trong ba trung tâm CNSH của cả nước sắp tới.

PV: Theo ông, TP Hồ Chí Minh có khả năng phát triển, ứng dụng tốt CNSH như các nước trên thế giới hay không?

TS Nguyễn Quốc Bình: TP Hồ Chí Minh là thành phố đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố có mật độ trí thức trình độ cao lớn, có hạ tầng kĩ thuật và kết nối với thế giới thuận lợi. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh nằm trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, do vậy việc phát triển CNSH ở thành phố có nhiều thuận lợi về nhân sự, về hạ tầng kĩ thuật và cả thị trường ứng dụng.

Trong các lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có khả năng cạnh tranh với thế giới dễ dàng nhất là CNSH. Bởi vì CNSH không cần đầu tư nhiều về công nghệ phụ trợ, về cơ khí chính xác, về hạ tầng giao thông hay về các công nghệ tiên tiến về vi mạch, để có thể ngang hàng với thế giới. Tôi lấy ví dụ: để sản xuất ra được một chiếc ô tô, chúng ta cần hàng ngàn linh kiện mà Việt Nam chưa thể tự sản xuất được, để sản xuất ra một chiếc điện thoại thôi cũng đã phải nhập bao nhiêu là linh kiện; trong khi đó để làm ra và sản xuất một loại vắc-xin nào đó chúng ta chỉ cần trí óc, một phòng thí nghiệm vừa phải, một vài con vi khuẩn và một nồi lên men tự chế, là có thể sản xuất ra hàng trăm triệu liều vắc-xin giá trị hàng trăm triệu USD. Một vài công ty nhỏ như Nanogen cũng có thể sản xuất ra hàng triệu liều thuốc chữa viêm gan siêu vi B… Có thể nói, đây là lĩnh vực mà người Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới trong hiện tại và tương lai.

PV: Năm 2004, ông đã đề nghị và xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học tại TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, Trung tâm đang hoạt động như thế nào? Trung tâm đã có những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu gì mang lại hiệu quả kinh tế?

TS Nguyễn Quốc Bình: UBND TP Hồ Chí Minh muốn xây dựng một trung tâm CNSH tại thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực hiện tại của Việt Nam. Thêm một yêu cầu quan trọng nữa, “30 năm sau, trung tâm CNSH ấy vẫn chưa lạc hậu”. Về lâu dài, Trung tâm này phải là một cơ quan nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề chính liên quan đến CNSH của nền kinh tế phía Nam.

Dựa trên mô hình thành công của Viện CIGB (Viện Di truyền và CNSH Cuba), Viện CNSH Armand Frapper (Québec, Canada), Viện nghiên cứu về CNSH Riken (Nhật Bản), Viện CNSH của Sakatchewan (Canada), Viện CNSH cây trồng (Paris, Pháp)…, tôi đã mạnh dạn đề xuất xây dựng một trung tâm theo mô hình mới đầu tiên tại Việt Nam: “Kết hợp tất cả lĩnh vực về sinh học vào chung một nơi”. Đây là một viện nghiên cứu kết hợp hầu hết các lĩnh vực khoa học về CNSH: y tế, nông nghiệp, thủy sản, môi trường…

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 23 ha, với quy mô đầu tư ước tính khoảng 100 triệu USD. Trung tâm CNSH TP Hồ Chí Minh đang trở thành một trong những trung tâm CNSH hiện đại nhất cả nước. Hiện tại, Trung tâm có đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ năng động với 7 bộ môn nghiên cứu chính trong các lĩnh vực khác nhau như: Phòng CNSH Thủy sản chuyên nghiên cứu về các loại vắc xin thế hệ mới áp dụng cho cá tra, tôm … ; Phòng CNSH Y dược chuyên nghiên cứu các loại thuốc dược sinh học đặc trị cho các bệnh virus trên người trên động vật, các dược sinh học chữa trị các bệnh về miễn dịch; Phòng Công nghệ vi sinh nghiên cứu các chủng vi sinh vật sử dụng như các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; Phòng CNSH thực vật lai tạo các giống mới bằng các phương pháp chuyển gen…

Các nghiên cứu của Trung tâm đang được chuẩn bị đưa vào sản xuất. Dễ thấy nhất là một loạt các dòng hoa lan lai mới cho năng suất bông cao, hoa đặc sắc. Các loại sản phẩm thuốc trừ nấm trừ sâu sinh học và đặc biệt là vắc xin kháng bệnh cho cá tra đang được thử nghiệm đại trà.

Khi thực hiện đề án “Nghiên cứu triển khai công tác cấy truyền phôi bò sữa đã xác định giới tính trên địa bàn thành phố”, Trung tâm đã xây dựng thành công quy trình tạo phôi bò in vitro, sinh thiết phôi và xác định giới tính phôi, giúp chủ động được giới tính phôi bò trước khi cấy ghép, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Thêm một sản phẩm nữa là thuốc Interferon chữa bệnh cho người. Cách đây vài năm, ở Việt Nam, giá mỗi mũi tiêm Interferon lên đến 4 triệu đồng, còn mũi tiêm do Trung tâm sản xuất thì chỉ có giá 500 ngàn đồng.

