Vịnh Vân Phong – nàng công chúa trên biển cả

Vịnh Vân Phong nằm giữa hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa, được ví như nàng công chúa ngủ quên trên biển cả mênh mông với sự kiêu sa đầy quyến rũ. Những bãi cát trắng trải dài mênh mông, làn nước biển trong xanh cùng lòng đại dương rực rỡ sắc màu, Vịnh Vân Phong hớp hồn biết bao du khách dừng chân.

Nếu bạn chưa một lần đến với Vịnh Vân Phong thì hãy cũng Tạp chí Quê Hương khám phá những vẻ đẹp của “nàng công chúa” này nhé.

Đầm Môn quyến rũ và Sơn Đừng hoang sơ

Đầm Môn là một bán đảo có tổng diện tích 128 km2, bao gồm 20 hòn đảo lớn nhỏ. Được che chắn bởi bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn theo hình cánh cung cho nên vùng biển Đầm Môn quanh năm êm ả, không có sóng gió lớn làm cho nước biển nơi đây cực kỳ sạch sẽ, trong như mắt mèo. Ở Đầm Môn, du khách không chỉ mê mẩn cung đường ngoằn nghèo ôm cua eo biển xanh mát mà còn tận hưởng không khí trong lành của những cánh rừng nguyên sinh, những bãi biển hoang dã trải dài.

 Khung cảnh nhìn từ bán đảo Đầm Môn

Đầm Môn có 3 thôn: Đầm Môn Hạ, Đầm Môn Thượng và Sơn Đừng. Trong đó làng chài Sơn Đừng hấp dẫn rất nhiều ánh mắt bởi sự hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng. Trên hòn Sơn Đừng có những tảng đá thiên nhiên mang dáng hình các con thú, những vách núi được cây cỏ bám vào và một xóm nhỏ với 14 hộ dân chài. Do sống xa và tách biệt với đất liền, người ta đặt Sơn Đừng là “làng Robinson”. Xóm biển nho nhỏ này cũng có một câu chuyện cổ tích: Ngày xưa, có một nhóm người thuộc dân tộc Đàng Hạ đi biển gặp bão, bị đắm tàu và đã trôi dạt vào bờ biển này sinh sống. Thời đó, họ chẳng có quần áo để mặc nên dùng lá cây làm trang phục. Sau đó, một số con trai, con gái lớn lên đã quyết định rời bỏ bãi biển buồn tênh này vào đất liền lập nghiệp. Nhưng cũng có những người vì tình yêu mà chọn chốn này an cư lạc nghiệp... Người dân Sơn Đừng làm rất nhiều nghề để sinh nhai như: nuôi tôm hùm lồng, đánh bắt mực, cá, lên rừng đốn củi và nghề trồng điều, trồng cây ăn trái. Giờ đây, họ thêm công việc làm du lịch.

Vài năm trước, muốn đến Sơn Đừng, từ đất liền phải đi nhờ tàu đánh cá, cả đi và về phải mất hai ngày. Ngày nay, nếu đi tàu cắt ngang Vịnh Vân Phong chỉ mất 3 tiếng đồng hồ. Thời gian trên tàu, du khách thỏa sức ngắm Vịnh Vân Phong đẹp với cảnh thanh bình của những làng chài nép mình dưới rừng dừa xanh ở chân núi, những cồn cát trắng mênh mông và những dãy núi chập chùng xa xa... Dưới ánh nắng, nhìn từ xa Sơn Đừng đẹp tựa tranh vẽ. Cách bờ chừng 100m, tàu không cặp bến được vì bờ biển lài ra khá xa, phải dùng thuyền thúng vào bờ. Nhưng đa số khách du lịch lại thích nhảy xuống lội vào. Nước biển trong vắt, sạch và ấm.

 Nơi cư trú của tộc người Đàng Hạ ở thôn Sơn Đừng

Ở Sơn Đừng không có đường sá và tất nhiên không có cả xe máy, xe đạp. Con đường chính của Sơn Đừng đi men theo mép biển nên khi nước lên thì đường mất. Giữa các nhà dân qua lại với nhau, người ta rải san hô thành những lối đi nhỏ trên cát. Hầu như ai tới Sơn Đừng cũng tò mò tìm hiểu về nguồn nước ngọt dồi dào ở ngay trên bãi cát sát mép nước biển. Ý thức được nguồn tài nguyên du lịch thiên phú của mình, cho nên người dân Sơn Đừng bảo vệ triệt để bãi biển trước mặt làng. Tương truyền, khi Vua Gia Long thua quân Tây Sơn tới đây, đã đào thử một hồ nước ngay bãi cát trên mép nước biển. Điều kỳ diệu đã xảy ra: họ tìm được nước ngọt và đến nay, giúp người dân Sơn Đừng có nước uống và có sản phẩm giới thiệu với khách du lịch. Từ giai thoại đó, người dân Sơn Đừng có hẳn một đền thờ nhỏ được lập để thờ Vua Gia Long.

Hấp dẫn hơn nữa, du khách ra sau làng, leo lên đồi cát để tìm cảm giác chinh phục đồi cát hoặc theo người dân địa phương ra bè đang trên biển, lựa mua tôm cá rồi trở vào bờ biển luộc hay nướng bên bếp than, củi và thưởng thức theo cách dã chiến để tận hưởng cảm giác sung sướng giữa thiên nhiên miền biển.

