Nhà kho trên núi

 Nhà kho của người Cơ Tu

Kho lúa là nguồn sống của gia đình, bảo đảm cuộc sống ấm no, yên vui của mỗi nhà. Mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho là niềm mơ ước của dân làng. Kho lúa là một bộ phận quan trọng trong kiến trúc nhà ở các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên.

Nét đẹp kiến trúc

Nhà kho (zâng aso hay crơ lăng) của người Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng có nét kiến trúc giống nhau, có hình dáng như ngôi nhà ở thu nhỏ. Sàn cao từ 1,5 - 2m, rộng từ 1,5 - 2m, dài khoảng 2,5m, cao khoảng 1,5m. Mái nhà kho dốc xuôi đến tận mép sàn với mục đích chống ẩm, côn trùng và chống cháy. Kho thường được dựng trên 1 cột hoặc 4 cột chịu lực.
Sàn được lót kín bởi nhiều lớp tre đan, vách vây kín thành vòng tròn bằng những tấm đan lớn. Nguyên liệu chính là gỗ, mây, tre, nứa, tranh... khai thác từ núi rừng vây quanh. Để tránh thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực và giống má cho mùa sau, các nhà kho bao giờ cũng được dựng cách xa làng, ngay sát bìa rừng.

Ở vùng Tây Nguyên, người M’nông, Mạ, Xtiêng... thường bố trí kho lúa ngay trong nhà chính của mình. Khi cất nhà, kho lúa là phần được thi công đầu tiên. Trong nhà dài M’nông trước nay kho lúa làm trên gác, phía dưới làm bếp nấu ăn, hai bên làm sạp ngủ, phía trên làm sạp dài liền nhau cả dãy nhà, phía dưới làm sạp từng hộ, để khoảng trống chừng bốn sải để làm cửa và có chỗ để giã lúa khi trời mưa, kho lúa thường bố trí liền kề, nối đuôi nhau.

Cửa của kho lúa đều được mở ở phía ngoài, mỗi kho đều có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa. Khi nào lúa đã đầy kho người ta có thể làm thêm một kho ngoài nhà hoặc ngoài rẫy. Kho lúa chính hay phụ đều được làm trên bếp lửa cho có khói chống ẩm và khỏi bị mọt ăn. Ngoài kho lúa còn có các bồ lúa được đan bằng nứa, mây hoặc cây mụn đập dập để đựng lúa giống. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa dự trữ, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn.

Bồ lúa giống cũng phải đặt trên bếp cho khỏi bị ẩm và bị mọt ăn. Hạt giống hoa màu như hạt mướp, cà, ớt, bầu bí cũng phải để trên bếp cho khô ráo khỏi bị côn trùng phá hoại. Hạt giống được cho vào ống nứa có nắp đậy kín để bảo quản.

Biểu tượng no ấm

Giống như bếp lửa, kho lúa rất quan trọng trong đời sống các dân tộc thiểu số, đó là hình ảnh của no ấm, an sinh xã hội, kho lúa như là nguồn sống của cộng đồng. Việc giữ gìn hoa màu, lương thực thể hiện ý thức “tích cốc phòng cơ”, ăn sâu vào tập quán của đồng bào miền núi. Người Gia Rai ở Tây Nguyên từ lâu đời tồn tại Kho lúa tình thương, kho lúa này được cả làng đóng góp sau mỗi mùa thu hoạch để sẵn sàng giúp đỡ những gia đình thiếu đói trong mùa giáp hạt hoặc do hoạn nạn. Đồng bào Cơ Tu cũng có rẫy lúa, kho lúa của làng, để giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn. Rẫy lúa này do chính thanh niên trai tráng trong làng chung tay góp sức làm nên. Đến mùa thu hoạch, lúa được chuyển về nhà kho chung của làng để có nguồn lương thực giúp đỡ những gia đình neo đơn, ốm đau, bệnh tật, không có khả năng phát rẫy làm nương nuôi sống gia đình. Gần đây, các kho lúa vùng của người Xơ Đăng ở Nam Trà My, người Cơ Tu ở Tây Giang còn được chính quyền hỗ trợ tiền mua lúa cho vào kho để đảm bảo lương thực cho đồng bào vào mùa mưa lũ. Đến nay, nhiều các bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại Kho lúa tình thương, Kho lúa của làng. Loại hình nhà kho này thực sự phát huy tác dụng khi có hoạn nạn xảy ra, nhất là vào mùa mưa, bão. Kho thóc của làng tồn tại lâu đời đảm bảo cuộc sống ấm no, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thiên tai của người miền núi trong điều kiện nền kinh tế tự túc tự cấp.