Chúng tôi đã đăng ký bản quyền “Tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gen Wzz làm vắc-xin kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra”. Đây là loại vắc-xin dành cho cá tra đầu tiên của thế giới và được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh cá tra ở Việt Nam có thể gây tổn thất 20% sản lượng. Khi vắc-xin này được ứng dụng rộng rãi, mỗi năm nguồn lợi mang lại cả ngàn tỷ đồng nhờ giảm được khoản chi phí mua kháng sinh, các loại thuốc cho cá. Dự kiến trong năm 2017 sẽ đưa vào ứng dụng đại trà. Những vắc-xin loại này cho các bệnh khác của cá và tôm cũng đang được đăng ký bảo hộ bản quyền. Sử dụng các loại vắc-xin này trong sản xuất cá tra có thể mang lại giá trị kinh tế cho người nuôi ước tính vào khoảng 300 triệu USD/năm. Riêng sản phẩm này đã có thể mang lại một lợi ích kinh tế cho xã hội gấp 3 lần đầu tư cho Trung tâm CNSH từ trước đến nay. Ngoài vắc-xin, Trung tâm đang chuẩn bị thương mại một loại cá phát sáng huỳnh quang sử dụng cho cá cảnh, đàn cá tạo ra bởi công nghệ chuyển gen phát sáng vào cá sóc của Việt Nam.

PV: Phát triển nghiên cứu không thể tách rời yếu tố con người, ông có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ chuyên gia công nghệ sinh học cho thành phố?

TS Nguyễn Quốc Bình: Như chúng ta biết, trong CNSH hay bất cứ lĩnh vực nào, thì nhân sự là vấn đề mấu chốt. Những công trình nghiên cứu ở Trung tâm CNSH TP Hồ Chí Minh chủ yếu là do các cán bộ nghiện cứu trẻ của Trung tâm thực hiện. Những cán bộ đó được đào tạo dẫn dắt bởi các chuyên gia giỏi ở Trung tâm.

Ngoài ra, Trung tâm được thành phố cho phép đưa ra nước ngoài đào tạo ở các trường tiến tiến tại Canada, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Mỹ… bằng kinh phí của thành phố. Nhờ chính sách này mà hiện tại Trung tâm đang có khoảng 80 thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo bài bản ở các trường đại học nước ngoài. Các bạn này thường có tuổi đời trên dưới 30. Tuy nhiên, muốn có được những kết quả sớm trong lĩnh vực này, cần có những chuyên gia đầu đàn hướng dẫn các tiến sỹ trẻ này.

Ngoài việc nghiên cứu tại Trung tâm, tôi cũng tham gia giảng dạy tại một số trường đại học trong nước và trực tiếp hướng dẫn đào tạo nhiều thạc sĩ, tiến sỹ trẻ. Tôi nghĩ rằng, nếu Nhà nước nói chung, TPHCM nói riêng có chính sách thu hút chuyên gia Việt kiều phù hợp thì sắp tới sẽ có nhiều người tiếp tay chúng tôi để giúp Việt Nam phát triển ngang tầm thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình sinh ra ở Cà Mau, theo gia đình tập kết ra Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 18 tuổi, ông nhận được học bổng du học tại trường ĐH Tổng hợp Kisinhov thuộc CH Moldavia (Liên Xô cũ).

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp ngành sinh hóa, ông về nước giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên), rồi làm việc ở phòng thí nghiệm CNSH của trường. Sau đó, ông được cử sang Pháp, nghiên cứu sinh về sinh học phân tử và tế bào thực vật tại ĐH Paris 11 trong Chương trình Hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Pháp.

Năm 1991, sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông tiếp tục học và nghiên cứu tại Trường ĐH Laval ở Québec (Canada). Hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo tiến sĩ, ông đã thực hiện khá nhiều nghiên cứu về gen trên khoai tây, về các loại gen chống bệnh, tăng năng suất, nghiên cứu chuyển nạp gen để tạo ra giống cây mới… Ông được đánh giá là một trong những người đi đầu trong nghiên cứu chuyển nạp gen trên cây tại ĐH Laval.

Từ khi trở về quê hương theo chương trình thu hút trí thức kiều bào của TP Hồ Chí Minh, ông đã có rất nhiều đóng góp cho ngành CNSH như: Vắc-xin, gen ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra, bộ kit phát hiện bệnh trên tôm, trên hoa lan... Ông còn nghiên cứu thành công dự án Hộp phong ba trồng rau cho người dân trên huyện đảo Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình từng được vinh danh tại Giải thưởng “Vinh danh nước Việt 2005" dành cho những Việt kiều có nhiều đóng góp xuất sắc cho đất nước.


Trang Thanh