Những hòn đá kỳ vĩ trên vịnh Vân Phong 

Hòn Lớn – thách thức người phiêu lưu

Phía Đông Bắc Vịnh Vân phong là bán đảo Hòn Gốm gồm các dãy núi nhỏ và cồn cát kéo dài. Bán đảo Hòn Gốm trải dài 27,5 km có hình dáng như một cánh tay vươn ra nâng niu báu vật là Hòn Lớn. Hòn Lớn ngày xưa có tên chữ là hòn Đại Dư, nằm trước cửa Vịnh Vân Phong che chắn kín đáo để tàu bè vào ẩn núp bão tố.

Cấu tạo địa chất của đảo Hòn Lớn khá lạ. Một bên là một vòng eo mềm mại cát biển làm nơi neo đậu êm đềm cho tàu thuyền và ba bên còn lại là những vực đá sắc và khá hóc hiểm, dựng đứng làm thót tim những người phiêu lưu. Du khách muốn ra Hòn Lớn có 2 hướng đi: một là từ cảng Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã), thuê tàu của ngư dân ra đảo (lộ trình khoảng 16 km); hai là vào Đầm Môn, theo thuyền ngư dân ở bãi Sơn Đừng để ra đảo Lớn (7 km).

Ở mạn Tây đảo Hòn Lớn là ngọn núi Hòn Lớn với đỉnh cao nhất trên 580 m so với mực nước biển. Ngoài ra trên đảo còn nhiều rặng núi thấp hơn, đến ngày nay vẫn còn phủ đầy rừng nguyên sinh. Trên đảo có 3 thôn nhỏ, rất thưa dân là thôn Vạn Thạnh, Ninh Tân và Ninh Dao nằm giáp biển ở 3 hướng Tây, Nam và hướng Bắc. Riêng hướng Đông là những vách đá dựng đứng, trong đó có vài bãi biển hoang vắng nhưng tuyệt đẹp. Vậy nên Hòn Lớn bây giờ vẫn còn là hòn đảo rất hoang dại phủ đầy núi rừng và các bãi biển tuyệt đẹp không dấu chân người. Do đó, nơi đây rất thích hợp cho những ai yêu thích phiêu lưu, khám phá những vùng đất mới.

Hòn Ông yên bình

Hòn Ông hay còn có tên gọi khác là đảo Cá Voi, có diện tích rộng gần 40.000 ha, nhưng chỉ có 2 ha được sử dụng vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, phần còn lại là cánh rừng xanh tươi quanh năm. Bởi vậy, Hòn Ông phù hợp với những người yêu biển, thích khám phá những nơi thiên nhiên hoang sơ, vắng vẻ, những người muốn tạm tránh xa cái ồn ào náo nhiệt hay xô bồ của cuộc sống bon chen thành thị, để tận hưởng trọn vẹn một khoảng thời gian thanh bình.

Mọi hoạt động vui chơi tại Hòn Ông đều tập trung vào bãi biển chính. Đây là bãi biển dài và đẹp nhất trên đảo. Khi vừa đến nơi, có lẽ du khách chỉ muốn lao xuống để tha hồ tắm mình trong dòng nước xanh trong vắt, mặt biển phẳng lặng như gương, bãi cát phẳng trải rất dài dưới mặt nước đến nỗi có bơi ra một đoạn xa nước vẫn chỉ vừa ngang ngực. Nước trong đến nỗi có thể nhìn thấy những hòn đá, những đàn cá tung tăng bơi lội dưới đáy. Ở đây không có sóng xô từng đợt mà chỉ lăn tăn những gợn rất nhỏ.

Khu nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Ông 

Hòn Ông cũng rất khác với những đảo du lịch khác ở chỗ không có người dân ở. Trên đảo chỉ có 1 resort duy nhất là Whale Island Resort và các dịch vụ trên đảo đều do resort này cung cấp. Phòng ốc ở đây được trang bị khá đơn giản: nhà lá, vách nứa, nền gỗ, bàn ghế tre, thậm chí đến cây tăm bông cũng có thân làm bằng tre, tất cả tạo nên sự chân chất và đơn giản như miền quê Việt. Đến chiều tối không gian xung quanh vô cùng yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng chim kêu đêm hoặc tiếng côn trùng rỉ rả. Lâu lâu có tiếng thuyền máy chạy ngoài xa. Hoàn toàn không có tiếng nhạc xập xình, tiếng xe cộ ồn ào hay tiếng người í ới.

Ngoài những hòn đảo trên, Vịnh Vân Phong còn rất nhiều điểm đến cho du khách tò mò khám phá như: Mũi Đôi – nơi đón những ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam; đảo Điệp Sơn với hành trình chinh phục con đường dưới biển độc đáo dài gần 700 m; đảo Cỏ Ống - nơi mệnh danh là thiên đường san hô với muôn loại san hô với đủ màu sắc bày ra trước mắt…Vậy nên, nếu có thời gian bạn hãy đến và cảm nhận Vịnh Vân Phong hoang sơ và lộng lẫy đến lạ kỳ nhé!

Thanh Trúc (tổng hợp)