Trại hè Việt Nam 2016: Hành trình ý nghĩa tới Quảng Ngãi

Ðến Sơn Mỹ, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2016 đã dâng hương và hoa để tưởng nhớ những nạn nhân đã chết trong vụ thảm sát do quân đội Mỹ thực hiện vào năm 1968. Các bạn trẻ kiều bào đã được nhìn thấy những bức ảnh vụ thảm sát do phóng viên quân đội Mỹ chụp lại. Những bức ảnh màu và đen trắng đã ghi lại sự thật đáng sợ mà đồng bào ta đã từng phải chịu đựng. Ngoài ra, các bạn cũng được xem nhiều hiện vật còn được lưu giữ: đó là chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ, chiếc mõ tụng kinh của nhà sư Thích Tâm Trí còn tìm lại được. Trong những hiện vật đó còn tìm thấy chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh. Sau khi cô bị sát hại, người yêu cô đã tìm nhặt lại được chiếc kẹp tóc ấy, trân trọng giữ gìn nó suốt 8 năm trời trước khi giao nó cho Nhà Chứng tích...

Bên ngoài khuôn viên chứng tích, rải rác đó đây trong các xóm thôn là những tấm bia dựng lên ở các địa điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết. Ở Sơn Mỹ, những con đường làng nhỏ và những thửa ruộng xanh còn rất nhiều nét giống như những tháng năm trước kia. Ít ai ngờ tới, ở một vùng quê thanh bình, xanh tươi này đã từng có một quá khứ bi thương đến vậy.

Nguyễn Hải Nam – cậu học sinh về từ Đức – là người xem kỹ những bức ảnh, hiện vật trưng bày nhất. Hải Nam chia sẻ: “Dù tiếng Việt của em không được tốt lắm như những bạn khác nhưng em đã từng xem những bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, những bộ phim đó không có những hình ảnh bi thảm như thế này. Hôm nay, tận mắt nhìn thấy những bức ảnh đau thương như vậy, em cảm thấy vô cùng thương xót. Em không tưởng tượng được người dân mình thời gian đó đã phải hứng chịu nỗi sợ hãi lớn nhường nào. Biết nhiều hơn về những khốc liệt của chiến tranh, thế hệ trẻ bọn em càng phải biết ơn những thế hệ trước đã dũng cảm hy sinh để chúng em được sống trong thanh bình”.

Buổi chiều, Đoàn đã về lại vùng đất Quảng Nam để ghé thăm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ.

Cả quần thể Khu tượng đài có tổng diện tích 15ha được xây dựng từ ý tưởng: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Các bạn trẻ kiều bào ngạc nhiên trước khuôn viên rộng lớn của Khu Tượng đài, đồng thời khâm phục trước ý tưởng rất có ý nghĩa của các họa sĩ, kiến trúc sư.  Bên cạnh đó, các bạn rất vui thích khi được ngắm nhìn những khuôn mặt hiền hậu của nhiều mẹ Việt Nam anh hùng từ nhiều vùng miền của Tổ quốc.

Trong hoạt động ngày hôm nay, các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào đã có những việc làm rất ý nghĩa khi trao tặng Trung tâm Trẻ em khuyết tật Võ Hồng Sơn (Quảng Ngãi) số tiền 15 triệu đồng và Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Nam 15 triệu đồng. Đây là số tiền các em tự đóng góp để góp một phần nhỏ vào nỗ lực cùng cộng đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong nước.

Khu chứng tích Sơn Mỹ cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

Khu chứng tích Sơn Mỹ có diện tích 2,4ha, nằm tách biệt với nhà dân bao gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày bổ sung, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng với tổng diện tích 15ha trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng làm bằng chất liệu đá sa thạch, được Hội đồng Nghệ thuật chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Tác giả Đinh Gia Thắng đã chọn và điều chỉnh trong quá trình thể hiện tỷ lệ 1/1 để thể hiện hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,5m, rộng 84,7m, chiều rộng theo đường cong là 117m.

Phía trước tượng là quảng trường tiền môn với 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng được làm bằng đá sa thạch. Hình cánh cung dài 81m (theo đường cong là 101m), chính giữa khối tượng đài là chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18m, phần thấp nhất của cánh cung cao là 5,83m.

Tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m², có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của Mẹ đối với Tổ quốc. Trong lòng khối đá sa thạch dài 78m là nhà bảo tàng các mẹ Việt Nam anh hùng có tổng diện tích 397m² bao gồm phòng trưng bày, phòng khách, khu bảo quản.

Hai bên tượng đài bố trí hai thảm hoa lớn với diện tích 600m² được trang trí nhiều họa tiết, với sắc thái của 54 dân tộc sống trên dải đất Việt Nam. Khối tượng đài chính còn gắn kết với một hồ nước lớn, khoảng 1.000m². Phía sau khối tượng đài là một bãi cỏ rộng và một vườn đá. Ngoài ra, quần thể kiến trúc tượng đài còn bao gồm 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9 mét, đường kính bình quân hơn 1,2 mét làm bằng đá sa thạch, khắc ghi công lao của các bà mẹ.

Thủy Nguyên