Ẩn hiện nhân văn

Kho lúa là sáng tạo vật chất chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Trong nghệ thuật tạo hình, đồng bào cũng khắc họa hình ảnh của kho lúa. Hoa văn kho lúa trên trang phục Cơ Tu khá độc đáo, với những đường nét, tạo hình đầy ấn tượng, giàu ý tưởng và mang nhiều yếu tố thẩm mỹ. Kho lúa đã đi vào những vần thơ, truyện cổ, tín ngưỡng dân gian của các tộc người. Kho lúa là nơi trú ngụ của Thần lúa, Mẹ lúa cho nên nơi ấy thường diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng trong năm liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng nông nghiệp. Lễ cúng hồn lúa thường được tổ chức trong kho lúa. Khi lúa vào trong kho, kết thúc vụ mùa, đồng bào bao giờ cũng tổ chức lễ cúng hồn lúa. Hàng năm vào đầu tháng Ba hoặc tháng Tư âm lịch, trước khi đem hạt giống ra rẫy trồng tỉa, người M’nông phải cúng Tõ ba trước. Lúa thu được ít thì cúng gà, lúa thu được nhiều thì cúng lợn. Mùa bội thu (trên một trăm gùi) thì cúng trâu hoặc bò, gọi là Tâm ngêt Tõ ba. Sáng sớm, đồng bào làm thịt con lợn, lấy bộ lòng đem luộc chín xắt thành từng miếng nhỏ bỏ vào đĩa mỗi thứ một ít, lấy một bầu cơm nếp, làm một cây nêu nhỏ để chuẩn bị cúng lúa. Khi mặt trời đứng bóng, đồng bào bắt đầu cúng lúa. Tất cả các lễ vật được mang lên kho lúa. Chủ nhà mời các già làng có uy tín và các chủ hộ làm ăn giỏi, có nhiều lúa lên kho lúa tiến hành khấn vái cầu cho Thần lúa quản lý lúa trong kho, đừng cho hao hụt, lúa ăn đến ngày giáp vụ, no đủ cả năm, có thừa để đổi của cải, cầu xin Thần lúa đừng để gia đình thiếu ăn, đừng khiến phải ăn củ mài, trái dẻ, củ nén. Xong phần nghi lễ, chủ nhà mời bà con tham gia lễ cúng ăn cơm nếp, thịt lợn, thịt gà nướng, uống rượu... ngay trên kho lúa.

Ngày nay, trong tâm thức, tín ngưỡng của đồng bào, Hồn lúa, Mẹ lúa vẫn là vị phúc thần gần gũi, mang lại cuộc sống bình an, ấm no cho dân làng. Kho lúa vẫn còn đó những giá trị kiến trúc, là sự lựa chọn, sáng tạo văn hóa, tri thức bản địa phù hợp với điều kiện sinh sống, môi trường thiên nhiên của đồng bào vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Do đó, cần có sự bảo tồn kho lúa và các lễ hội đầy ắp chất nhân văn xung quanh chu kỳ sản xuất lúa rẫy như lễ cúng hồ lúa, lễ ăn mừng lúa mới, lễ mừng mùa bội thu... để giữ gìn những tinh hoa trong bản sắc văn hoá tộc người.

Tấn Vịnh (LVO)