“Tạy Hò”- Bùa thiêng của người Thái

 Tạy Hò của người Thái

“Tạy Hò” trong tâm thức của người Thái

Từ ngàn xưa, người Thái đã có những phong tục độc đáo và đặc sắc trong hôn nhân và gia đình. Họ có một kho tàng thi ca dân gian kể về những câu chuyện, về tình yêu đôi lứa, cuộc sống hôn nhân, gia đình của các cặp vợ chồng. Kho tàng đó chứa đựng rất nhiều hình ảnh, phong tục tập quán độc đáo từ ngàn xưa. Không ai biết những vật bùa chú có từ bao giờ và không ai chắc chắn về tác dụng của chúng. Nhưng, đời này qua đời khác người Thái vẫn luôn giữ niềm tin vào lời truyền dạy của tổ tiên. Những vật để giữ tà ma, linh hồn hay thần hộ mệnh được làm từ cỏ cây, tre nứa, vải vóc… sau khi được “hóa phép” hoặc “yểm bùa” sẽ trở thành vật linh thiêng trong tâm thức của họ và những vật linh thiêng đó vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của người Thái cho tới ngày nay.

Từ xa xưa, trong các gia đình người Thái, mỗi một đứa trẻ được sinh ra đều sẽ được ông bà hoặc cha mẹ đan cho một cái Tạy Hò. Họ quan niệm đó là nơi ở của vị thần hộ mệnh và một phần linh hồn của đứa trẻ. Tạy Hò của nam và nữ khác nhau, nó là biểu tượng rõ ràng cho cả hai giới. Nếu đứa trẻ là con trai chiếc Tạy Hò của cậu bé sẽ được đan thành hình trụ, kèm theo một cái cung và một mũi tên nhỏ. Còn nếu đứa trẻ được sinh ra là con gái, thì Tạy Hò đan cho cô bé sẽ có hình chiếc gùi, kèm theo một vật nữa mà người ta gọi là cái “Khuổm Khuân”(vật giữ linh hồn/thần hộ mệnh) có hình gần giống như cái muôi. Tạy Hò được đan từ lạt tre, nứa, kích cỡ bằng ngón tay hay cái chén uống nước và thường thì Tạy Hò của nữ giới sẽ to hơn của nam giới một chút.

Vào ngày lễ đặt tên cho đứa trẻ (sau sinh từ bốn, năm ngày hoặc đầy tháng) ông bà hoặc cha mẹ sẽ treo cái Tạy Hò đó lên trên trần nhà, đứa trẻ là con trai sẽ treo ở góc bên bàn thờ tổ tiên phía trong nhà, nếu đứa trẻ là con gái thì sẽ được treo lên bên trên trần nhà từ phía cầu thang đi lên nhà sàn hay người ta còn gọi là “Hỉnh Một”. Chính vì vậy, khi bước lên nhà sàn của người Thái, nếu được nhìn vào chỗ Tạy Hò của họ, khách có thể đoán biết được số người con trong gia đình đó, bao nhiêu trai và bao nhiêu gái. Tạy Hò sẽ được treo trên trần nhà suốt cả đời người, khi ai đó chẳng may mất đi thì cái Tạy Hò của người đó phải được gỡ xuống.

Bùa yêu trong hôn nhân, gia đình của người Thái

Phụ nữ Thái sau khi lấy chồng được ba đến mười năm, thậm chí lâu hơn sẽ quay về nhà cha mẹ đẻ làm lễ “Au Sửa, Au Phả” hay còn gọi là “Au Đẳm, Au Phi” (“Au” tức là rước, lấy). Ngày nay khoảng thời gian để làm lễ này được rút ngắn hơn nhiều, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các gia đình. Đây giống như một lễ cưới lần thứ hai - lễ rước toàn bộ linh hồn và thần hộ mệnh của họ từ nhà bố mẹ đẻ về nhà chồng. Cha mẹ cô gái sẽ gỡ cái Tạy Hò của cô gái ở nhà mình đem về nhà chồng và treo nó lên trên trần nhà của đằng nhà chồng. Khi đó người phụ nữ ấy hoàn toàn thuộc về nhà chồng, nó gần như là một nghi thức nhập họ của nhiều dân tộc khác.

Theo tục lệ người xưa, nếu người phụ nữ Thái nào chưa làm lễ này thì sau khi mất đi sẽ không được mai táng trong khu vực chôn cất của nhà chồng mà sẽ phải mang về nhà cha mẹ đẻ. Vì vậy, nhiều người chẳng may mất lúc chưa làm lễ rước “Đẳm Phi” thì sẽ phải để con cháu hoặc đại diện của mình về nhà bố mẹ đẻ xin rước linh hồn và thần hộ mệnh của họ về rồi mới tiến hành thủ tục ma chay. Nếu như đã có con dâu mà mẹ chồng chưa làm lễ “Au Đẳm, Au Phi” thì vợ chồng con trai và con dâu chưa được phép làm lễ đó trước bố mẹ.

Lễ “Au Đẳm, Au Phi” vô cùng quan trọng trong hôn nhân của người Thái, người Thái xưa thường phải đợi rất lâu sau đám cưới đầu mới được làm lễ này. Thường sau khi hết hạn ở rể hai đến năm năm, khi về nhà chồng người ta sẽ làm lễ này luôn, hoặc có những người sau khi về nhà chồng phải sau mười đến hai mươi năm mới đủ điều kiện kinh tế để làm. Mặc dù nghi lễ chưa diễn ra nhưng hai vợ chồng sau nhiều năm chung sống bên nhau vẫn thuận hòa và ước muốn trọn đời, trọn kiếp bên nhau, hứa hẹn thủy chung vẫn được họ gắn bó keo sơn, bền chặt. Đàn ông người Thái sau khi lập gia đình, ra ở riêng thì cái Tạy Hò của anh ta ở nhà bố mẹ đẻ cũng sẽ được tách về treo ở ngôi nhà mới. Khi hai vợ chồng sinh con họ sẽ lại làm những cái Tạy Hò khác cho con mình như ông bà, cha mẹ họ đã làm cho họ trước kia.

Có thể nói “Tạy Hò” là vật chứng của tình yêu và sự thuỷ chung trong hôn nhân của người Thái, nhất là đối với nữ giới, khi nhà gái trao gửi chiếc “Tạy Hò” của con gái họ cho một người đàn ông. Khi đó người phụ nữ Thái đã gửi gắm hết cuộc đời của mình cho chồng con và là lời hứa thủy chung, son sắt với dòng họ nhà chồng. Vật bùa chú nhỏ bé ấy chứa đựng một phần linh hồn, thần hộ mệnh của người Thái, minh chứng cho sự tồn tại của họ ở trên đời, biểu tượng cho một cuộc hôn nhân bền vững và Tạy Hò luôn đi cùng với họ từ lúc sinh ra cho đến hết một kiếp người.

Lò Thị Dược (Làng Việt)