Tôi muốn hồi hương, làm thế nào?

Xin hỏi:

  1. Nếu tôi muốn về Việt Nam thì phải làm những thủ tục gì?
  2. Tôi có được về nơi ở cũ không? Có bị đi cải tạo do vượt biên bất hợp pháp hay không?

 * Trả lời:

1. Điều kiện trở về Việt Nam:

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, giấy chứng minh thư nhân dân Việt Nam là một trong những loại giấy tờ có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam. Do đó, giấy chứng minh nhân dân của bạn là giấy tờ tùy thân duy nhất bạn còn để chứng minh bạn là người Việt Nam và  cũng là một căn cứ rất quan trọng để bạn được làm thủ tục trở về Việt Nam.

Do bạn nhập cư bất hợp pháp tại Anh, bạn cần phải tuân theo đúng luật pháp của Anh đối với người nước ngoài định cư bất hợp pháp tại Anh muốn quay trở lại quê hương. Vì vậy, bạn cần mang theo các giấy tờ về nhân thân (chứng minh thư nhân dân…) đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh để được hướng dẫn về trình tự, thủ tục và chuẩn bị các chi phí cần thiết để được trở về Việt Nam.

2. Thủ tục cư trú tại Việt Nam:

Theo Điều 3 Luật Cư trú 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2013, công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 10 Luật này quy định về những trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú như sau:

"1. Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

  1. Người bị Tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.
  2. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành”.

Nếu bạn không rơi vào những trường hợp trên và bạn vẫn có chỗ ở hợp pháp tại địa phương trước đây bạn đã cư trú thì bạn có thể quay lại nơi cư trú ban đầu để đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Về vấn đề xử phạt do vượt biên trái phép, Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Như vậy, bạn sẽ bị xử phạt 3.000.000 đến 5.000.000 đồng do vượt biên trái phép và không phải đi cải tạo.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội