Khám phá con đường xuyên rừng tràm Tân Lập

Mất hơn hai giờ từ TP.HCM theo quốc lộ 1A đến Tân An (Long An), rẽ phải vào quốc lộ 62 rồi đi thẳng về Mộc Hóa khoảng 60km nữa, bạn sẽ đến làng nổi Tân Lập để đi xuồng vào rừng tràm.

Ngay từ xa, đã có thể nhận ra khu du lịch nhờ cổng chào được thiết kế khá nổi bật. Ngồi thuyền khoảng năm phút là đến rừng. Lướt trên sông, đón làn gió mát rượi, ngắm quang cảnh miền quê thanh bình sẽ khiến bạn cảm thấy thật thư thả.

Vào mùa nước nổi khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9, bạn còn được thấy những đóa sen hồng bồng bềnh trên mặt nước.

Rừng tràm Tân Lập cách trung tâm TP.HCM khoảng 100km. Đây vốn là một vùng đất ngập nước hoang sơ thuộc huyện Mộc Hóa, Long An, gần biên giới Campuchia, liên kết với khu vực Đồng Tháp Mười tạo thành mảng xanh bao la, có kênh rạch chằng chịt và dòng sông Vàm Cỏ Tây chảy qua.

Thiên nhiên nơi này nổi bật với rừng tràm cổ thụ, các đầm sen, hồ súng cùng hàng trăm loài chim cá và các loài lưỡng cư đặc hữu tạo nên hệ sinh thái đa dạng phong phú.

Điểm nhấn để mọi người nhận biết điểm đến là tháp canh cao 38m được xem như đài quan sát đề phòng cháy rừng hoặc định hướng khu vực cháy để nhanh chóng dập lửa. Ngọn tháp với tầm nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh rừng tràm bạt ngàn rộng 135ha và vùng đệm rộng 500ha.

Trên màu xanh ngút ngàn nổi bật dưới nền trời thấp thoáng vài cánh cò đi kiếm ăn, những đàn chim chao lượn. Xa xa là những tháp canh khác vươn lên khỏi tán lá rừng.

Từ tháp canh, du khách có thể thấy cả con đường xuyên rừng tràm dài 5km, rộng chỉ chừng 1m. Có đoạn đường uốn lượn, có đoạn rẽ đôi nên len lỏi trên con đường này bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị.

Dọc hai bên đường là những cây tràm cao vút, quanh thân có dây leo quấn. Màu xanh phủ rợp khiến du khách như lọt thỏm giữa bức màn bí ẩn. Ánh nắng xuyên qua tán lá dày, chiếu rọi xuống làm đường đi thêm phần huyền ảo, thơ mộng.

Bạn có thể bắt gặp nhiều loài côn trùng, những cây cầu gỗ hay chiếc cầu khỉ lắt lẻo, nghe mùi của bùn đất rong rêu, cảm giác như lạc vào một thế giới khác vừa đậm chất phiêu lưu vừa không kém phần thi vị. Mọi âm thanh huyên náo đều biến mất, nhường chỗ cho tiếng chim hót, tiếng nhái kêu hay tiếng xuồng máy.

Mùa khô, lá tràm rụng đầy đường nên hành trình du ngoạn sẽ có thêm tiếng xào xạc của bước chân đạp trên lá khô vang vọng giữa khu rừng thanh vắng. Chính nét lãng mạn đó khiến có người ví von đây là “đường tình yêu” của làng nổi Tân Lập.

Chuyến đi dạo giữa thiên nhiên xanh tươi, mát mẻ làm ai cũng cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng. Nếu không rành đường, bạn cũng đừng quá lo lắng, bởi các ngã rẽ đều thiết kế xây dựng vòng về điểm xuất phát ban đầu.

Sau khi tham quan, hãy nhớ thưởng thức món cá lóc nướng lá sen hay các đặc sản khác tại nhà hàng trong làng nổi để cảm nhận hương vị đặc biệt ở miền sông nước. Bạn cũng có thể mua quà lưu niệm, đặc biệt mật ong nguyên chất của rừng tràm về biếu tặng.

Với khung cảnh đẹp còn đậm nét hoang sơ cùng không khí trong lành, rừng tràm Tân Lập ngày càng lôi kéo nhiều đôi chân tìm đến khám phá. Đặc biệt gần đây, đó còn là một trong những bối cảnh chính trong một MV.

Vẻ hoang sơ của rừng tràm khi lên hình càng thêm huyền ảo, lung linh nên địa điểm này hứa hẹn trở thành chỗ chụp ảnh lý tưởng thu hút rất nhiều bạn trẻ đến “check-in”.

Sắp tới, rừng tràm Tân Lập được “hồi sinh” mạnh mẽ hơn với những dự án phát triển thêm khu thể thao vui chơi giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười, khu nuôi thú hoang dã, khu câu cá, cắm trại.

Đây sẽ là điểm sáng trong du lịch Long An, mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Hòa mình vào thiên nhiên xanh mướt của rừng tràm Tân Lập, đón nhận nguồn năng lượng tích cực từ mẹ thiên nhiên hào phóng ban tặng, du khách như được tiếp thêm sinh lực để lại trở vào guồng quay vội vã của cuộc sống nơi phố thị náo nhiệt.

(Theo Tuổi Trẻ)