Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 96 km. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha bao gồm: 27 ha khu chùa Bái Đính cổ , 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh… vẫn đang được tiếp tục xây dựng. Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) là một công trình lớn, có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa Bái Đính cổ. Một số hạng mục chính gồm: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp...
Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, lấy tên là Đinh Tiên Hoàng năm 968. Ngày nay dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là khu vực khá bằng phẳng, nằm trong hệ thống núi đá vôi kéo dài từ tỉnh Hòa Bình xuống Khu Di tích Cố đô Hoa Lư có diện tích 13,87 km2. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi (42 năm) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.
|